Nhiều gói hỗ trợ nhà ở xã hội nhưng tại sao vốn giá rẻ khó đến được người mua nhà?

(Tổ Quốc) - Nhiều gói hỗ trợ kích cầu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được kiến nghị và đề xuất nhằm thúc đẩy thị phần này phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần đẩy nhanh việc giải ngân các gói hỗ trợ này.

Thị trường nhà ở xã hội nhộn nhịp trở lại

Từng là phân khúc luôn ghi nhận nguồn cung thiếu trầm trọng, trong thời gian tới, loại hình nhà ở xã hội được dự báo sẽ gia tăng mạnh lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường. Theo đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố về kế hoạch dự kiến bỏ tiền vào phân khúc này. 

Hồi đầu tháng 2/2022, Tổng Công ty Viglacera đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia thuộc khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Đến tháng 3, Tổng Công ty Viglacera tiếp tục khởi công dự án Khu nhà ở công nhân và chuyên gia khu công nghiệp Đông Mai thuộc thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).

Mới đây, Tập đoàn Hòa Bình cũng thành lập một công ty thành viên là Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng NƠXH Hòa Bình, có chức năng phát triển các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo doanh nghiệp này, ngay trong năm 2022, Hòa Bình sẽ khởi công làm ngay 10.000 căn NƠXH, giữa năm sau có thể hoàn thiện bàn giao.

Nhiều gói hỗ trợ nhà ở xã hội nhưng quan trọng nhất là vấn đề giải ngân - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ).

Tại đại hội cổ đông thường niên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes Phạm Thiếu Hoa thông tin rằng, Tập đoàn này dự kiến xây 500.000 căn nhà ở xã hội trong 5 năm tới, giá bán 300–950 triệu đồng một căn tại các vùng ven. 

Trước đó, thống kê Bộ Xây dựng ghi nhận, đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô 142.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 sàn, đạt 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (năm 2011). Riêng năm 2021, đã có 17 dự án hoàn thành, với 27.800 căn hộ, gần 1,4 triệu m2 sàn. Việc phát triển nhà ở xã hội nhìn chung vẫn chậm, hiệu quả chưa cao, do một số vướng mắc cả về thể chế chính sách và tổ chức thực hiện.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, việc khan hiếm loại hình nhà ở xã hội do thách thức đến từ vốn, quy hoạch và tạo quỹ đất sạch. Thực tế vấn đề xây dựng nhà ở xã hội đã được đề cập trong nhiều thông tư, nghị định.  

Quan trọng vấn đề giải ngân gói hỗ trợ nhà ở xã hội

Theo TS. Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân. Trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, ngày 1/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP để cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Đầu năm 2022, Quốc hội đã có Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó bố trí 2 gói hỗ trợ cho nhà ở xã hội cho cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. 

Bộ Xây dựng cũng có đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để cho các doanh nghiệp vay phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bên cạnh đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau Covid-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Cụ thể là gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, trong đó cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định; cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định. 

Hai là, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng sau được vay ưu đãi: Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở.

Tuy nhiên, theo ông Quân, vấn đề quan trọng nhất là phải giải ngân được các gói hỗ trợ, cung cấp các gói hỗ trợ. 

Theo nhu cầu thì hoặc cần gói 65.000 tỷ đồng hoặc là phải 8.000 tỷ đồng, khắc phục lãi suất chênh lệch thì như vậy mới mong thị trường nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đáp ứng được định hướng của chính phủ của các địa phương. Đây là một điểm nghẽn lớn cần được tháo gỡ trong thời gian tới, đặc biệt là kể từ năm 2022.

Trên cơ sở đó, ông Quân đề xuất 2 giải pháp. Một là, vướng mắc lớn nhất là vướng mắc về cơ chế hùn vốn giá rẻ, với mức cho vay khoảng 5%/năm và thời gian từ 15 năm trở lên thì người dân mới có thể tiếp cận được. 

Hai là, cơ chế nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần rõ hơn. Cụ thể, đối tượng công nhân phải là đối tượng cho thuê dài hạn hoặc ngắn hạn chứ không phải để mua dài hạn. Chính vì vậy cần có cơ chế đặc thù hơn để đảm bảo nhà ở công nhân, đặc biệt là nhà ở công nhân ở các thành phố lớn như TP.HCM, Bình Dương thì chúng ta mới giải quyết được bài toán căn cơ về nhà ở công nhân. Trong đó, đặc biệt là các chính sách đồng hành của chính quyền địa phương tại các dự án khu công nghiệp.

Hải Nam

Tin mới