(Tổ Quốc) - 2 công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega tiếp tục bị cơ quan thuế tính tiền chậm nộp theo quy định là 0,03% và cho đến nay, số tiền này đã lên đến hơn 150 tỷ đồng.
Những vụ "quay xe" của đấu giá đất
Nhìn lại việc đấu giá đất Thủ Thiêm thời gian qua, khiến nhiều người giật mình. Đây là vụ đấu giá đất gây tranh cãi nhiều nhất trên thị trường BĐS. Và, trước đó cũng không ít lần doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc.
Theo thông tin mới nhất từ cục Thuế Tp.HCM, 2 công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega tiếp tục bị cơ quan thuế tính tiền chậm nộp theo quy định là 0,03% và cho đến nay, số tiền này đã lên đến hơn 150 tỷ đồng. Tính đến ngày 17/5, tức sau 10 ngày kể từ khi Chi cục Thuế TP Thủ Đức ra quyết định cưỡng chế thuế với 2 công ty này, cơ quan Thuế vẫn chưa thu được tiền. Nguyên nhân do tài khoản ngân hàng của cả 2 doanh nghiệp này đều không có tiền.
Trước đó, vụ "quay xe" đấu giá đất Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã gây rúng động thị trường BĐS. Nhiều người dự đoán việc này có thể khiến các doanh nghiệp khác trúng đấu giá bỏ cọc theo. Và hiện nay 2 doanh nghiệp là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega gần như không có động thái nào của việc đóng tiền trúng giá.
Theo các chuyên gia, việc hai doanh nghiệp còn lại không nộp tiền đúng thời hạn đã cho thấy những điểm chưa hoàn thiện của quy trình đấu giá đất. Có thể thấy, những sai phạm được chỉ ra trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm chỉ là dẫn chứng mới nhất, nổi nhất và dễ thấy trong hoạt động đấu giá đất nói chung hiện nay. Trước, trong và kể cả sau Thủ Thiêm, nhiều nơi vẫn xảy ra các vụ đấu giá đất với nhiều dấu hiệu bất thường.
Hơn 1 năm trở lại đây, thị trường chứng kiến sự bùng nổ của các phiên đấu giá đất tại các địa phương. Nhiều lô đất có mức giá đấu cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, thu về cho ngân sách số tiền không nhỏ. Nhưng ngược lại cũng có nhiều lô đất bán thấp hơn giá quy định, sau đó lại được chuyển nhượng lòng vòng gây thất thoát.
Cùng với đó, nhiều địa phương đưa ra giá khởi điểm của tài sản đấu giá không sát với giá thị trường, đặc biệt là giá đất, dẫn đến tình trạng có những người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để đầu cơ, trục lợi hoặc có địa phương, khi chuẩn bị đấu giá đất thì chỉ ra thông tin cho doanh nghiệp "sân sau" chuẩn bị các điều kiện tham gia đấu giá.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà từng chỉ ra, tại một số địa phương có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi. Một số nơi có hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để dìm giá...
Gây nhiễu thị trường, cần chế tài mạnh
Có thể nói, việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất ở nhiều địa phương còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS.
Trước tình hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi Công văn tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về một số giải pháp tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, hoạt động đấu giá đất đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một số tồn tại, bất cập đã làm hạn chế hiệu quả của chính sách này.
Hiện quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất của Việt Nam còn bất cập, hạn chế. Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản còn chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo tính linh hoạt để xử lý các tình huống phát sinh trong đấu giá loại tài sản đặc biệt như đấu giá quyền sử dụng đất.
Cụ thể là quy định về mức tiền đặt cọc chưa phù hợp, chưa có quy định về thời gian, trách nhiệm của người có tài sản trong việc thẩm tra hồ sơ, điều kiện và năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có quy định mang tính nguyên tắc về việc áp dụng đấu giá bằng hình thức trực tuyến đối với các tài sản công có giá trị cao như thông lệ đấu giá tài sản công của các nước trên thế giới...
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, cần xây dựng cơ chế, quy chế giám sát đấu giá chung và tổ chức giám sát việc đấu giá có hiệu quả (việc thực hiện thủ tục, quy trình; lựa chọn tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá; quá trình tổ chức đấu giá...). Đặc biệt chú trọng xây dựng, thực thi, thanh kiểm tra thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho các đấu giá viên, các tổ chức đấu giá và định giá khởi điểm.
GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, cần sự công khai, minh bạch trong đấu giá, đấu thầu. Không có nước nào trên thế giới không coi đất đai là tài nguyên quan trọng nhất. Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch nhằm lựa chọn nhà thầu đủ tiềm lực tài chính và năng lực.
"Thực tế cho thấy, nếu người đứng đầu các cơ quan quan tâm chỉ đạo sát sao và công tâm, khách quan, không tạo cơ chế cho các nhà thầu "ruột" thì hiện tượng thông thầu, dàn xếp sẽ bị đẩy lùi, tạo ra một môi trường đấu giá công bằng và minh bạch", GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, hiện có khá nhiều bất cập trong vấn đề đấu giá đất. Chẳng hạn như phương thức định giá còn bất cập, rất khó đưa ra mức giá khởi điểm hợp lý. Ngoài ra, quy trình đấu giá, nộp tiền, quyết toán sau khi trúng thầu cũng là vấn đề cần rà soát.
Theo đó, nên sửa đổi luật và quy định liên quan như Luật Đất đai (Điều 108,119,120). Cần rà soát lại Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu những vấn đề liên quan đến điều kiện nhà đầu tư. Hết sức quan tâm đến vấn đề công khai minh bạch. "Cũng phải sửa lại quy trình, quy định về phương thức định giá, cơ sở để đưa ra mức định giá", TS Lực cho hay.
Nhiều chuyên gia trong ngành cũng đánh giá, việc lựa chọn nhà đầu tư đấu giá cũng hết sức quan trọng. Ngoài khả năng về tài chính, để thực hiện dự án, nhà đầu tư còn phải đảm bảo các điều kiện về ngành nghề, kinh nghiệm... Việc đấu giá chỉ xem xét đến việc bỏ giá để lựa chọn ra người trúng đấu giá có thể dẫn tới việc sau khi lựa chọn được người trúng đấu giá, người này lại thiếu kinh nghiệm, không có khả năng thực hiện được dự án, bỏ dở dự án.
"Để có thể lựa chọn được người trúng đấu giá - nhà đầu tư phù hợp để thực hiện dự án một cách hiệu quả, tối ưu thì cần có cơ chế để lựa chọn nhà đầu tư, tương tự như thủ tục đấu thầu (xem xét đề xuất về tài chính, kỹ thuật để sàng lọc, lựa chọn ra 1 danh sách các nhà đầu tư tiềm năng, có khả năng thực hiện tốt dự án) rồi mới chính thức tham gia vào đấu giá để tiến hành bỏ giá. Cơ chế này không những mang lại lợi ích cho Nhà nước (vì đã lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, có năng lực để thực hiện dự án, đã bỏ giá cao để được giao đất, cho thuê đất và đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước) mà còn giúp phát triển kinh tế- xã hội nói chung, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, khai thác hiệu quả đất đai", một Luật sư cho hay.
Bảo Anh