(Tổ Quốc) - Đặt mua xe từ trước Tết nhưng đến giai đoạn hiện tại, nhiều người vẫn chưa thể nhận xe và được sale gợi ý chi thêm tiền để nhận xe sớm.
Trước Tết, tình trạng khan hàng, bán "bia kèm lạc" (hình thức mua xe buộc phải mua kèm các gói phụ kiện) diễn ra với nhiều mẫu xe hot. Đến thời điểm hiện tại, hiện tượng này vẫn tiếp diễn khiến nhiều người chưa thể nhận xe, dù đặt xe cách đây cả tháng.
Thời điểm hiện tại, có rất nhiều mẫu xe rơi vào tình trạng khan hàng. Có thể kể đến như mẫu Santa Fe hay Tucson, Accent của Hyundai, Toyota Raize, Land Cruiser, Ford Ranger, Xplorer hay Kia Sonet, Seltos vv… Đặc trưng của những mẫu xe này là khách hàng phải đặt mua và chờ đợi khá lâu, thậm chí lên đến vài tháng để nhận xe. Tuy nhiên, như thường lệ thị trường vào các dịp khan hàng, vẫn có cách để người mua nhận xe sớm hơn. Đó là chấp nhận mua "bia kèm lạc".
Hoàng Minh (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết anh đặt mua một chiếc Hyundai Santa Fe từ trước Tết nhưng đến nay vẫn chưa nhận được xe. Anh được sale báo lại là khan hàng do thiếu linh kiện, sẽ phải đợi mua xe. Tuy nhiên, sale gợi ý cho anh có thể chọn mua gói phụ kiện trị giá khoảng 50-80 triệu đồng để được "ưu tiên" nhận xe sớm. Không chấp nhận với yêu cầu của sale, anh Minh đã huỷ cọc.
Hyundai Santa Fe bị bán chênh giá vài chục triệu tại Việt Nam.
Hiện tại, nhiều mẫu xe khác cũng rơi vào tình trạng tương tự khi khách hàng muốn nhận xe sớm đều phải chọn hình thức mua kèm lạc và thực tế, khá nhiều người dùng vì muốn sớm nhận xe, chấp nhận hình thức này.
Khách mua Toyota Raize phải bỏ thêm 20-30 triệu đồng tiền phụ kiện, Hyundai Accent là khoảng 10-20 triệu đồng, Ford Ranger là 25-30 triệu đồng trong khi với một số mẫu xe giá cao như Ford Explorer hay Toyota Land Cruiser, mức chênh có thể lên đến cả trăm triệu đồng.
"Nhiều người chấp nhận chi thêm một đến vài chục triệu để nhận xe trong giai đoạn khan hàng hiện tại vì với họ, việc đã bỏ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng để mua xe, họ muốn chọn đúng mẫu xe ưng ý, thay vì đổi xe khác. Đây cũng là lý do khiến hiện tượng bia kèm lạc luôn xuất hiện mỗi khi có một mẫu xe hot ra mắt, hoặc xảy ra trong các giai đoạn cầu vượt quá cung như Tết", Ngọc Tuấn – chuyên gia trong lĩnh vực ô tô tại Việt Nam cho biết.
Trong tháng 1 vừa qua, thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận một số biến động lớn. Ngoài các mẫu xe bán chạy gần như không thể thiếu trong danh sách bán chạy như Hyundai Accent, Toyota Vios, VinFast Fadil, Mitsubishi Xpander hay Kia Sonet, Toyota Corolla Cross, thị trường cũng ghi nhận sự vươn lên bất ngờ của một số sản phẩm như Honda City với hơn 1.700 xe bán ra hay Hyundai Tucson (1.256 xe).
Từ bảng xếp hạng 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường, có thể nhận thấy việc xe Nhật và Hàn gần như thống trị tuyệt đối thị trường với 9/10 model. Chỉ có một đại diện duy nhất không thuộc nhóm này là VinFast Fadil của Việt Nam.
Trong tháng 2, thị trường có thể không ghi nhận quá nhiều thay đổi thứ hạng của các mẫu xe khi tình trạng khan hàng vẫn diễn ra phổ biến trong khi chương trình khuyến mại của hãng, đại lý dành cho các mẫu xe chưa quá nhiều.
Đức Nam