Mỗi người đều có định nghĩa riêng về hai chữ "cống hiến". Song điểm chung của thế hệ trẻ là không để tuổi trẻ trôi qua vô nghĩa mà luôn lựa chọn cống hiến để hiện thực hóa khát vọng và nhận lại thanh xuân không phải nuối tiếc.
Hãy cùng lắng nghe câu chuyện của bốn nhân vật tiêu biểu của Viettel tại Diễn đàn Thanh niên tổ chức gần đây để hiểu hơn về điều này.
Cống hiến để đổi lấy sự trưởng thành
Chia sẻ quan điểm về cống hiến, bạn trẻ Trần Kim Oanh (Trưởng phòng Sản phẩm và Kinh doanh, Trung tâm Ví điện tử - Công ty Mytel) cho rằng cống hiến không phải hy sinh mà là điều kiện trong lựa chọn của mỗi người. Là một trong số ít nhân viên nữ dấn thân sang Myanmar làm thị trường khi mới 24 tuổi, cô nàng từng vấp phải sự phản đối của gia đình và bạn bè vì quan niệm "sao tuổi này rồi còn đi thị trường, phụ nữ thì nên ở nhà lấy chồng, sinh con và có công việc ổn định". Nhưng theo Oanh, dù là nam hay nữ thì mỗi người đều có khát vọng riêng, đều muốn chứng tỏ bản thân mình. Việc là phụ nữ không phải là rào cản để cô được khám phá thế giới, được thử thách bản thân.
Hai năm công tác tại Myanmar, Kim Oanh đã có thêm những người anh em thân thiết như ruột thịt, tích lũy các kỹ năng để thích ứng với môi trường khắc nghiệt. Đó là khi chính biến xảy ra, cô cùng đồng nghiệp ở chung với nhau để đảm bảo vấn đề an ninh, an toàn; là khi cả đội phải nỗ lực để tạo dựng lại lòng tin của người dân Myanmar với các sản phẩm của Mytel nói riêng và hình ảnh quân đội nói chung trước làn sóng tẩy chay bùng lên ở đất nước này.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Kim Oanh vừa thấy tự hào vừa thấy biết ơn. "Nếu Ban giám đốc không tạo điều kiện cho mình đi, nếu mình không quyết tâm đi thì mình đã không trưởng thành, không có những trải nghiệm đáng giá đến thế", cô nàng xúc động.
Có thể nói, lựa chọn cống hiến, lựa chọn dấn thân đã giúp Trần Kim Oanh sống một cuộc đời đáng sống, có một tuổi thanh xuân thật rực rỡ.
Cống hiến là không từ bỏ, dám đứng lên từ thất bại
Cống hiến cũng là tinh thần không từ bỏ, biết nhìn thẳng vào thất bại và đứng lên từ thất bại. Đó chính là câu chuyện của anh Trần Văn Thuyết - Trưởng phòng công nghệ Cloud, TCT công nghiệp công nghệ cao Viettel.
Làm việc tại Viettel từ khi mới ra trường, Trần Văn Thuyết từng là một trong những nhân sự trẻ được giao thực hiện một nhiệm vụ rất khó: phát triển hệ thống 2.0. Kết quả là cả nhóm hoàn thành xong hệ thống với 8 triệu thuê bao ở Việt Nam nhưng đi kèm với đó là không ít phàn nàn của người dùng. Và trong buổi gặp gỡ đầu năm giữa nhân viên với Lãnh đạo, Tổng Giám đốc của Viettel khi đó - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng (nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nói đùa: "Hay là giải tán hết đi".
Câu "chê" của Tổng giám đốc khiến anh Thuyết và đồng nghiệp suy nghĩ rất nhiều. Nhưng thay vì "lơ đi mà làm việc khác", cả nhóm đã nghiêm túc ngồi lại, cùng nhau phân tích kỹ càng để tìm ra những lỗ hổng, những sai sót, từ đó thay đổi cách làm, tư duy và công nghệ. Trái ngọt đến với họ khi sản phẩm mới đã được ủng hộ và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ khách hàng.
Cống hiến là khát khao vươn tầm thế giới
Nhắc đến một gương mặt nổi bật khác của Viettel, cầu thủ Nguyễn Hoàng Đức của CLB bóng đá Viettel ắt hẳn không còn xa lạ với nhiều người.
Lớn lên trong một môi trường bóng đá chuyên nghiệp lại có tính kỷ luật cao, Hoàng Đức không chỉ được đào tạo bài bản về chuyên môn mà còn được đào tạo về văn hóa, trang bị kiến thức nền tảng và những kỹ năng cần thiết, giúp Đức trưởng thành và tự tin hơn cả trên sân bóng lẫn ứng xử ngoài xã hội. Dưới sự dẫn dắt của Viettel FC, Hoàng Đức từng bước đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp: Danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất Vòng chung kết U19 quốc gia năm 2016, Vô địch giải bóng đá quốc gia V-League, "Quả bóng vàng Việt Nam 2021"...
Về sự lựa chọn theo con đường bóng đá năm nào, Hoàng Đức chia sẻ đó là bước ngoặt "đúng đắn nhất cuộc đời", "nếu được lựa chọn lại vẫn luôn chọn như vậy". "Khát khao lớn nhất của em hồi nhỏ là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Giờ đây em mong muốn cống hiến cho bóng đá Viettel và bóng đá nước nhà, để một ngày nào đó bóng đá Việt Nam sánh ngang bóng đá châu lục, được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn", Hoàng Đức khẳng định.
Có thể thấy, dù thuộc thế hệ nào, ở thời kỳ nào, mỗi cá nhân mang trong mình "ADN" Viettel vẫn luôn cống hiến và lăn xả hết mình. Trong mọi hoàn cảnh, nhất là trước những thử thách, họ luôn chọn hy sinh, gác lại những lợi ích riêng nhỏ bé để cùng chung sức, đồng lòng hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam tiến ra thế giới.