(Tổ Quốc) - Sốt đất trên diện rộng ở vùng ven Hà Nội đã lan toả đến một số tỉnh thành lân cận đã tạo sóng lớn hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt ở những khu vực tiềm năng như Ba Vì, Sơn Tây hay Hoà Bình.
Liên tục thiết lập mặt bằng giá mới
Theo Batdongsan.com.vn, 3 tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản chứng kiến lực cầu gia tăng mạnh mẽ, hiện tượng sốt đất diễn ra ở nhiều địa phương trên khắp cả nước. Chỉ số mức độ quan tâm (phản ánh nhu cầu thị trường) và lượng tin đăng (đại diện nguồn cung) 30 ngày sau Tết âm lịch tăng mạnh so với 30 ngày trước Tết, lần lượt là 76% và 36%.
Cùng với sự chú ý của nhà đầu tư, quá trình đô thị hóa và sự phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông và việc thu hút đầu tư đã tiếp thêm nguồn lực cho quá trình phát triển của bất động sản. Cụ thể, mặt bằng giá nhà đất tại một số huyện ở Hà Nội đã được thiết lập mới sau khi có thông tin lên quận, hay triển khai xây dựng khu đô thị.
Tại các địa phương như: Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất…, đất trong làng xã được đẩy lên mức 25 - 30 triệu đồng/m2, tăng đến 50% so với thời điểm năm 2019. Lượng người kéo đến các làng xã thuộc những khu vực kể trên tăng bất thường. Điều đó có thể thấy dòng tiền của nhà đầu tư kể từ đầu năm 2021 tiếp tục đổ mạnh vào BĐS cùng tâm lý tìm kiếm sản phẩm đầu tư an toàn.
Nhà đầu tư tích cực đi "săn" bất động sản
Không chỉ ở các vùng lân cận Hà Nội, hiện tượng sốt đất còn diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước ngay khi các địa phương có thông tin quy hoạch, hoặc thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Đơn cử tại phía Bắc có thể kể đến một số địa phương như Hoà Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh… đây là khu vực nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư do quỹ đất rộng, giá trung bình thấp và không ngừng được đẩy mạnh đầu tư, hứa hẹn tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Sức bật của thị trường bất động sản Hoà Bình
Tiếp sóng "sốt đất" tại Ba Vì, Sơn Tây, thị trường bất động sản Hòa Bình năm 2021 có bước tiến mạnh mẽ. Sóng đầu tư tại Hoà Bình được chia sẻ về trung tâm thành phố, nơi có nhiều tiềm năng nhờ vị trí cửa ngõ Tây Bắc, nguồn cung sản phẩm khan hiếm, không nhiều dự án được quy hoạch bài bản, đồng bộ.
Tại khu vực trung tâm TP Hòa Bình - tâm điểm của sốt cục bộ BĐS, nhà đầu tư tập trung tìm kiếm các sản phẩm có vị trí đẹp, gần các dự án, công trình lớn nhằm tìm kiếm lợi nhuận gia tăng theo tốc độ đô thị hóa.
Điển hình như tại bờ trái sông Đà, giá bán bất động sản ở khu vực Cảng chân dê có mức tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường BĐS bờ phải sông Đà cũng có những dấu hiệu tăng nhưng chỉ cục bộ tại một số trục đường rộng, với mức tăng trung bình khoảng 50%.
Khoảng 3 năm trở về trước, Hoà Bình ít xuất hiện trên bản đồ bất động sản. Một số dự án nghỉ dưỡng trên địa bàn có quy mô phát triển manh mún chỉ vài ha, tiện ích nghèo nàn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bên cạnh việc tiếp tục phát triển các dự án cũ, một loạt chủ đầu tư tiếp tục công bố dự án mới ra thị trường ở nhiều phân khúc. Hiện Hòa Bình đang quy tụ nhiều chủ đầu tư lớn như Vingroup, Geleximco, T&T Group, TSG Group… đến xây dựng các dự án quy mô, bài bản.
Trong quý I/2021, bất động sản Hòa Bình chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ với việc xuất hiện sản phẩm phố thương mại được phát triển bởi chủ đầu tư Sài Đồng Land - dự án Hoà Bình Centre. Dự án được các nhà đầu tư lâu năm đánh giá có khả năng mang lại lợi nhuận bền vững nhờ vị trí đắt giá, 3 mặt đường lớn, tiếp giáp với trung tâm hành chính tỉnh, đối diện là Quảng trường thời đại rộng tới 14,4ha, "điểm đến" không thể bỏ lỡ của người dân địa phương. Hoà Bình Centre góp thêm một mảnh ghép để hoàn thiện hệ sinh thái vui chơi, giải trí, mua sắm của thành phố. Sản phẩm cũng là động lực để nhà phố thương mại đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các phân khúc khác, góp phần đa dạng hóa nguồn cung bất động sản trên địa bàn Tp. Hoà Bình.
Thành phố Hoà Bình trở thành vùng trũng thu hút nhà đầu tư năm 2021
Sức bật của bất động sản tại Hòa Bình chịu tác động không nhỏ từ các trợ lực về kinh tế và giao thông. GRDP của Hoà Bình năm 2020 tăng 7,55% so với năm 2019. Hạ tầng giao thông của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường tính kết nối vùng nhằm thúc đẩy kinh tế và thu hút đầu tư. Điển hình có thể kể đến đường Hòa Lạc - Hòa Bình; dự án xây dựng cầu Hòa Bình 2; đường nối QL6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình)...
Ngoài ra, nhiều tuyến giao thông quan trọng khác cũng chuẩn bị được triển khai như: đường Hòa Lạc - Hòa Bình giai đoạn 2 với quy mô 4 làn xe cao tốc; đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối QL6; đường Quang Tiến - Thịnh Minh (TP Hòa Bình)... Kinh tế phát triển, giao thông hoàn chỉnh sẽ góp phần thay đổi diện mạo bất động sản Hoà Bình trong thời gian tới.
Bình An