(Tổ Quốc) - Cơ quan quản lý bảo vệ người tiêu dùng Brazil đã yêu cầu Apple phải bồi thường gần 1.000 USD cho những khách hàng mua iPhone không có sạc do vi phạm luật tiêu dùng tại nước này.
Quyết định loại bỏ củ sạc trong bao bì iPhone của Apple đã gây tranh cãi dữ dội vào năm 2020. Apple khẳng định làm như vậy vì môi trường, quyết định có ảnh hưởng tương đương với gần 450.000 ô tô không chạy trên đường mỗi năm, ngoài ra còn giảm kích thước hộp vận chuyển của mỗi chiếc iPhone được bán ra.
“Hiện nay người dùng đã có rất nhiều cục sạc điện thoại của hãng, người dùng có thể dùng cục sạc cho iPhone 12, đồng thời, việc này giúp hạn chế lượng rác thải điện tử thải ra môi trường bên ngoài”.
Lập luận này của Apple khiến Procon-SP nhận thấy không đủ tính thuyết phục, bởi việc mua điện thoại kèm bộ sạc là thứ thiết yếu từ xưa đến nay, trong khi đó, Apple lại không chịu trách nhiệm nếu người dùng sạc pin iPhone bằng cục sạc của hãng bên thứ ba. Trong động thái mới nhất, một thẩm phán tại Brazil buộc Apple phải bồi thường cho khách hàng gần 1.075 USD do không bán kèm củ sạc trong hộp iPhone 12.
Căn cứ theo Điều 39 của Bộ luật Người tiêu dùng (CDC), "tie sale" là hành vi lạm dụng và bị cấm tại Brazil, vì vậy, bị cấm bán điện thoại di động và củ sạc riêng lẻ. Do đó, Apple bị kết án sau khi bán iPhone và sạc riêng cho một khách hàng tại thành phố Goiânia. Thẩm phán Vanderlei Caires Pinheiro thuộc Tòa án dân sự số 6 tuyên án Apple phải bồi thường 5.000 R$ (hơn 1.000 USD).
Năm 2021, Brazil đã phạt Apple gần 2 triệu USD do vi phạm luật tiêu dùng và không tôn trọng khách hàng Brazil. Procon-SP nói rằng bộ sạc là một "phần thiết yếu" trong quá trình trải nghiệm điện thoại thông minh. Cơ quan này cũng khẳng định Apple đã vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ người tiêu dùng tại Brazil.
Fernando Capez - Giám đốc điều hành của Procon-SP đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc đối với Apple sau án phạt, yêu cầu Apple cần phải tôn trọng và hiểu rõ Luật Người tiêu dùng Brazil. Mức phạt này sẽ không được áp dụng lại sau 6 tháng kể từ thời điểm ban hành.
"Người tiêu dùng mong đợi rằng họ sẽ nhận được bộ sạc cùng với điện thoại thông minh. Hành động này của hãng cũng có thể được hiểu như một cách tăng giá phi lý. Ví dụ, bạn bán thiết bị trong đó bao gồm cả bộ sạc cho X. Sau đó, bạn chỉ bán thiết bị cho X mà không bao gồm bộ sạc, điều đó đồng nghĩa là công ty đã tăng giá sản phẩm. Lấy ví dụ với việc đi siêu thị, khách hàng đã mua một sản phẩm 400 gram với giá 20 USD. Sau đó, cũng là sản phẩm này nhưng lại có giá 20 USD cho 300 gram. Công ty có thể giảm bớt số lượng nhưng cần phải đính kèm thông tin này trên bao bì sản phẩm để người tiêu dùng nhận thức được", ông Fernando Capez chia sẻ.
Mặc dù, Apple đã công bố trên website chính thức về việc iPhone mới không có bộ sạc đi kèm, nhưng Luật Người tiêu dùng ở Brazil yêu cầu những thông tin đó phải được công bố, công khai rộng rãi tới tất cả người tiêu dùng. Vì vậy, hành vi trên của Apple là chưa đầy đủ và đã vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của Brazil.
Quyết định gây nhiều tranh cãi tới nay đã giúp "Táo" không phải sử dụng 861.000 tấn đồng, kẽm và thiếc. Việc không có sạc đi kèm cũng cho phép bao bì iPhone 12 nhỏ gọn hơn, giúp việc vận chuyển máy tới các đại lý, cũng như tới tay người tiêu dùng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng hơn.
Theo số liệu trong báo cáo trên, Apple giờ đây có thể chở thêm 70% iPhone 12 trên cùng 1 chuyến hàng. Tổng hợp các nỗ lực này giúp giảm phát thải CO2 từ 25,1 triệu tấn trong năm 2019 xuống còn 22,6 triệu tấn trong năm 2020. Cùng với đó, năng lượng tiêu thụ giảm tới 13,9 triệu kWh, rác thải chôn lấp giảm 39.000 tấn.
Khánh Vy