(Tổ Quốc) - Vì sao một công ty chứng khoán như Thiên Việt lại định vị trở thành nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ và thành công với thương vụ đầu tư vào MoMo? Nếu nhìn vào danh sách hội đồng quản trị của TVS thì chúng ta sẽ không quá bất ngờ.
MoMo là ví điện tử thuộc sở hữu của công ty cổ phần di động trực tuyến (M_Service). Hồi cuối năm 2021, công ty này công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (series E) với số tiền 200 triệu USD. Trong vòng gọi vốn này ngân hàng Mizuho của Nhật Bản đã mua 7,5% cổ phần với giá 170 triệu đồng. Điều này tương đương với việc M_Service được định giá 2,27 tỷ USD.
Việc startup công nghệ này được định giá lên quy mô khiến cổ phiếu của một công ty chứng khoán trong nước lập đỉnh. Giai đoạn cuối tháng 12/2021, cổ phiếu TVS của Chứng khoán Thiên Việt bất ngờ tăng trần lên mức đỉnh lịch sử 49.850 đồng/cổ phiếu, tương đương với giá trị vốn hóa hơn 5.300 tỷ đồng.
Mặc dù là công ty chứng khoán nhưng Thiên Việt nhanh nhạy đầu tư vào M_Service từ năm 2007 với giá gốc của khoản đầu tư chỉ là 27,8 tỷ đồng. Với việc sở hữu 918.404 cổ phần, Thiên Việt sở hữu tương đương 5,97% vốn điều lệ của M_Service. Trong trường hợp toàn bộ cổ phần Mizuho mua là phát hành mới thì tỷ lệ sở hữu của Thiên Việt sẽ giảm xuống còn 5,55%. Tính theo mức định giá mới từ thương vụ với Mizuho, giá trị cổ phần M-Services mà công ty chứng khoán nắm giữ đang đạt hơn 120 triệu USD, tương đương khoảng 2.900 tỷ đồng. Như vậy giá trị khoản đầu tư vào ví điện tử MoMo đã tăng gấp 100 lần.
“Chúng tôi tự hào là một trong những công ty chứng khoán tiên phong trong lĩnh vực đầu tư vào Nền Kinh tế mới (New Economy). TVS hiện tại đã trực tiếp hoặc thông qua các công ty trong Hệ Sinh thái của mình đầu tư vào 5 lĩnh vực chính của Nền Kinh tế mới bao gồm Fintech (Momo và Finhay), Edtech (Galaxy Education), Truyền thông trực tuyến (Galaxy Play), Du lịch trực tuyến (Momo - đại lý du lịch trực tuyến số 1), và Chăm sóc sức khỏe (Nhi Đồng 315). Với tầm nhìn dài hạn, TVS sẽ trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực tài chính và công nghệ”, báo cáo thường niên năm 2021 của công ty chứng khoán Thiên Việt viết.
Vì sao một công ty chứng khoán như Thiên Việt lại định vị trở thành nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ và thành công với thương vụ đầu tư vào MoMo? Nếu nhìn vào danh sách hội đồng quản trị của TVS thì chúng ta sẽ không quá bất ngờ.
Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Thiên Việt là ông Nguyễn Trung Hà. Ông Hà được biết đến như là một chiến lược gia kinh doanh hàng đầu với bề dày kinh nghiệm đầu tư qua hơn 30 công ty trong nước. Vị doanh nhân này cũng là một trong những thành viên sáng lập tập đoàn FPT cùng ông Trương Gia Bình, Đỗ Cao Bảo, Nguyễn Thành Nam,... Ông Trung Hà là người hoạch định chiến lược của FPT trong nhiều năm. Một điều bất ngờ là chủ tịch TVS cũng là thành viên sáng lập của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Ông Nguyễn Trung Hà tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Lômônôxôp với chuyên ngành toán học.
Một thành viên HĐQT của TVS là ông Phan Minh Tâm. Ông Tâm tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin ở Đại học Bách Khoa. Ông Tâm cũng là người nổi tiếng trong giới công nghệ khi cùng các cộng sự đã sáng lập CTCP Quảng cáo Trực tuyến 24H.
Hội đồng quản trị chứng khoán Thiên Việt.
HĐQT của TVS cũng có thêm một gương mặt nổi tiếng trong giới công nghệ là ông Nguyễn Thành Nam. Ông Nam là một trong những sáng lập viên của FPT. Ông Nam còn là Cố vấn Cao cấp về Sáng tạo cho Chủ tịch FPT và nguyên Tổng Giám đốc FPT Sofware. Ông Nam hiện đang là phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của FPT Education và là sáng lập viên của FUNiX, trường đại học trực tuyến đầu tiên của Việt Nam. Ông có học vị Tiến sĩ Toán tại Nga.
Ngoài những thành viên có thế mạnh về công nghệ, HĐQT TVS còn có những gương mặt lão làng trong giới tài chính. Ví dụ như ông Nguyễn Nam Sơn với 14 năm làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư cho Citigroup và Salomon Brothers, bao gồm 5 năm tại New York và 8 năm ở Hong Kong ở vị trí Giám đốc điều hành của Tập đoàn truyền thông kỹ thuật Châu Á. Ông Sơn cũng đã làm 3 năm trong lĩnh vực tái cấu trúc ngân hàng trong đợt khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Trước khi lấy bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Harvard năm 1995, ông Sơn cũng đã có 3 năm làm việc tại Trammell Crow Company, một trong những nhà đầu tư và phát triển bất động sản lớn nhất ở Mỹ. Ông hiện đang là Giám đốc Điều hành của Vietnam Capital Partners.
Ngoài ông Sơn, CEO kiêm thành viên HĐQT TVS là bà Nguyễn Thanh Thảo cũng từng làm việc trong lĩnh vực phân tích Tài chính tại Ameriquest Capital Holdings - một trong những nhà cho vay thế chấp lớn nhất ở Mỹ, và các tổ chức tài chính khác. Trước đó, Bà là Giám đốc điều hành văn phòng pháp lý tại California, Mỹ. Bà Thảo có bằng cử nhân kinh tế tại Moscow State University of Foreign Affairs (MGIMO) tại Cộng hòa Liên ban Nga năm 1997 và bằng MBA tại California, Mỹ năm 2005.
Mộc An