(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh căn hộ cho thuê ế ẩm vì Covid-19, mô hình "chia sẻ phòng thuê" được xem là giải pháp cho nhiều chủ căn hộ, tuy nhiên hiện nay mô hình này đang có nguy cơ đổ bể vì quy định cấm cho thuê ngắn ngày đã khiên nhiều chủ nhà lao đao.
Do khó khăn trong quản lý chung cư cho thuê theo giờ, ngắn ngày vì nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao,... mới đây cử tri TP.HCM đã đề nghị Bộ Xây dựng giải thích rõ các quy định liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh này và chế tài xử lý cụ thể. Bộ Xây dựng cho rằng pháp luật về nhà ở đã có quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày.
Chị Huệ, chủ một căn hộ chung cư cao cấp tại khu vực Mễ Trì (Hà Nội) cho biết từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hai khách thuê người Hàn về nước, căn hộ bỏ trống vài tháng không có thu nhập. Sau đó chị đã quyết định chuyển sang cho thuê căn hộ ngắn ngày trên Airbnb với mức thu nhập bằng 70-80% giá thuê cũ. "Hiện tại tôi vẫn cho thuê nhà trên Airbnb nhưng quy định mới làm tôi khá lo lắng. Nếu sắp tới không được phép cho thuê ngắn hạn, tôi sẽ cho thuê dài hạn như thông thường, nhưng sẽ khá khó khăn", chị Huệ cho biết.
Cũng trong tình trạng lo lắng như chị Huệ, anh Lâm chủ một căn hộ được thiết kế khá bắt mắt khu vực gần sân vận động Mỹ Đình cũng cho biết, sau khi mua căn hộ khoảng gần 3 tỷ anh đã phải bỏ thêm 500 triệu để thiết kế lại toàn bộ căn nhà cho thuê theo mô hình homestay. Hiện nay, dù Covid-19 nhưng căn hộ của anh vẫn có khách nhờ hình thức cho thuê linh động theo ngày. Tuy nhiên, nếu bị cấm anh Lâm cho biết sẽ vô cùng khó khăn và nhiều khả năng phải bán cắt lỗ căn hộ.
Đánh giá về quy định mới đây của Bộ Xây dựng cấm cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày một số chuyên gia cho rằng không nên cấm hẳn mà nên đưa vào loại hình này vào quản lý. Theo các chuyên gia việc cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày cũng mang lại một số lợi ích nhất định, trong đó, ngành du lịch được hưởng lợi nhiều nhất. Cụ thể, hình thức cho thuê này sẽ làm tăng cơ sở lưu trú, giúp khách du lịch có nhiều lựa chọn về chỗ ở để tiết kiệm chi phí.
Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm, khi các cơ sở lưu trú vượt quá công suất, các căn hộ cho thuê sẽ là giải pháp tốt để thu hút tối đa số lượng du khách. Chủ nhà cũng có thể tạo ra thu nhập từ việc cho thuê nhà, giúp người dân ổn định cuộc sống. Nếu quản lý tốt việc cho thuê, Việt Nam sẽ thu về một lượng ngoại tệ lớn, Nhà nước cũng có thể thu thuế từ việc làm này và du lịch cũng phát triển hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam đánh giá hầu hết, các căn hộ cho thuê ngắn ngày thường hoạt động theo hình thức homestay gia đình tự phát và không thông báo với địa phương. Do đó, công tác quản lý gặp nhiều vấn đề và tạo ra một kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao...
"Căn hộ được pháp luật Việt Nam quy định là sản phẩm để ở và không có chức năng kinh doanh. Nếu chủ nhà cố tình cho thuê ngắn ngày sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa phương, gây ra các vấn đề xấu tới môi trường hoặc ảnh hưởng tới hộ dân sống xung quanh", ông Đính nói.
Tuy nhiên, ông Đính kiến nghị Bộ nên tìm ra một giải pháp phù hợp nới lỏng một phần quy định này, để kích cầu du lịch sau khi đại dịch Covid-19 đi qua. "Khó khăn nhất chính là công tác quản lý. Nếu muốn nới lỏng quy định, bắt buộc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà và chính quyền cấp phường/ xã. Đồng thời, chủ nhà cũng phải "thành thật" khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước", ông Đính thẳng thắn chia sẻ.
Ở góc cạnh khác, ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý cấp cao CBRE Việt Nam trước đó đã từng đưa ra nhận định cơ quan quản lý có thể tham khảo bài học kinh nghiệm từ các nước khác trên thế giới để đưa ra những quy định phù hợp với thực trạng tại Việt Nam. Đối với loại hình cho thuê căn hộ ngắn ngày, thực ra việc đưa ra quy định không khó, mà cái khó nằm ở khâu đảm bảo việc thực thi quy định.
Chẳng hạn tại Nhật Bản, Đạo Luật Khách sạn và Nhà trọ Nhật Bản (Japanese Hotels and Inns Act), có hiệu lực từ tháng 6/2018, yêu cầu chủ căn hộ muốn cho thuê phòng qua Airbnb phải đăng ký căn hộ với chính quyền, phải ghi rõ số đăng ký căn hộ trên website Airbnb và phải ghi lại tên/địa chỉ/nghề nghiệp/ quốc tịch của khách. Ngoài ra, họ còn có thể phải đáp ứng một số quy tắc riêng tại từng địa phương.
Ở Singapore, do những quan ngại về thất thoát thuế và an ninh, việc cho thuê căn hộ chung cư ngắn hạn bị nghiêm cấm hoàn toàn. Thời hạn thuê tối thiểu đối với căn hộ HDB (căn hộ công có trợ giá bởi chính phủ, được phát triển bởi Cục Nhà ở và Phát triển Singapore) là 6 tháng, và đối với nhà ở tư nhân là 3 tháng. Tại Thái Lan, một đất nước có ngành du lịch phát triển bậc nhất châu Á, việc cho thuê căn hộ ngắn hạn (theo ngày, theo tuần) cũng được coi là trái pháp luật, trừ khi chủ căn hộ có giấy phép kinh doanh khách sạn.
Với Việt Nam, ông Thức cho rằng chúng ta có thể học hỏi được gì? Đối với Việt Nam, cơ quan quản lý có thể đưa ra những hướng dẫn, quy định cụ thể hơn về việc đăng ký kinh doanh căn hộ chung cư ngắn ngày cùng với biện pháp chế tài đối với những trường hợp không tuân thủ, và có thể yêu cầu các chủ căn hộ phải thể hiện rõ số đăng ký trên các trang web cho thuê. Khi đã có điều luật cụ thể, Việt Nam có thể làm việc với Airbnb để yêu cầu đơn vị này loại bỏ những quảng cáo (listing) không ghi rõ số đăng ký.
"Việc đảm bảo tất cả chủ hộ kinh doanh Airbnb phải đăng ký cũng giúp tăng cường khả năng truy xuất thuế của Nhà nước, tránh thất thu về thuế. Nhằm giảm thiểu nguy cơ khách thuê mang đến tệ nạn xã hội cho khu chung cư, cơ quan quản lý cũng có thể quy định số khách tối đa mà một căn hộ có thể nhận (ví dụ căn hộ 2 phòng ngủ thì chỉ được nhận tối đa 4 người lớn và 2 trẻ em)", ông Thức cho biết.
Lan Nhi