(Tổ Quốc) - Giá đất tại thành phố lớn tăng cao, nhiều nhà đầu tư có mức vốn mỏng thay đổi cuộc chơi, lựa chọn đầu tư đất nông thôn. Mặc dù số vốn bỏ ra không nhiều nhưng vẫn lãi tiền tỷ.
Nhiều năm trở lại đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh tại thành phố lớn như Hà Nội, khiến quỹ đất tại vùng trung tâm ngày càng khan hiếm. Do đó, giá đất tại nội đô ngày càng tăng cao không còn phù hợp với nhà đầu tư có vốn mỏng. Nhiều nhà đầu tư non kinh nghiệm tại Hà Nội có xu hướng chuyển dịch về các vùng nông thôn tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Các nhà đầu tư xuất hiện tại nông thôn khiến tình hình giao dịch đất đai ở làng trên xóm dưới trở nên nhộn nhịp. Nhờ khả năng phán đoán và đánh giá tiềm năng tăng giá của đất nông thôn, không ít nhà đầu tư “tay mơ” đánh liều cũng thắng đậm.
Theo anh Trần Văn Cường (quê tại Ý Yên, Nam Định), hiện đang là kỹ sư xây dựng tại Hà Nội cho hay, năm 2018, có số tiền 800 triệu đồng gia đình tiết kiệm trong hơn 3 năm. Theo dự định ban đầu, số tiền này sẽ được gia đình anh sử dụng để mua ô tô để phục nhu cầu cá nhân.
Anh Cường thấy rằng, 2 vợ chồng anh vất vả tiết kiệm 4 năm trời mới có được số tiền đó. Trong khi, nhiều bạn bè của anh chỉ trong mấy năm cũng giàu lên nhờ đầu tư đất, thắng quả đậm. Mỗi lần ngồi cùng bạn bè, anh luôn cảm thấy mình “lép vế” vì trong tay họ, mỗi người cũng có tài sản vài lô đất, trị giá vài tỷ đồng. Nhận thấy việc có thể kiếm nhiều tiền từ đất, anh đã bàn với vợ dùng số tiền tiết kiệm mua ô tô để đem đi đầu tư nhưng lúc đầu vợ anh lại kịch liệt phản đối.
“Theo như dự kiến ban đầu số tiền 800 triệu đồng đó chúng tôi dự định sẽ mua ô tô để phục vụ nhu cầu gia đình. Nhưng nhìn thấy bạn bè của tôi nhiều người đi đầu tư đất, sau đó tiền lãi của họ có khi bằng mấy chiếc xe ô tô rồi. Lúc đó, vợ tôi cũng phản đối vì mua ô tô ngoài phục vụ nhu cầu gia đình thì công việc của tôi hay phải đi lại cũng sẽ đỡ vất vả hơn. Tôi cũng phải thuyết phục mãi vợ tôi mới đồng ý cho mua đất”, anh Cường kể.
Theo anh Cường, thời điểm đó, giá đất tại vùng ven Hà Nội cũng đã tăng cao, với số tiền 800 triệu đồng cũng chỉ mua được lô đất rộng từ 35 - 45m2. Nhận thấy thị trường bất động sản tại quê của anh (Nam Định) giá đất cũng có xu hướng tăng, nên anh Cường đã về quê săn đất.
Hạ tầng tại nông thôn ngày càng được phát triển đồng bộ.
Đến tháng 3/2018, được giới thiệu lô đất rộng 100m2, có lợi thế 2 mặt tiền nằm trong khu đô thị mới thuộc thị trấn của huyện, có giá 900 triệu đồng. Thấy mảnh đất có nhiều lợi thế và thuận tiện giao thông nên anh Cường vay thêm 100 triệu đồng để mua lô đất đó.
Đến năm 2019, khi địa phương có kế hoạch xây dựng nông thôn mới, theo đó việc triển khai nâng cấp hạ tầng đường xá, trường học, bệnh viện diễn ra mạnh mẽ. Vì nằm ở trục đường chính nên mảnh đất của anh Cường đã được trả 1,6 tỷ đồng, gần gấp 2 lần chỉ sau 1 năm xuống tiền.
Tuy nhiên, theo anh Cường phán đoán, do quỹ đất tại đường lớn hiện nay gần như không còn nhiều. Hơn nữa, anh nghĩ rằng sau khi hoàn thiện hạ tầng vẫn có tiềm năng tăng giá cao hơn. Nên gia đình anh không bán vào thời điểm đó.
Đến đầu năm 2021, khi cơn sốt đất xuất hiện ở nhiều địa phương, khu vực Nam Định cũng không ngoại lệ. Theo đó, mảnh đất của gia đình anh Cường được trả lên tới 2,5 tỷ đồng. Sau khi trao đổi, thương lượng anh đã đồng ý bán với mức giá 2,6 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với lúc mua.
“Khi quyết định mua đất tôi cũng không nghĩ là có thể tăng cao đến vậy, sau 3 năm đầu tư bây giờ với số tiền này tôi cũng mua được 3 chiếc ô tô trong tầm giá 800 triệu đồng rồi. Tôi cũng tính toán sẽ mua thêm những mảnh đất khác để đầu tư lâu dài”, anh Cường vui vẻ nói.
Đất nông thôn trở thành kênh đầu tư tiềm năng. (ảnh minh họa)
Theo anh Nguyễn Văn Hải - nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho biết, thực tế trong mấy năm gần đây, đất tại khu vực nông thôn đang tăng giá mạnh mẽ, nhiều mảnh đất trong 2 năm cũng tăng giá gấp 3 - 4 lần.
Lý giải về nguyên nhân giá đất quê tăng cao, anh Hải nói: “Các địa phương gần Hà Nội như Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định,... do có vị trí và giao thông thuận tiện nên nhiều nhà đầu tư cũng đến để tìm kiếm cơ hội. Trong khi đó, những địa phương này đang được triển khai xây dựng nông thôn mới nên hạ tầng được xây dựng đồng bộ hơn. Từ việc phát triển hạ tầng cộng thêm sự xuất hiện của các nhà đầu tư Hà Nội nên giá đất quê liên tục thiết lập mặt bằng giá cao và thanh khoản dễ dàng”.
Bên cạnh đó, anh Hải cũng cho rằng, những người sinh sống tại thành phố lớn khi quay trở về quê mình sinh ra ngoài việc dễ tìm kiếm được cơ hội đầu tư bởi đã quen thuộc địa hình. Cộng thêm có người thân, họ hàng ở quê trông coi giúp mảnh đất đã mua, sẽ tránh trường hợp “của một nơi người một nẻo”, dễ bị những người khác lấn chiếm. Đây cũng được cho là yếu tố giúp người mua đất yên tâm khi đầu tư.
Tuấn Minh