(Tổ Quốc) - Chính phủ nới lỏng chính sách nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế từ tháng 3/2022 đã tác động tích cực lên lượng khách đến các trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm. Theo đó, giá thuê sàn tại các trung tâm thương mại có xu hướng tăng nhẹ.
Theo báo cáo về thị trường bán lẻ quý I/2022 do JLL công bố mới đây cho biết, tại TP. HCM chủ đầu tư còn khá thận trọng sau tác động của đại dịch, thị trường không ghi nhận nguồn cung mới với phần lớn các trung tâm thương mại (TTTM) tiếp tục hoãn kế hoạch mở cửa. Hầu hết các Chủ đầu tư đều mong đợi việc chính phủ nới lỏng chính sách nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế từ tháng 3/2022 sẽ tác động tích cực lên lượng khách đến TTTM ở khu vực trung tâm, tạo tiền đề cho việc đưa các TTTM mới đi vào hoạt động.
Tỷ lệ lấp đầy dần hồi phục tại các TTTM Trong điểm với hơn 14.000 m2 sàn được hấp thụ trong quý I/2022 do nhu cầu phát triển mở rộng của các khách thuê lớn và các chuỗi bán lẻ. Ngoài ra, sư xuất hiện của các khách thuê lớn ở các TTTM có chất lượng cao cũng góp phần thu hút nhu cầu tìm kiếm mặt bằng từ các nhà bán lẻ khác vào dự án.
UNIQLO tiếp tục triển khai hoạt động mở rộng bằng việc khai trương mới hai cửa hàng tại Aeon Mall Bình Tân và Saigon Centre. Các nhà bán lẻ nội địa thực hiện việc mở rộng không chỉ ở các TTTM mà còn ở các cửa hàng truyền thống. Những thương hiệu đóng góp nổi bật cho các giao dịch trong quý có thể kể đến như: Chuk Chuk, Con Cưng, và chuỗi siêu thị Nova Market.
Giá thuê thực tế tại các TTTM Trọng điểm tăng 1,3% so với quý trước, đạt mức 41,5 USD/m2/tháng, hồi phục về mức giá cho thuê của thị trường trước đại dịch. Mặc dù các chủ nhà đã dỡ bỏ chính sách hỗ trợ khách thuê nhưng vẫn sẵn sàng thương lượng để đưa ra các chính sách hỗ trợ tùy từng trường hợp cụ thể.
JLL nhận định, giá thuê tăng theo đà phục hồi kinh tế, với bối cảnh tình hình dịch đã được kiểm soát và triển vọng lạc quan trong thời gian sắp tới, các TTTM phải dời lịch khánh thành do ảnh hưởng của lệnh giãn cách xã hội có khả năng cao sẽ được khai trương trong năm 2022, cung cấp cho thị trường nguồn cung mới lên đến hơn 100.000 m2 sàn cho thuê.
Nguồn cung mới ở các vị trí tốt và có chiến lược cho thuê hợp lý sẽ giúp tăng giá thuê trung bình trên cơ sở kinh tế hồi phục sau đại dịch. Bên cạnh đó, giá thuê ở các TTTM hiện hữu dự báo sẽ tăng nhẹ, đi cùng với nhu cầu mở rộng mặt bằng của các chuỗi bán lẻ mới nổi. Ngành hàng ăn uống, của hàng tiện lợi và nhà thuốc dự báo sẽ dẫn dắt nhu cầu trong 9 tháng còn lại của năm 2022.
Tại Hà Nội, do số ca Covid tại Hà Nội tăng đạt đỉnh vào tháng 3, các dự án dự kiến đi vào hoạt động trong quý phải dời lịch đến cuối năm để đạt tỷ lệ lấp đầy mong muốn trước khi mở cửa. Do đó, tổng nguồn cung của thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn ổn định ở mức 1,09 triệu m2 NLA, chủ yếu ở các khu vực Ngoài trung tâm. Một số trung tâm thương mại đã tận dụng dịp thấp điểm này để cải tạo lại mặt bằng như Indochina Plaza Hanoi ở quận Cầu Giấy. Tính đến cuối quý tổng diện tích trống của TTTM tại Hà Nội là hơn 50.000 m2 sàn, trong đó hầu hết các diện tích trống có diện tích từ 350-500 m2.
TTTM tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt khi tình hình tại Hà Nội trở nên phức tạp hơn trong quý I/2022 với tổng hấp thụ ròng âm ở mức -6.407 m2 trên toàn thành phố. Ngoài một giao dịch đáng chú ý với diện tích 1.000 m2 tại AEON Mall Hà Đông, mức hấp thụ ròng âm vẫn tiếp tục bao trùm bức tranh thị trường khi các nhà bán lẻ nhỏ trong nước phải đóng cửa các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Một số khách thuê cung cấp các dịch vụ như khu trò chơi, sân chơi cho trẻ em cũng phải tạm thời đóng cửa do khách hàng đang hạn chế các hoạt động tập trung đông người.
Nhìn chung, giá thuê thuần ở các TTTM Trọng điểm ở khu vực Trung tâm và Ngoài Trung tâm đạt 63,6 USD/m2/tháng và 28,7 USD/m2/tháng trong quý I/2022, lần lượt tăng 1,3% và 0,3% so với quý trước. Giá thuê thực tế ở các TTTM Trọng điểm trên toàn thị trường tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái do chủ nhà đã áp dụng chính sách tăng giá tự nhiên theo năm từ quý I/2022 vốn bị ngưng lại trong suốt năm 2021 do đại dịch. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng giá theo lạm phát này chủ yếu diễn ra ở một số TTTM vốn có tỷ lệ lấp đầy tốt và ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Đối với các TTTM còn lại, chủ nhà vẫn linh hoạt trong việc xem xét giá thuê tốt cho khách thuê dựa trên sản phẩm, diện tích thuê và thời hạn thuê.
Các dự án tích hợp và tối ưu trải nghiệm khách hàng được mong chờ, Vincom Smart City với 40.800 m2 diện tích bán lẻ sẽ là điểm nhấn của nguồn cung mới vào năm 2022. Về tình hình hoạt động của thị trường, tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại hiện hữu dự kiến sẽ tăng do sức mua của khách hàng sẽ cải thiện khi dịch được kiểm soát. Tuy nhiên, với sự phát triển của mua sắm trực tuyến trong hai năm qua, khách thuê, đặc biệt là các thương hiệu bán lẻ nước ngoài sẽ phát triển một số mô hình cửa hàng mới để cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt hơn, chẳng hạn như mua hàng trực tuyến và lấy hàng tại các điểm cửa hàng, hoặc cửa hàng bán lẻ tương tác. Điều này sẽ sẽ đòi hỏi các chủ nhà cần có sự thay đổi và phát triển trong việc thiết kế cũng như vận hành các dự án mới để phù hơp với xu hướng mới.
Tuấn Minh