Không chỉ là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển tại Việt Nam, việc khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm PepsiCo tại Hà Nam còn hiện thực hóa cam kết của doanh nghiệp này trong việc tăng trưởng kinh tế, phát triển nguồn lực địa phương.
Nhà máy sản xuất thực phẩm PepsiCo Hà Nam được xây dựng trên khu đất thuộc Khu Công Nghiệp Đồng Văn I Mở Rộng, Phường Bạch Thượng, Thị Xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Với diện tích 8 hecta, mức đầu tư 90 triệu USD, công suất sản xuất trên 20.000 tấn snack mỗi năm, Pepsico Foods thể hiện mạnh mẽ cam kết đầu tư lâu dài và phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam, đồng thời kỷ niệm 30 năm công ty có mặt tại đất nước này.
Theo ông Nguyễn Việt Hà, Tổng Giám đốc PepsiCo Foods Việt Nam, khoản đầu tư này là một minh chứng cho niềm tin của công ty vào nền kinh tế năng động và con người Việt Nam. Với tiềm lực có sẵn, cùng cam kết mạnh mẽ từ tập đoàn toàn cầu, nhà máy mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế tỉnh Hà Nam, mang lại đời sống tốt hơn cho một bộ phận người lao động tại địa phương.
Phát triển bền vững và gắn kết cộng đồng
Nhà máy mới của PepsiCo Foods tại Hà Nam ứng dụng các công nghệ tiên tiến hàng đầu trong sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng đồng thời chú trọng đến yếu tố bền vững. Nhà máy được vận hành bằng năng lượng tái tạo như nhiên liệu sinh khối và năng lượng mặt trời, giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất, giảm thiểu tác động môi trường. Với vai trò là tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới, công ty đóng góp vào hiện thực hóa các cam kết bền vững của Chính phủ Việt Nam, nhất là cam kết giảm mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Cùng với đó, các biện pháp tiết kiệm nước và chương trình giảm thiểu chất thải cũng được triển khai nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Nhà máy mới của PepsiCo Foods tại Việt Nam được kỳ vọng tạo tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đặc biệt, nhà máy mới cũng là tiền đề quan trọng để PepsiCo Foods mở rộng vùng nguyên liệu trồng khoai tây, gia tăng diện tích và số hộ nông dân tham gia mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững tại Hà Nam và các tỉnh phía Bắc. Trước đó, tại khu vực Tây Nguyên, chương trình trồng khoai tây bền vững bao tiêu sản phẩm bắt đầu từ năm 2008 và đạt được những thành tựu đáng khích lệ với năng suất trung bình cao gấp 3 lần so với canh tác truyền thống đạt 23-26 tấn/ha (cao nhất là 54 tấn/ha vào 2024 tại Lâm Đồng), trong khi tiết kiệm đáng kể lượng nước sử dụng và chi phí canh tác, quản lý sâu bệnh. Việc bao tiêu sản phẩm đầu ra cũng mang lại sinh kế ổn định cho nông dân trong thời gian dài, từ đó nâng cao chất lượng nghề nông vốn nhiều vất vả và biến động. Thành công của chương trình không chỉ giúp nâng cao thu nhập của người dân thông qua cam kết sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại Việt Nam của PepsiCo Foods, mà còn hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương
Nhà máy mới của PepsiCo Foods tại Hà Nam không chỉ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới mà còn đóng góp vào mục tiêu phát triển kỹ năng và chất lượng lao động tại địa phương. Nổi bật trong số đó là dự án "Nâng cao kỹ năng và chất lượng lao động trẻ tỉnh Hà Nam" do công ty phối hợp với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nam, nhằm cung cấp chương trình đào tạo về giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và kỹ năng số… Với số lượng việc làm trực tiếp và gián tiếp khoảng hơn 1000, cùng các chương trình đào tạo và cơ hội phát triển nghề nghiệp, dự án được kỳ vọng góp phần nâng cao đời sống kinh tế và xã hội của người dân địa phương.
Ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam phát biểu tại sự kiện.
Ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam, nhấn mạnh: "Dự án của PepsiCo tại Hà Nam không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần tạo dựng một cộng đồng bền vững và phát triển".
Về phía hợp tác xã nông nghiệp và nông dân địa phương, thông qua các hoạt động phát triển nông nghiệp công nghệ cao của PepsiCo Foods, bà con được tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến, nâng cao năng lực quản lý tài chính và sản xuất an toàn, đồng thời, được hướng dẫn ứng dụng số hóa nông nghiệp như thăm đồng bằng drone, quản lý canh tác, điều chỉnh nước tưới ngay trên ứng dụng điện thoại.
PepsiCo Foods hướng đến mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân tại Hà Nam và các tỉnh khu vực miền Bắc.
" Vượt xa mục tiêu về năng lực sản xuất, chúng tôi mong muốn xây dựng một hệ sinh thái bền vững, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, đối tác và môi trường, cũng như một cộng đồng với những giá trị chung tốt đẹp và phát triển bền vững ", ông Hà chia sẻ thêm.
Với việc khởi công xây dựng nhà máy tại Hà Nam, PepsiCo một lần nữa tiếp tục khẳng định cam kết đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Dự án đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ba thập kỷ hiện diện của công ty tại Việt Nam, đặt ra một chuẩn mực mới cho kinh doanh bền vững và đạo đức trong ngành thực phẩm và đồ uống. Thông qua đổi mới, bền vững và phát triển cộng đồng, nhà máy sản xuất thực phẩm PepsiCo Hà Nam còn được kỳ vọng tạo ra tác động tích cực lâu dài đối với nền kinh tế và xã hội Việt Nam.