Nhận diện đúng thương hiệu quốc gia: “Made in” không còn quá quan trọng!

(Tổ Quốc) - Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho rằng, nhận diện một thương hiệu quốc gia không nên và không thể bắt đầu từ yếu tố "made in", điều cần nhìn nhận là phần giá trị được tạo ra và để lại tại dân tộc.

Kể lại câu chuyện của chính doanh nghiệp mình trong buổi tọa đàm về thương hiệu Việt tổ chức ngày 29/12, doanh nhân Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Sunhouse cho biết, 3 năm trước, Electrolux đã đặt lên bàn thỏa thuận mua lại Sunhouse. Thương vụ đã thỏa thuận xong về cơ bản, định giá 250 triệu USD.

Thương hiệu Việt suýt "bán mình"

"Đến phút cuối cùng, đơn vị tư vấn thẩm định doanh nghiệp chậm, đáng lẽ kết thúc quá trình thẩm định vào ngày 31/12/2017. Nhưng họ chưa xong, mà Electrolux quên gửi thư xin gia hạn. Đấy cũng là cái cớ để mình hủy bỏ thỏa thuận. Đâu đó có thể là may mắn, hoặc là một kiểu tâm linh", ông Nguyễn Xuân Phú ngẫm lại.

Ông Phú cho biết, một phần vì cái tôi của mình, muốn giữ lại thương hiệu mà chính tay mình gây dựng, và cũng một thương hiệu Sunhouse của đất nước Việt Nam. Đặc biệt, ông hiểu ra được giá trị thực sự của thương hiệu.

"Thông thường việc phát triển thương hiệu chiếm khoảng 30% trong tổng chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Các phần khác như giá nhân công chỉ chiếm 3 – 5%, nguyên liệu đầu vào thì khoảng 20 – 30%, thuế nộp về cho quốc gia là 10 – 15%... trên giá trị sản phẩm.Như vậy, với một doanh nghiệp như Sunhouse thì có thể để lại đến 80% giá trị cho đất nước. Đây là phần giá trị vô cùng lớn so với các sản phẩm đa quốc gia "made in Vietnam" nhưng họ chỉ để lại ở Việt Nam 3% giá trị, dù doanh thu của họ là khổng lồ, đó là còn chưa kể đến tác động của "made in" tới môi trường là vô cùng lớn", ông Phú nhấn mạnh.

Nhưng con đường xây dựng thương hiệu chưa bao giờ không đầy chông gai. Bà Phạm Thị Kim Loan, Chủ tịch HĐQT DN Khoa học và Công nghệ Ngân Hà chia sẻ đã từng "khổ sở" vì đối tác nước ngoài chăm chăm vào yếu tố "made in Việt nam" để từ chối sản phẩm.

"Có 1 nhà đầu tư Trung Quốc qua gặp tôi, đó là chủ một thương hiệu khá lớn ở Trung Quốc. Khi cô ta qua Đài Loan và được giới thiệu về sản phẩm của chúng tôi, cô ta kinh ngạc về hiệu quả đó. Sau đó, cô ấy sang Việt Nam và nói với tôi một điều rằng, sản phẩm của chúng tôi nếu dán nhãn sản xuất ở Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc rất khó bán. Cho nên họ đề nghị chúng tôi đổi sang tên của Trung Quốc hoặc là thành lập một công ty ở Singapore rồi lấy 'made in Singapore" thì sẽ bán được hoặc kết hợp với nhau sản xuất ở Trung Quốc luôn", bà Phạm Thị Kim Loan chia sẻ. Đồng thời cho biết, cuối cùng đã rút lui và tiếp tục hành trình xây dựng thương hiệu Việt của mình.

Nhận thức lại về thương hiệu quốc gia

Ông Phú nhấn mạnh, quốc gia nào sở hữu nhiều thương hiệu lớn sẽ là một quốc gia thịnh vượng. Từ đó, chúng ta cần hiểu chính xác về thương hiệu quốc gia Việt Nam để ủng hộ đúng đắn nhằm kích thích tăng trưởng của đất nước. Đồng thời kiến nghị, chúng ta nên xếp thứ tự ưu tiên theo giá trị mà doanh nghiệp đó để lại ở đất nước ta để có chính sách ưu đãi phù hợp, thúc đẩy những doanh nghiệp Việt đăng ký thành lập tại Việt Nam, là thương hiệu của Việt Nam,…

Nhận diện đúng thương hiệu quốc gia: “Made in” không còn quá quan trọng! - Ảnh 1.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, các nhà làm chính sách, người dân nên quan tâm nhiều hơn đến phần giá trị để lại cho quốc gia của mình thay vì tập trung vào yếu tố "made in".

Chủ tịch Sunhouse phân tích, để tạo ra một sản phẩm cần quá trình dài, mỗi khúc trong chu trình này đều tạo ra một giá trị nhất định. Trong xu hướng toàn cầu hoá, mọi khoảng cách bị xoá bỏ, doanh nghiệp đều tìm đến nơi có lợi thế để tạo ra tuỳ loại sản phẩm, ví dụ như nơi có nguyên liệu rẻ, nơi có chất xám cao hay nơi có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, nhân công giá rẻ nhất…

Nói dễ hiểu, một sản phẩm được tạo ra sẽ có thể được cấu thành từ rất nhiều nơi. Do đó, khái niệm "made in" đã trở thành lạc hậu và không bao hàm toàn bộ giá trị của sản phẩm đó. "Cái chúng ta cần quan tâm nhiều hơn là phần giá trị mà doanh nghiệp để lại cho quốc gia, trong đó, thương hiệu là khúc lớn nhất chiếm tới 30% giá trị. Sau đó mới là "made in", phân phối…", Chủ tịch Sunhouse cho biết.

Nhận diện đúng thương hiệu quốc gia: “Made in” không còn quá quan trọng! - Ảnh 2.

Chia sẻ câu chuyện của chính mình, ông Phú cho biết, bản thân Sunhouse cũng xây dựng thương hiệu trên yếu tố nền tảng là xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, mở rộng thêm nhiều nhà máy để hoàn thiện chuỗi tự cung ứng và sản xuất, mời các chuyên gia đầu ngành Hàn Quốc về tư vấn và đầu tư hệ thống máy móc QA – QC tự động… để nắm giữ những phần cốt lõi nhất của chuỗi giá trị.

Ánh Dương

Tin mới