Nhiều vấn đề nóng hậu soát xét BCTC bán niên 2020

(Tổ Quốc) - Loạt doanh nghiệp báo lãi sụt giảm hậu kiểm toán bán niên 2020 và không ít báo cáo bị đơn vị kiểm toán đưa thêm vấn đề nhấn mạnh.

Lợi nhuận "bốc hơi" sau soát xét

Đáng chú ý nhất là trường hợp của Tập đoàn Đất Xanh (DXG), sau soát xét, DXG đã bất ngờ ghi nhận lỗ ròng hơn 488 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong khi con số này ở BCTC tự lập có lãi hơn 38 tỷ đồng, LNST hợp nhất chuyển từ khoản lãi trăm tỷ sang thua lỗ gần 374 tỷ đồng. Nguyên nhân theo DXG là do trong quá trình kiểm toán, công ty kiểm toán xác định khoản chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư LDG (LDG) là sự kiện phát sinh sau niên độ và yêu cầu DXG phải trích lập dự phòng trên 526 tỷ đồng.

Tại BCTC soát xét công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2020, Tổng CTCP Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC) báo lỗ gần 4.5 tỷ đồng cao hơn đáng kể so với con số lỗ 1 tỷ đồng trong báo cáo tự lập. VEC cho biết điều này là do thời điểm lập BCTC, Công ty chưa nhận được báo cáo của các công ty con, chưa có cơ sở để trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính dài hạn.

CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (KLF) sau soát xét, các khoản chi phí của KLF đều ghi nhân chênh lệch tăng so với trong báo cáo công ty tự lập trong đó đáng kể nhất là chi phí tài chính tăng 129% từ 10,6 tỷ đồng lên hơn 24 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm 96% từ 4,4 tỷ đồng lên 8,7 tỷ đồng nên kết quả LNST giảm từ 21,2 tỷ đồng xuống chỉ còn 5,5 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2020, kết quả này giảm tới 74% so với trước soát xét và giảm 68% so cùng kỳ năm 2019.

Sau soát xét, lãi ròng hợp nhất nửa đầu năm của Tập đoàn Thành Nam (TNI) giảm từ hơn 5 tỷ đồng xuống còn gần 976 triệu đồng, tỷ lệ giảm tương đương 81%. Nguyên nhân chính là do lãi gộp của Công ty giảm gần 5 tỷ đồng, tương đương giảm 15% trong khi chi phí tài chính tăng 16%, tương đương tăng gần 3 tỷ đồng sau soát xét.

Một doanh nghiệp khác cũng có lãi giảm đáng kể sau soát xét là CTCP Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (GAB), sau soát xét GAB lãi ròng chỉ hơn 550 triệu đồng giảm 61% so với con số mà GAB đưa ra tại báo cáo tự lập trước đó. So với trong báo cáo tự lập, doanh thu tài chính 6 tháng của GAB chênh lệch giảm 42%, đồng thời chi phí bán hàng tăng 17%.

Đối với BCTC bán niên 2020 sau soát xét của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà (SDU), do chi phí tài chính tăng thêm 76%, chi phí QLDN cũng tăng đáng kể mà sau soát xét lãi ròng của SDU chỉ còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng, giảm 39% so với con số 1,77 tỷ đồng sau soát xét.

Kiểm toán đưa thêm các vấn đề nhấn mạnh

Bên cạnh đó cũng đã bắt đầu xuất hiện các báo cáo bị đơn vị kiểm toán đưa thêm vấn đề nhấn mạnh. Đáng chú ý là trường hợp của CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (TNS) đã bị kiểm toán từ chối đưa ý kiến với BCTC bán niên. Đơn vị kiểm toán cho hay, tại ngày 30/06/2020 cho thấy nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 222.82 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Công ty là 203.03 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu 2.26 tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả đã quá hạn thanh toán là 268.2 tỷ đồng. Công ty chưa đạt được thỏa thuận mới đáng kể nào về việc giãn nợ. Do đó, Công ty sẽ chưa thể thu xếp được nguồn tài chính để thanh toán cho các khoản vay đến hạn trong điều kiện hoạt động như hiện tại. Các dấu hiệu trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Một doanh nghiệp thép khác là Cán thép Thái Trung (TTS), tại thời điểm 30/06/2020, nợ ngắn hạn của TTS ghi nhận vượt quá tài sản ngắn hạn gần 356 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 235 tỷ đồng tương ứng hơn 46% vốn góp của chủ sở hữu. Theo phía kiểm toán, sự kiện này cùng các vấn đề được nêu ở thuyết minh số 1 trong báo cáo cho thấy tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.

Trong báo cáo bán niên của CTCP Cấp nước Gia Định (GDW), kiểm toán nhấn mạnh đơn giá mua sỉ nước sạch từ Công ty mẹ - Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, áp dụng khi tính giá vốn trong nửa đầu năm nay chưa được Hội đồng quản trị thông qua. Do đó, kết quả kinh doanh có thể bị thay đổi khi đơn giá mua sỉ nước được phê duyệt chính thức khác giá tạm tính.

Đối với CTCP Đầu tư DNA (KSD), kiểm toán cho rằng khoản đầu tư vào CTCP Vật Liệu xây dựng Hải Phòng của doanh nghiệp với giá trị 8,3 tỷ đồng chưa có cơ sở xem xét trích lập dự phòng giảm giá do đơn vị này không phải là đối tượng phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ. Ảnh hưởng từ điều chỉnh này (nếu có) với KSD là đáng kể khi quy mô tài sản của Công ty chỉ hơn 105 tỷ đồng và đang kinh doanh thua lỗ trong nửa đầu năm nay.

Tại ngày 30/06/2020, khoản nợ ngắn hạn của CTCP Dệt - May Nha Trang (NTT) lớn hơn tài sản ngắn hạn gần 77 tỷ đồng. Theo ý kiến của kiểm toán, những điều kiện này cho thấy có sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể gây ra sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Ngoài ra, kiểm toán còn lưu ý đến khoản mục hàng tồn kho bị tổn thất do lũ lụt vào ngày 18/11/2018, được ước tính theo giá trị sổ sách hơn 2 tỷ đồng. Số hàng tồn kho này thuộc đối tượng được bảo hiểm theo các hợp đồng bảo hiểm do Công ty mua tại các Công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Đến thời điểm lập báo cáo, các Công ty bảo hiểm vẫn chưa xác định mức độ thiệt hại và giá trị bồi thường hàng tồn kho nêu trên.

Việt Dũng

Tin Cùng Chuyên Mục
Chứng khoán Kafi: Lợi nhuận 2024 năm tăng 60%, hoạt động môi giới chứng khoán bứt phá

Chứng khoán Kafi: Lợi nhuận 2024 năm tăng 60%, hoạt động môi giới chứng khoán bứt phá

Chứng khoán Kafi vừa công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024, đặc biệt ở mảng môi giới chứng khoán với tốc độ bứt phá mạnh mẽ. Thành tựu này khẳng định chiến lược phát triển vững chắc và đánh dấu bước tiến quan trọng của Kafi trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tin mới