(Tổ Quốc) - Hàng loạt nhóm cổ phiếu trụ như ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí…đẩy thị trường rơi vào thế chống đỡ, Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 36,9 điểm (-3,03%) xuống 1.180,4 điểm, mất mốc 1.200.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với trạng thái "giằng co" quanh mốc tham chiếu, đôi lúc sắc xanh đã chiến thắng. Tuy nhiên, đà bán lại không hề có dấu hiệu hạ nhiệt khiến hàng loạt mã cổ phiếu giảm sâu dần về cuối phiên. Chỉ số VN-Index chính thức đánh rơi ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.200 điểm, bao trùm bảng điện là không khí giao dịch không mấy tích cực.
Hàng loạt nhóm cổ phiếu trụ như ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí…đẩy thị trường rơi vào thế chống đỡ. Cổ phiếu chứng khoán vừa trải qua một tuần đáng quên khi chính thức không còn đại diện nào trong nhóm tỷ USD vốn hóa, lại tiếp tục giao dịch ảm đạm. Đáng chú ý, HCM, FTS, SSI, VND, VCI, APS… giảm hết biên độ. Những đại diện khác không thoát khỏi trình trạng điều chỉnh sâu chìm trong sắc đỏ.
Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng không giữ được sự tích cực khi nhiều mã quay đầu giảm điểm: MSB (-6,54%); MBB ( -3,43%); BID (-6,65%); TCB (-4,35%)… Thậm chí, STB còn giảm hết biên độ.
Nhóm thép cũng ghi nhận diễn biến tiêu cực, trong đó hàng loạt mã cổ phiếu như TLH, SMC, NKG, HSG, HPG, VGS… ngập trong sắc xanh lơ, giảm kịch biên độ. Đặc biệt, HPG sau khi về đáy tháng 1/2021, tiếp tục góp mặt nằm top những cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index, xếp sau GAS.
Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh, Nguồn: Bảng giá MBS
Đáng chú ý nhất phiên giao dịch phải kể tới mã GAS khi áp lực bán tháo diễn ra mạnh nhất. Hiệu ứng giảm sâu từ GAS lan tỏa ra cổ phiếu nhóm dầu khí là rất lớn, trong đó PLX, POW, CNG, PGD…đồng loại giảm mạnh. Thậm chí, một số cái tên lớn như PVS, PVD, PVC, PXS, PVT… lại giảm hết biên độ. Ngược dòng, PGS tăng nhẹ 1,27% lên mức 24.000 đồng/cp.
Nguyên nhân xảy ra áp lực bán ở nhóm dầu khí phải kể tới việc giá dầu thế giới lao dốc. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 17/6, dầu thô Brent giảm 6,69 USD tương đương 5,6% xuống 113,12 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 8,03 USD tương đương 6,8% xuống 109,56 USD/thùng. Giá dầu đã giảm 6% xuống mức thấp nhất 4 tuần, do lo ngại việc tăng lãi suất bởi các Ngân hàng trung ương lớn có thể làm chậm nền kinh tế toàn cầu và khiến nhu cầu năng lượng suy giảm.
Tương tự, rổ VN-30 cũng thiếu hụt dòng tiền bắt đáy. Về độ rộng, có tới 27 mã giảm điểm trong đó 5 mã nằm sàn, chiều tăng giá xuất hiện vỏn vẹn 2 mã cổ phiếu bluechips là VNM( 3,45%); VJC( 1,68%).
Về điểm sáng thị trường, nhóm thủy sản mang hiệu ứng tích cực hơn đôi chút khi hút dòng tiền khá tốt. Nhiều mã cổ phiếu chìm trong sắc xanh lá MPC ( 7,11%); FMC ( 2,6%); VHC ( 0,7); IDI ( 2,71%)… Nổi bật, ACL ( 6,88%) của Thủy sản CL An Giang là một trong 6 "sắc tím" hiếm hoi của thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 36,9 điểm (-3,03%) xuống 1.180,4 điểm. HNX-Index giảm 12,14 điểm (-4,33%) xuống 267,92 điểm. UPCoM-Index giảm 1,66 điểm (-1,91%) xuống 85,44 điểm. Về độ rộng, thị trường ghi nhận số mã tăng ít hơn số mã giảm sàn. Cụ thể, toàn sàn ghi nhận 787 mã giảm điểm, trong đó có tới 222 mã giảm kịch biên độ áp đảo hoàn toàn so với 215 mã tăng điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh và thỏa thuận trên HoSE đạt 15.440 tỷ đồng, trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 14.024 tỷ đồng, giảm 11% so với phiên trước đó.
Về giao dịch khối ngoại, NĐT nước ngoài phiên giao dịch hôm nay lại là điểm trừ khi bán ròng hơn 500 tỷ đồng toàn thị trường.
Trên HoSE, khối ngoại bán ròng hơn 600 tỷ đồng với khối lượng giao dịch 25 triệu đơn vị, chủ yếu bán HPG, MWG và VND... Lần theo các các mã bị rút khối ngoại rút mạnh nhất, điểm chung đều có mức giảm mạnh như VND(-6,8%), HPG(-6,9%), MWG(-4,89%),..
Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 11 tỷ đồng.
Trên sàn UpCOM, khối ngoại mua ròng với giá trị 107 tỷ đồng, tiếp tục gom BSR.
Nhìn vào diễn biến không mấy tích cực của thị trường, thay vì trading – "lướt sóng" cổ phiếu đầu cơ, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào lựa chọn những cổ phiếu có nội tại tốt và triển vọng sáng lạn để nắm giữ dài hạn, thận trọng hơn nhằm tránh những quyết định gây ra thua lỗ.
Ngoài ra, trong bối cảnh vĩ mô khó lường như hiện tại. Ông Nguyễn Anh Khoa Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục theo hướng tăng tỷ trọng tiền mặt, giảm tỷ trọng cổ phiếu để luôn có vị thế chủ động trước các diễn biến bất thường của thị trường. Ngoài ra, với sự phân hóa rõ nét của dòng tiền trong các phiên gần đây, ông cho rằng chiến lược phù hợp giai đoạn này sẽ là đánh nhanh rút gọn hơn là mua và nắm giữ. Đặc biệt, nhà đầu tư không nên sử dụng các công cụ đòn bẩy tài chính trong giai đoạn này.
Theo quan điểm của ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Môi giới Chứng khoán HSC, cá nhân ông cho rằng chứng khoán cũng là một kênh đầu tư trong số nhiều kênh đầu tư khác và không phải lúc nào cũng thuận lợi. Khi bối cảnh xấu đi, việc hạ tỷ trọng phân bổ vào chứng khoán và tăng tỷ trọng với các loại tài sản an toàn hơn là hoàn toàn hợp lý. Do đó, ở thời điểm hiện tại, chuyên gia đánh giá trước tiên nhà đầu tư nên xem xét lại tỷ trọng tài sản của mình vào kênh cổ phiếu đã hợp lý hay không đã.
Bảo Trang