(Tổ Quốc) - Giá bất động sản đã tăng không ngừng kể từ thời điểm thị trường địa ốc phục hồi. Nhiều nhà đầu tư lo ngại, đỉnh bất động sản đã xuất hiện, việc xuống tiền thời điểm này sẽ không mang lại lợi nhuận tốt.
Thị trường bất động sản đã xuất hiện "đỉnh sóng"
Anh Thành, 32 tuổi, nhân viên trong công ty dược ở Hà Nội, hiện đang có 2 tỷ trong tài khoản. Điều khiến anh Thành lăn tăn nhiều tháng qua, đó là có nên xuống tiền vào bất động sản trong thời điểm này.
Theo anh Thành chia sẻ, nếu giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm, khả năng sinh lời chậm vì lãi suất chỉ khoảng 5%/1 năm. Chưa kể lạm phát đang xảy ra, anh Thành sợ khoản tiền tiết kiệm sẽ ngày càng mất giá. Thế nên, anh dự tính mua một lô đất để dành.
"Khi đi khảo sát ở các nơi, cứ ở đâu có chút tiềm năng, giá đều đã tăng gấp theo lần chỉ trong vòng 1 năm -3 năm. Tôi thấy giá bất động sản tăng quá lâu trong suốt thời gian vừa qua. Nên tôi đang sợ vào tiền lúc này, lại đúng thời điểm "đỉnh sóng", sau phải đợi tới 5 -10 năm chôn vốn", anh Thành cho hay.
Cũng tương tự suy nghĩ như anh Thành, suốt 1 năm qua, chị Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) do dự việc mua một lô đất vùng ven Hà Nội hoặc ở tỉnh. Trong khoảng thời gian chị phân vân, giá đất một số nơi đã tăng 20-50%.
"Một số lô đất tôi khảo sát đầu năm 2021, hiện tại quay lại, giá đã tăng 30%. Tôi cũng chẳng biết có nên xuống tiền ngay không vì giá bất động sản cứ tăng. Tôi lo sợ thị trường đã lên tới đỉnh", chị Trang chia sẻ.
Lo ngại của anh Thành và chị Trang cũng là suy nghĩ chung của nhiều nhà đầu tư. Kể từ năm 2014 đến nay, giá bất động sản chưa có dấu hiệu chững hay hạ giá trên diện rộng. Điều này khiến nhà đầu tư sợ sẽ xuống tiền bất động sản đúng vào thời điểm thị trường ở "đỉnh sóng".
Có nên xuống tiền vào bất động sản?
Theo ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro, thực tế, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp biết rằng, giá bất động sản đã tăng cao nhưng họ chấp nhận mọi rủi ro để xuống tiền. Vì họ có thể dự báo giá bất động sản sẽ còn tăng tiếp.
Cũng theo ông Thành, nhà đầu tư sẽ phải đánh giá được biến động của thị trường bất động sản để vào hàng hay ra hàng nhịp nhàng.
Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, đầu tư bất động sản ở thời điểm hiện tại sẽ không lời trên diện rộng như trước. Các nhà đầu tư không phải nhà lướt sóng cần lưu ý kết hợp yếu tố sinh lời và thanh khoản. Nếu chấp nhận chọn yếu tố sinh lời cao như đất nền nơi xa thì phải dự trù có thể ôm 2, 3 năm thậm chí hơn vì thanh khoản kém.
Theo TS. Hiển, một câu hỏi mà nhà đầu tư quan tâm đó là liệu bất động sản còn tăng tiếp hay giai đoạn này phải chờ. Ông Hiển cho hay, câu chuyện cũng sẽ không nằm ở các bất động sản đang được cho thuê tốt, mà ở những miếng đất đang tăng nóng và những địa bàn nóng. Vì thông thường, những bất động sản này là đầu cơ hơn là từ nhu cầu thật.
Vấn đề của các bất động sản này là liệu tiềm năng tăng giá của nó còn hay không và các chủ sở hữu có thể bán được không. Đặc biệt là câu chuyện về tính thanh khoản của bất động sản, vì nó rất quan trọng trong những thời điểm bước ngoặt
Một khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản của Vietnam Report về mức biến động giá trung bình trong năm 2022 cho thấy đất nền là phân khúc có khả năng tăng giá cao nhất.
Phân khúc đất nền, đất nông nghiệp, nhà ở và chung cư giá rẻ có khả năng cao tăng giá trong khoảng 11%-20%. Các phân khúc bất động sản ven đô, bất động sản công nghiệp, nhà ở và chung cư trung cấp, văn phòng cho thuê có thể tăng trung bình từ 5%-10% so với năm trước.
Đơn vị này cũng nhận định, giá bất động sản còn tăng. Khi giá xăng dầu tăng mạnh, các lệnh cấm vận được ban hành với Nga cũng gây nên sự khan hiếm hàng hóa và tạo thêm áp lực lạm phát, dẫn tới giá các loại nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, vận chuyển... - vốn là yếu tố đầu vào của thị trường bất động sản cũng tăng theo; trong đó, giá thuê và giá mua bất động sản đều sẽ phải điều chỉnh và chịu áp lực tăng giá.
Điển hình như năm 2021, giá thành nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép và xi măng tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến giá nhà tăng khoảng 10%-15% so với năm 2020. Rào cản từ yếu tố pháp lý, sự mất cân đối cung - cầu và kết quả của một số cuộc đấu giá đất đã khiến mặt bằng giá liên tục bị đẩy lên cao. Diễn biến này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Việt Khoa