(Tổ Quốc) - Một nghiên cứu cho thấy, rào cản lớn nhất để có được thành công không phải là thời gian, tiền bạc, mà đó là khả năng ứng phó với sự thay đổi.
Mọi thứ xung quanh chúng ta luôn vận động và thay đổi. Chúng cuốn ta vào vòng xoáy của sự bất ngờ, của những tính toán không lường trước được của cuộc sống. Chúng buộc ta phải biết cách ứng phó để thích ứng từng ngày.
Scott Steinberg là một nhà tương lai học, tác giả bán chạy nhất của “Fast>>Forward” và “Think Like a Futurist”, cho biết: “Tôi đã có nhiều năm nghiên cứu các công trình khoa học với tư cách là một nhà tương lai học. Tôi nhận thấy rằng, con người có 6 nỗi sợ hãi lớn và nếu bạn học cách chinh phục chúng, tôi tin chắc năm 2021 của bạn sẽ là một năm rất thành công”.
1. Sợ thay đổi
Cho dù bạn đang có một sự nghiệp hay một mối quan hệ nào đó thì bạn hãy chủ động tìm kiếm những điều mới. Đừng để bản thân bị trì trệ mà không thể tiếp tục phát triển những điều tốt đẹp mà bạn đang sở hữu. Một khi đã nắm bắt được thời cơ tốt, hãy bước một bước tiến xa hơn để tìm thấy công việc, mối quan hệ tốt hơn.
Đừng cố gắng dự đoán tương lai theo một cách mơ hồ vì chúng ta không thể biết tất cả mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào trong tương lai. Thay vào đó, hãy thiết kế một danh mục những thử thách mới, ví dụ tìm ra sáng kiến mới trong việc giải quyết công việc hay đổi mới hành động của bạn trong cách ứng xử để có thể học tập thêm nhiều điều mới mẻ.
2. Sợ bị cô lập
Đôi khi bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi bản thân cách biệt với những người xung quanh, hoặc không được trò chuyện thường xuyên với bạn bè của mình khi có quá nhiều công việc phải làm... Tuy nhiên, có nhiều cách giúp bạn có thể kết nối nhiều hơn với xã hội. Ví dụ: thực hiện từng bước nhỏ để xây dựng niềm tin và mối quan hệ bền chặt với đồng nghiệp, bạn bè và các thành viên trong gia đình mọi lúc mọi nơi sẽ giúp bạn không cảm thấy cô đơn.
3. Sợ đối đầu
Đừng để những khó khăn làm cho bạn nản lòng. Thách thức được đặt ra để làm mỗi người chúng ta trưởng thành hơn trong cuộc sống. Vì vậy, thay vì né tránh nó, bạn hãy tìm cách tiếp cận và giải quyết nó.
Hãy tự hỏi bản thân: “Điều gì đáng để bạn dành thời gian và điều gì không?”. Nhiều lúc, chúng ta phải lựa chọn cách lùi lại một bước và nghĩ về những phương án tốt hơn để giải quyết khúc mắc của mình. Hãy giải quyết những vấn đề đó, từng bước một và liên tục thay đổi các chiến lược phù hợp dựa trên kết quả bạn nhận được.
4. Sợ bị từ chối
Bạn đã từng bị từ chối trong công việc, từng nhận phản hồi không mấy tích cực của khách hàng, sản phẩm đầu tay không được mọi người yêu thích,... Và tất cả những điều đó làm cho bạn cảm thấy lo sợ về những lời từ chối. Tuy nhiên, có một sự thật rằng, bạn sẽ nghe từ “không” thường xuyên hơn là “có” trong cuộc đời này.
Đứng trước những nỗi sợ hãi về việc bị từ chối ấy, bạn hãy rèn luyện sự tự tin và cố gắng hơn nữa trong lần thử sau. Vì vậy, “thua keo này ta bày keo khác” - lần bị từ chối này chính là thử thách và bài học kinh nghiệm cho bạn vào những lần thử sau.
5. Sợ mất kiểm soát
Nghiên cứu chỉ ra rằng, chúng ta luôn thích đứng vị trí đầu tiên trong mọi cuộc thi, hay chú ý đến người khác nghĩ gì về mình, thích kiểm soát mọi người xung quanh... chính là nguyên nhân dẫn đến nỗi lo sợ mất kiểm soát trong cuộc sống.
Vì vậy, thay vì việc ra lệnh, ép buộc người khác làm theo ý của mình,... hãy chấp nhận một số biến số nhất định nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.
6. Sợ thất bại
Những mục tiêu lớn, có ý nghĩa cao cả cần có thời gian dài thử nghiệm và thực hiện mới có thể đạt đến thành công. Tuy nhiên, trước đó, bạn đã có thể gặp rất nhiều thất bại và vực lên sau những lần khó khăn.
Vì vậy, hãy luôn luôn thử nghiệm. Hãy sử dụng thất bại như một cách để cải thiện các chiến lược và tìm ra giải pháp mới để sửa sai cho đến khi bạn tìm thấy thành công. Đừng mắc cùng một lỗi hai lần.
Thiên An