(Tổ Quốc) - Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, Tây Nam bộ đón nhận dấu chân của các tập đoàn kinh tế đa ngành. Mảnh đất này đang sở hữu những hấp lực gì để tiếp tục thu hút đầu tư trong thời gian tới?
Cơ sở hạ tầng chắp cánh cho kinh tế miền Tây
Nếu như trước kia, nhà đầu tư chưa đánh giá cao tiềm năng phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông, thì vài năm trở lại đây, cục diện đã hoàn toàn thay đổi. Minh chứng bằng việc ĐBSCL được dồn lực đầu tư phát triển về mọi mặt, xứng đáng là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước – từ vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng biển đảo, là vựa lúa, vựa tôm lớn nhất cả nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới.
Trong đó nổi bật có thể kể đến các tuyến cao tốc kết nối TPHCM và các tỉnh miền Đông với ĐBSCL như: Cao tốc phía Tây (tuyến N2 đường Hồ Chí Minh: Chơn Thành – Đức Hòa – Mỹ An – Cao Lãnh – Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) nằm trong quy hoạch đến năm 2025 hoàn thành, trong đó riêng đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2021. Hay cao tốc phía Đông từ TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ nối dài đến Cà Mau, trong đó riêng tuyến cao tốc TPHCM đến Cần Thơ lộ trình hoàn thành vào năm 2023. Ngoài ra phải kể đến hai tuyến cao tốc trục ngang: Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (155km, tổng mức đầu tư 30.000 tỷ đồng, thời gian dự kiến triển khai 2023-2026) và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu (225 km, tổng mức đầu trên 33.250 tỷ đồng, thời gian dự kiến triển khai 2024 - 2026). Hàng loạt các tuyến cao tốc đang và sắp triển khai kể trên cho thấy kinh tế của miền Tây Nam bộ đang cất cánh.
Và còn rất nhiều lí do nữa khiến ĐBSCL vài năm trở lại đây trở thành khu vực lý tưởng để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trong tọa đàm "Nhận diện lực đẩy thị trường bất động sản Tây Nam bộ giai đoạn cuối năm 2021"do Tổng Công ty Đất Xanh Miền Tây tổ chức vào ngày 18/9 tới đây, các chuyên gia đầu ngành sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế xã hội cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng, trong đó phân tích chuyên sâu vì sao thị trường ĐBSCL lại xứng đáng là mảnh đất đầu tư trong năm 2021 và những năm tiếp theo, bất động sản ĐBSCL có những lợi thế cạnh tranh nào so với cả nước.
Khách mời diễn giả gồm: Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam – chuyên gia bất động sản nhiều năm kinh nghiệm; ông Dương Quốc Thủy – Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ – doanh nhân trẻ có nhiều đóng góp cho kinh tế xã hội TP Cần Thơ và ĐBSCL; bà Phùng Thị Phượng – Phó TGĐ Tổng công ty Đất Xanh Miền Tây, đơn vị đặt nền móng cho thị trường bất động sản ĐBSCL trong nhiều năm nay, chiếm lĩnh 80% thị phần khu vực.
Một số thành tựu nổi bật của kinh tế miền Tây
Hệ thống cầu đường hoàn thiện sẽ chắp cánh cho kinh tế xã hội ĐBSCL phát triển
Mặc dù cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên với sự nỗ lực khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, ĐBSCL có 7/13 tỉnh tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2021 cao hơn mức tăng chung của cả nước, có thể kể đến Bạc Liêu, Bến Tre, Long An, Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ và Trà Vinh. Ngoài ra ĐBSCL có 4 tỉnh nằm trong "Top 10" cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long và Bến Tre. Đây cũng là một trong những lí do để thời gian qua các tỉnh thu hút đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Có thể kể đến dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng NLG Bạc Liêu tổng mức đầu tư 4 tỷ USD đầu năm 2020 đưa Bạc Liêu trở thành địa phương dẫn đầu về thu hút FDI trên cả nước, hay hồi đầu năm 2021 Cần Thơ cũng nổi lên với dự án FDI vào Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD đến từ doanh nghiệp Nhật Bản. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng GRDP ổn định đặc biệt là giữ vững xuất khẩu và đẩy mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn thì kinh tế xã hội ĐBSCL sẽ còn tăng trưởng tốt và thu nhập, mức sống của người dân địa phương sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Các tỉnh duyên hải miền Tây còn có lợi thế lớn về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
Một số địa phương có lợi thế kinh tế biển cũng đang phát huy tiềm năng nội lực gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics liên vùng, đơn cử như Cà Mau quy hoạch dự án cảng biển tổng hợp Hòn Khoai (5 tỷ USD) hay Sóc Trăng quy hoạch xây dựng cảng biển Trần Đề (50.000 tỷ đồng). Đây là hai cảng biển mang tầm vóc quốc tế, kì vọng sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của các tỉnh miền Tây đặc biệt trong lĩnh vực thông thương xuất khẩu hàng hóa, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng.
Về đường hàng không, mới đây tập đoàn Sovico vừa đề xuất nghiên cứu dự án đầu tư Khu Logistics và công nghiệp hàng không Cần Thơ với quy mô khoảng 1.650 ha. Việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics đường biển và đường hàng không một lần nữa cho thấy ĐBSCL đang bước vào một kỳ nguyên phát triển thịnh vượng.
Với lợi thế sông nước sinh thái, miền Tây là nơi an cư lý tưởng với không gian sống xanh và trong lành
Các tỉnh duyên hải miền Tây còn sở hữu lợi thế lớn về phát triển các khu đô thị sinh thái ven sông, biển, và đây cũng là định hướng phát triển phù hợp với quy hoạch chung của toàn vùng. Các tập đoàn bất động sản như VinGroup, FLC, Tân Á Đại Thành, T&T, Hòa Phát, Đất Xanh… cũng đã tranh thủ các quỹ đất đẹp để quy hoạch các khu đô thị sinh thái du lịch nghỉ dưỡng, các đại đô thị quy mô hàng trăm hécta tại khu vực này thời gian gần đây.
Với các chỉ số tăng trưởng kinh tế ổn định, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, bức tranh thị trường bất động sản miền Tây sẽ còn tỏa sáng trong thời gian tới, hứa hẹn sẽ thiết lập một thị trường mới có sự cạnh tranh về các phân khúc, chất lượng sản phẩm, và người dân sẽ được hưởng lợi từ các chuỗi tiện ích an cư ngày càng được nâng tầm, qua đó diện mạo đô thị các tỉnh miền Tây cũng hiện đại và khang trang hơn.
Ánh Dương