Nhà đầu tư bất động sản “ngán” tháng cô hồn…

(Tổ Quốc) - Đầu tư 2 mảnh đất nông nghiệp, theo dự định của anh V (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) sẽ bán ra vào tháng 5/2022. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều tháng rao bán, đất của anh V chưa có giao dịch.

Nếu giai đoạn đầu năm, đất nền các tỉnh lân cận Tp.HCM nhộn nhịp giao dịch, hoạt động mua bán sang tay rục rịch ở cả loại hình đất thổ cư và đất nông nghiệp, thì hiện tại đã có dấu hiệu chững. Nhiều nhà đầu tư sau thời gian "hăng say" săn đất hiện đã "nghỉ ngơi" chờ đợi. Tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch) cũng khiến việc bán buôn chậm, gần như là tháng nghỉ ngơi của cả môi giới BĐS và nhà đầu tư. Dĩ nhiên, tháng này đến đúng thời điểm thị trường đang chậm lại, tháng cô hồn trở thành "cú bồi" đối với thị trường BĐS.

Đầu tư 2 mảnh đất nông nghiệp, theo dự định của anh V (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) sẽ bán ra vào tháng 5/2022. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều tháng rao bán, đất của anh V chưa có giao dịch. Anh V cho biết, tháng cô hồn dù không ảnh hưởng nhiều đến thị trường BĐS nhưng nó lại trở thành "cú bồi" thời điểm này khi mà tâm lý người mua nhìn chung đang dao động. Vì thế, hiện tại, hoạt động mua bán chậm; việc ra hàng cũng khó khăn hơn so với thời điểm đầu năm.

Theo anh V, trong 3 mảnh đất đầu tư thì có một mảnh anh dùng đòn bẩy tài chính, nên cũng khá lo lắng nếu như thị trường mất thanh khoản, khó bán hoặc bán dưới giá vốn mua vào. Tuy nhiên, nhà đầu này vẫn lạc quan cho rằng, bản thân có thể trụ vững để chờ thêm tín hiệu tốt lên của thị trường.

Trong khi đó, là môi giới lâu năm của thị trường BĐS khu Đông Tp.HCM, chị L cũng "trầy trật" tìm khách hàng mấy tháng nay. Theo chị L, thực ra tháng cô hồn là quan niệm nếu như thị trường BĐS tốt thì không mấy quan ngại. Nhưng do đây là lúc thị trường khó khăn, quan niệm này lại là cái "cớ" để người mua ngại xuống tiền. "Hơn 1 tháng nay, team không có giao dịch nào. Tháng cô hồn coi như ăn chơi tiếp", chị L cười bộc bạch.

Không chỉ môi giới bất động sản “ngán” tháng cô hồn… - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Cũng theo nữ môi giới này, nhiều môi giới BĐS mấy tháng qua không bán được hàng nên để đan xen tìm việc khác chờ thị trường tốt lên. Một số môi giới thì xin nghỉ việc tạm thời. "Mặc dù thị trường chưa tắt hẳn giao dịch nhưng nhìn chung khó khăn cả về nguồn hàng lẫn thanh khoản nên việc bán hàng của môi giới không còn ổn như thời điểm đầu năm", chị L cho biết.

Không chỉ môi giới "ngán" tháng cô hồn mà các nhà đầu tư BĐS cũng đang "ủ rủ" vì thị trường chậm nhịp. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo lắng nếu như tình hình khó khăn kéo dài sẽ khó gồng gánh BĐS, thậm chí có thể phải tính đến phương án bán dưới giá vốn. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy, hiện tại thị trường BĐS chưa đến mức bi quan. Nhiều nhà đầu tư có tài sản vẫn cố giữ để chờ thị trường; hoặc tìm cách bán bớt tài sản chứ chưa ồ ạt bán ra ở giai đoạn này.

Thời gian vừa qua, nhiều quy định thắt chặt hoạt động cho vay với việc sử dụng vốn vay liên quan đến bất động sản nhằm kiểm soát rủi ro của Ngân hàng nhà nước phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam - CSS nửa cuối năm 2022 giảm 7 điểm so với nửa đầu năm, từ 47 giảm còn 40. Mà mức độ lạc quan của người tiêu dùng giảm mạnh nhất khi đề cập đến khả năng tăng giá bất động sản trong tương lai, cụ thể giảm 22 điểm và các chính sách hiện tại của Chính phủ giảm 9 điểm...

Còn theo Chợ Tốt Nhà, các chỉ số quan tâm và tìm kiếm căn hộ chung cư trong quý 2/2022 tại Tp.HCM đã giảm đồng loạt trên toàn bộ các phân khúc từ bình dân, trung cấp và cao cấp. Đơn vị này cho rằng, có 3 yếu tố tác động tới nguồn cầu căn hộ. Một, các ngân hàng thắt chặt tín dụng. Hai, yếu tố giá đang trên đà tăng hoặc vẫn duy trì ở mức cao tại đa số các khu vực. Ba, những nghi ngại vấn đề sở hữu pháp lý từ đề xuất về thời hạn sở hữu chung cư của Bộ Xây dựng.

Bảo Anh

Tin mới