(Tổ Quốc) - Hiện tiến độ giải ngân tại nhiều địa phương đang gặp khó, trong đó có các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Là trung tâm vùng ĐBSCL, năm 2021, TP Cần Thơ được bố trí vốn đầu tư công hơn 6.776 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương gần 6.000 tỷ đồng. Theo Kho bạc Nhà nước TP Cần Thơ, đến ngày 25/6, tỷ lệ giải ngân trên địa bàn mới đạt 14,2% kế hoạch; vốn từ năm 2020 chuyển sang gần 582 tỷ đồng ở 100 dự án cũng giải ngân khá trầy trật, chỉ đạt 18,2% kế hoạch. Hơn 20 chủ đầu tư tổng vốn kế hoạch hơn 4.000 tỷ đồng với 91 dự án, trong đó có 10 dự án trọng điểm, nhưng đến nay mới giải ngân 12,2% kế hoạch.
Tương tự, việc giải ngân vốn tại các tỉnh trong vùng như Kiên Giang, An Giang, Cà Mau cũng khá ì ạch. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, kế hoạch vốn năm 2021 của tỉnh đạt gần 5.200 tỷ đồng, đã giao vốn cho các đầu mối hơn 4.660 tỷ đồng. Đến ngày 15/6, ước giá trị khối lượng hoàn thành chưa đến 20% kế hoạch, giá trị giải ngân chỉ đạt 17% kế hoạch (thấp hơn so cùng kỳ năm trước 3,85%). Tỉnh có 16 dự án trọng điểm, kế hoạch vốn hơn 2.191 tỷ đồng (chiếm 42,16%), nhưng thực hiện chưa đầy 400 tỷ đồng (18,24%). Còn tỉnh An Giang, năm nay được giao hơn 5.600 tỷ đồng (vốn năm 2020 chuyển sang hơn 600 tỷ đồng), lũy kế giải ngân đến hết tháng 6 đạt hơn 821 tỷ đồng (gần 20% kế hoạch).
Riêng Cà Mau, việc giải ngân vốn đầu tư tuy khá hơn nhưng vẫn không bước qua ngưỡng 30%. Trong số 27 đơn vị được giao chủ đầu tư, chỉ có 3 đơn vị tỷ lệ giải ngân đạt hơn 50%, có 13 đơn vị giải ngân dưới 20%, thậm chí có 7 chủ đầu tư giải ngân bằng 0%, gồm: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ, Văn phòng Tỉnh ủy, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Sở Y tế, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Sóc Trăng là một trong những địa phương có tiến độ giải ngân đạt khá ở vùng ĐBSCL, tuy nhiên cũng không vượt được 30% trong tổng số 4.300 tỷ đồng được giao.
Hiện tiến độ giải ngân nguồn vốn do cấp huyện quản lý đạt gần 53%, trong đó có huyện Mỹ Xuyên, huyện Trần Đề và thị xã Ngã Năm tiến độ giải ngân từ 62% đến hơn 67%. Trái ngược, nguồn vốn do các đơn vị cấp tỉnh quản lý tiến độ giải ngân rất chậm, nhiều đơn vị chưa giải ngân nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn tỉnh.
Đáng nói, việc chậm trễ trong thực hiện dự án đầu tư công ở nhiều tỉnh trong vùng dẫn đến hiệu quả nguồn vốn đạt thấp, công trình bị "đội vốn", gây lãng phí lớn. Đơn cử, công trình kè hai bên sông Cần Thơ do Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư, có chiều dài hơn 5 km (từ cầu Cái Răng đến phường Lê Bình và xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), tổng mức đầu tư hơn 870 tỷ đồng, trong đó vốn vay của Cơ quan phát triển Pháp 462 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016 đến tháng 9/2021.
Sau 5 năm thực hiện, đến nay công trình chỉ đạt 34% kế hoạch, tổng giá trị thực hiện và giải ngân là 175 trong số 509 tỷ đồng. Được biết, kinh phí bồi thường tái định cư dự án này vượt hơn 100 tỷ đồng so kinh phí được phê duyệt. Vì vậy, chủ đầu tư xin điều chỉnh tăng vốn dự án lên hơn 1.095 tỷ đồng và kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2023.
Ban quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ được giao đầu tư nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn, nhưng hiệu quả giải ngân vốn của đơn vị này rất chậm, dẫn đến nhiều công trình đội vốn. Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường thích ứng đô thị, vốn đầu tư 7.843 tỷ đồng (340 triệu USD), trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới 250 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại từ Tổ chức hợp tác Thụy Sĩ 10 triệu USD, vốn đối ứng 84 triệu USD (tương đương 1.917 tỷ đồng). Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2016 đến tháng 6/2022, có nhiều công trình cầu, đường, kè sông rạch, trải dài ở ba quận Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy. Một số công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội như cầu Quang Trung (đơn nguyên 2), đường Trần Hoàng Na,…
Tuy nhiên, toàn cục dự án mới giải ngân hơn 3.350 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch. Dự án này đã sắp hết thời gian thực hiện và hầu hết các gói thầu đều giải ngân chậm, đội vốn.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì đầu tư công tiếp tục được xác định là động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2021. Do đó, việc giải ngân vốn chậm ở bất kỳ đơn vị, địa phương nào, dù bất cứ lý do gì cũng nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội và tác động đến đời sống, thu nhập và việc làm của người dân. Chưa kể, giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương trong vùng gần như năm nào cũng đạt kết quả thấp hơn mục tiêu.
Phương Nga