(Tổ Quốc) - Cuộc sống không thể tránh khỏi những trắc trở, nếu không tự làm chủ được chính mình, chính bạn sẽ là người gánh lấy những hậu quả do "cả giận mất khôn".
Trong cuộc đời mỗi người từ khi sinh ra đến khi mất đi ai cũng từng trải qua hỉ, nộ, ái, ố. Lời khuyên cho bạn để sống một cuộc sống dễ dàng hơn đó chính là học cách kiểm soát các cảm xúc tiêu cực gây ảnh hưởng đến xấu đến cuộc sống bình thường.
Người khôn ngoan thực sự là người có khả năng quản lý tốt cảm xúc, cụ thể: Không nói khi tức giận, nóng giận không động tay chân, thất bại không đánh mất lý trí và không đưa ra quyết định khi không tỉnh táo.
1. Không nói khi tức giận
Khi nóng giận, con người thường sẽ không kiểm soát được bản thân, nói những lời không phù hợp, ảnh hưởng xấu đến chính mình và những người xung quanh
“Người nói vô ý, người nghe hữu ý”. Nếu không cẩn thận, những lời nói trong lúc tức giận của bạn sẽ trở thành con dao sắc nhọn, làm tổn thương những người mà bạn quan tâm.
Vì vậy, hãy dành cho bản thân ba phút để bình tĩnh, sắp xếp lại suy nghĩ và suy nghĩ kỹ trước mở lời. Người xưa dạy “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Có một câu chuyện kinh điển được ghi lại trong Biên niên sử Xuân Thu như sau:
Khi Khổng Tử và các học trò của mình đi du ngoạn, có thời điểm trong vòng mấy ngày họ không ăn uống gì và thực sự rất đói. Một người học trò của Khổng Tử nói rằng tìm thấy một ít gạo và sẽ đi nấu cơm cho mọi người ngay. Nhưng Khổng Tử biết rằng gạo đó là do ăn trộm mà có. Ông rất tức giận, nhưng giả vờ như không thấy và im lặng bỏ đi.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Khi người học trò nọ đem cơm đến cho, Khổng Tử nói: "Ta muốn dùng cơm này để cúng tổ tiên trước đã." Người học trò liên tục từ chối và lấy lý do khi nấu cơm bị vương bụi vào, anh ta đã ăn trước phần cơm bụi rồi. Giờ không thể dùng cơm này để cúng được.
Trước thái độ của Khổng Tử, người học trò đã nhận ra điều mình làm là không phải đạo. Không cần dùng quá nhiều lời, ông vẫn có thể răn dạy học trò của mình.
Khi tức giận, chúng ta thường suy nghĩ một chiều. Nếu nóng giận nói ra thì sau này chỉ có ân hận.
Nhà văn Lương Thực Thu của Trung Quốc đã từng nói: “Khi nóng giận, lý trí không tỉnh táo, lời nói và hành động dễ bị vượt quá mức cho phép gây ảnh hưởng đến chính bản thân mình và những người xung quanh”.
2. Khi tức giận thì không động tay chân
Trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp phải những kẻ xúc phạm mình, khiến cho bản thân tức tối, mất kiểm soát. Thậm chí trong lúc mất bình tĩnh có thể để xảy ra xô xát, gây ra những tổn thất không đáng có.
Trong "Thủy hử", sau khi Dương Chí bị ông Cao Cầu đuổi đi, do túng thiếu không còn gì trong tay, Dương Chí phải bán đi bảo đao của tổ tiên. Không ngờ Ngưu Nhị cố tình sinh sự, lừa gạt, gây khó dễ cho ông bằng mọi cách.
Dương Chí đã có thể vờ như không nghe không thấy và bỏ đi nhưng lửa giận đã khiến ông "cả giận mất khôn", vô tình đoạt mạng Ngưu Nhị. Sau cùng Dương Chí đi đầu thú và bị đày đến Đại Danh phủ.
Là một người đàn ông, thắng bởi sự kiềm chế, thua bởi sự nóng nảy.
Người khôn ngoan thường biết cách kiềm chế tốt tâm trạng của bản thân, không bị cơn nóng giận nhất thời làm mờ mắt. Họ luôn tỉnh táo, không tham gia vào các cuộc tranh chấp không đáng có và cố gắng giữ mình điềm tĩnh.
3. Khi thất bại không đánh mất lý trí
Có một truyền thuyết kể về loài ve sầu vàng, sống trong bóng tối 17 năm chịu đựng sự cô đơn và chờ đợi trong bóng tối, được nuôi dưỡng bởi nhựa của rễ cây. Rồi vào một ngày mùa hè, nó lặng lẽ trèo lên cây, qua một đêm hóa thân thành ve sầu. Và khi mặt trời mọc, nó có thể bay vút lên trời cao.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Nếu không nhờ sự tích lũy và tích cực kiên nhẫn trong 17 năm, chúng ta sẽ không bao giờ thấy được sự đột phá của nó.
Mọi con sông đều có những khúc quanh và cuộc sống cũng vậy. Trên đời có rất ít thành công tức thì và gặp thất bại là chuyện rất bình thường.
Đôi khi bạn đã cố gắng hết sức nhưng kết quả vẫn không như ý muốn, đừng vội nản lòng, chỉ cần bạn có thể chịu đựng được sự khó khăn trước mắt là được. Thành công và hạnh phúc đang ở tương lai chờ bạn.
4. Không đưa ra quyết định khi không tỉnh táo
Có câu chuyện về "một ấm trà treo trên cây" như thế này: Một người nọ vô tình lấy được chiếc ấm trà bằng sành màu tím quý giá, anh ta trân quý nó đến mức khi đi ngủ cũng để bên cạnh vì sợ bị trộm mất.
Một đêm, anh vô tình làm rơi nắp chiếc ấm sành màu tím xuống đất. Khi tỉnh dậy, anh vô cùng buồn bã và bực mình. Anh nghĩ chắc chiếc nắp đã bị rơi hỏng nên anh ta đã ném chiếc ấm trà ra ngoài cửa sổ.
Không ngờ sáng ngày hôm sau, anh ta thấy cái nắp ấm vẫn còn nguyên rơi trên chiếc giày bông của mình. Đến lúc này, anh ta thực sự hối hận, nghĩ đến cái ấm trà ném ra ngoài cửa sổ, liền tức giận đập vỡ cái nắp thành từng mảnh. Nhưng ngay khi anh ta đi ra ngoài nhìn lên và thấy chiếc ấm trà bị ném đang móc trên cành cây.
Sự đời khó đoán, ông trời đã ban cho anh ta hai cơ hội nhưng cuối cùng anh ta đã đánh mất ấm trà yêu quý chỉ vì tính nóng nảy của mình. Có một câu nói rất hay: "Kẻ nóng nảy bốc đồng thì chẳng đạt được gì, kẻ điềm đạm thì tự biết đường đi nước bước.”
Khi làm bất cứ một việc gì cũng cần phải suy đi tính lại thật kỹ và không vội vã quyết định khi nóng giận. Cảm xúc là bản năng, có tốt và xấu, nhưng những người không quản lý được cảm xúc xấu của mình sẽ khó có được cuộc sống hạnh phúc. Bởi vì tất cả những cảm xúc tồi tệ có thể sẽ khiến bạn gục ngã, không còn là chính mình!
Theo 163
Thùy Anh