(Tổ Quốc) - Mua nhà tại Việt Nam thật sự khó vì giá rất cao so với thu nhập. Nhiều người dành cả đời mới mua được một nhà.
Mới đây, dư luận thêm một lần nữa hoang mang về đề xuất sở hữu nhà chung cư bị giới hạn trong 50 năm. Đề xuất này xuất phát từ hồ sơ trình Chính phủ về đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở 2014. Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong nội dung chính sách về sở hữu nhà ở thay cho quy định thời hạn sở hữu lâu dài như hiện nay.
Bộ Xây dựng đã đề xuất hai phương án và đã được Chính phủ chấp thuận, báo cáo Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2023. Phương án 1 là bổ sung quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng. Phương án 2 là thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng đất xây dựng nhà chung cư theo quy định của pháp luật đất đai.
Điều này có nghĩa hoặc cấp sổ hồng chung cư (giấy chứng nhận sở hữu nhà) lâu dài như hiện nay, hoặc bị giới hạn thời gian đến 50-70 năm. Thời hạn này được tính theo "hạn sử dụng" của công trình.
Thực tế, giá nhà chung cư tại Việt Nam đang rất cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Thậm chí, chỉ khi thu nhập hằng tháng phải hơn 20-25 triệu đồng thì mới dám nghĩ đến chuyện mua nhà chung cư. Còn nhà mặt đất thì chắc hẳn không dám nghĩ đến. Và rất nhiều người từ bỏ ý định mua nhà khi giá nhà cứ liên tục tăng cao trong những năm gần đây.
Mặt khác, nhà ở xã hội tại Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu sống ổn định của người dân. Chưa kể, nhà ở xã hội còn rất khó tiếp cận bởi các quy định ngặt nghèo.
Giá nhà cao cùng với việc khó tiếp cận nhà giá rẻ đã khiến căn hộ chung cư ở Việt Nam (chỉ đề cập đến mua để ở) trở thành tài sản quan trọng nhất, đắt giá nhất, dành nhiều tâm huyết nhất của mỗi người dân Việt Nam.
Để mua nhà, người Việt Nam phải mất rất nhiều năm làm lụng, tích lũy. Giới hạn thời gian như đề xuất sẽ gây khó cho tâm lý ổn định, muốn hưởng thụ khi về già. Ảnh minh họa: PLO.
Nhà trong văn hóa Việt không chỉ là để nơi ở!
Cùng đó, với văn hóa "mua nhà, tậu trâu" và bản sắc sống quây quần của dân Á Đông, nhà trở thành nơi gắn kết nhất. Chính tư tưởng này thúc giục người dân Việt Nam mua nhà và mong muốn trở về nhà sau mỗi ngày làm việc, là nơi "chui ra chui vào" khi về già. Nhà với người Việt không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là giá trị tinh thần.
Tôi từng thấy rất nhiều người khóc khi phải chuyển nhà khi vị trí của họ rơi vào quy hoạch, hay phải chuyển đi để xây dựng cuộc sống mới. Một giá trị tinh thần rất lớn. Nói không quá khi đa phần những người Việt đều có mong muốn được qua đời tại chính căn nhà của mình.
Nếu năm 30 tuổi mới sở hữu được căn nhà đầu tiên và chỉ có một căn nhà ấy thì giả định theo quy định đang được đề xuất thì dân Việt phải có cú sốc tinh thần năm 80 tuổi. Nếu nhà đầu tư mới tuân thủ pháp luật thì cụ 80 tuổi ấy phải chuyển nhà ở tuổi bát thập. Đó chẳng phải là một điều khá tồi tệ?
Chúng ta từng chứng kiến nhiều vụ ồn ào liên quan đến giấy chứng nhận sở hữu nhà kéo dài cả 10-15 năm. Chủ nhà ở trong căn nhà mình mua nhưng chỉ có mỗi hợp đồng mua bán. Nếu giới hạn năm sử dụng nhà chung cư thì liệu đến ngày hạ giải mà vẫn chưa có sổ hồng thì giải quyết như thế nào? Và hàng loạt câu hỏi khác liên quan đến pháp lý ràng buộc chủ đầu tư tôn trọng khách hàng của mình đều còn bị bỏ ngỏ.
Tuổi thọ của người Việt Nam đang tăng dần nên rõ ràng nhiều người đến tuổi 100 vẫn sống khỏe và họ có quyền được thỏa mãn cuộc sống, trong đó có quyền và lợi ích sống trong một không gian thân thuộc.
Lo ngại giá trị thẩm mỹ của chung cư đi xuống sau thời gian dài sử dụng đúng một phần nhưng rõ ràng chúng ta vẫn rất thích hoài cổ, vẫn rất thích thăm lại những chung cư, công trình được xây dựng cách đây cả trăm năm. Thậm chí chúng còn trở thành biểu tượng.
Quan trọng là chất lượng xây dựng ban đầu như thế nào. Chúng ta vẫn có những công trình trụ vững xuyên sự bức hại của nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Nhà không chỉ là giá trị vật chất mà còn có giá trị tinh thần nên hãy yêu nó chứ đừng nghĩ nay xây, mai phá thế nào cho gọn ghẽ.
(Bài viết thể hiện quan điểm tác giả)
Dy Khoa