Vừa qua, NS BlueScope Việt Nam trở thành doanh nghiệp đầu tiên của ngành thép Việt được chứng nhận ResponsibleSteel, đồng thời cũng là Công ty đầu tiên tại Đông Nam Á và thứ ba trên toàn cầu của Tập đoàn nhận được chứng nhận này. Điều gì đã giúp doanh nghiệp này chinh phục được một chứng nhận khắt khe đến vậy.
ResponsibleSteel – Sân chơi "toàn cầu" cho ngành thép
Trong các ngành sản xuất, ngành thép là một ngành dựa rất nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và tác động lớn đến môi trường, từ quá trình sản xuất, gia công cho đến công đoạn hoàn thiện thành phẩm. Và đây cũng là một trong những ngành được đánh giá là "khó" để tuân thủ theo các tiêu chuẩn về sản xuất có trách nhiệm.
Trong bối cảnh đó, tổ chức ResponsibleSteel với thành viên hội đồng đánh giá gồm các chuyên gia về thép, xã hội và môi trường đã đưa ra một bộ tiêu chí hiệu quả trong việc đánh giá mức độ tuân thủ của nhà sản xuất theo các tiêu chí về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị). Đây là một tiêu chuẩn được thiết kế để hỗ trợ ngành thép tiến tới phát thải ròng bằng không trên phạm vi toàn cầu. Để được cấp chứng nhận này, doanh nghiệp cần phải đáp ứng đầy đủ hơn 370 tiêu chí cụ thể với bộ đánh giá rất khắt khe, trải đều cho cả ba lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị như biến đổi khí hậu, khí thải, quản lý nước, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn và quyền cho người lao động, quan hệ với cộng đồng địa phương, hệ thống quản trị ESG…
"ResponsibleSteel khác biệt bởi đây là một ngôn ngữ chung mang tính toàn cầu cho toàn chuỗi cung ứng của ngành thép, là những gì thực hành tốt nhất và doanh nghiệp chỉ cần "chuyển thể" ngôn ngữ này vào hoạt động của mình. ResponsibleSteel không chỉ là một bộ tiêu chí mà còn là một lộ trình, giúp doanh nghiệp có được những chỉ dẫn rõ ràng để sản xuất thép có trách nhiệm," bà Annie Heaton, CEO của Responsible Steel chia sẻ thêm về chứng nhận này.
ResponsibleSteel là một ngôn ngữ toàn cầu để doanh nghiệp chuyển thể vào hoạt động của mình.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2019 đến nay, đã có rất nhiều tên tuổi lớn trong ngành thép ứng dụng bộ tiêu chuẩn này vào làm "kim chỉ nam" cho hoạt động sản xuất bền vững của mình. "ResponsibleSteel đang là tiếng nói chung của hơn 150 doanh nghiệp thành viên. Đã có 79 nhà máy được chúng tôi chứng nhận, ước tính chiếm 6,5% sản lượng của toàn ngành thép trên thế giới với một lực lượng 225.000 người lao động đang thực hành sản xuất thép có trách nhiệm," bà Annie cho biết thêm.
Doanh nghiệp sản xuất thép có trách nhiệm đầu tiên
NS BlueScope Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành thép Việt Nam được cấp chứng nhận ResponsibleSteel. "Có thể nói với NS BlueScope Việt Nam, chúng tôi có một thuận lợi là Công ty đã chuẩn bị kỹ càng cho việc phát triển bền vững ngay cả trước khi quyết định tham gia chứng nhận này. Sản xuất có trách nhiệm được chúng tôi tích hợp trong hoạt động của Công ty như một yếu tố tất yếu trong hành trình dài hơi tiến tới phát triển bền vững, với sự nỗ lực của tất cả nhân viên Công ty," ông Trương Anh Hải – Phó tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam chia sẻ về động lực khiến Công ty đến với ResponsibleSteel.
Hiện nay, Tập đoàn BlueScope có hai nhà máy tại Úc đạt được chứng nhận ResponsibleSteel và nhà máy NS BlueScope Việt Nam tại Phú Mỹ là nhà máy thứ ba trên toàn cầu của Tập đoàn được nhận chứng nhận uy tín này.
"Chúng tôi có lộ trình giảm phát thải carbon từ rất sớm, theo con đường chung là ESG. Mục tiêu chúng tôi đặt ra là năm 2030 sẽ giảm 30% phát thải carbon trên một đơn vị sản phẩm", ông Hải tiết lộ về mục tiêu "lớn" của Công ty.
"ResponsibleSteel là một bộ tiêu chí đầy thách thức với bất kỳ một doanh nghiệp ngành thép nào. Trong đó, tôi đánh giá có những tiêu chí cần sự nỗ lực rất lớn để đáp ứng, ví dụ như các tiêu chí về phát thải CO2, đầu tư vào bảo tồn nguồn tài nguyên, xử lý nước thải, các tiêu chí về đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động, kể cả các tiêu chí về nhân quyền, đạo đức kinh doanh cũng như cách doanh nghiệp tương tác với cộng đồng địa phương," ông Hải chia sẻ thêm về những thách thức khi xin cấp chứng nhận này.
Trên thực tế, quá trình đánh giá của ResponsibleSteel có thể mất từ một đến hai năm, trong đó bao gồm cả việc xác minh thực địa tại cơ sở sản xuất do tổ chức đánh giá độc lập (BSI) tiến hành. "Nhà máy của Tập đoàn tại Úc, do vị trí đặc thù cạnh bờ biển nên cần tới hai năm để xin được cấp chứng nhận này, để chứng minh đáp ứng các tiêu chí về đa dạng sinh học. Với NS BlueScope Việt Nam, thì thời gian đánh giá thực địa này ngắn hơn," ông Hải cho biết.
"Việc xác minh thực địa không chỉ đơn thuần là đánh dấu chọn đạt hay không, mà yêu cầu khắt khe và phức tạp hơn nhiều. Chúng tôi chúc mừng NS BlueScope Việt Nam khi chỉ có 2-3 điểm còn thiếu. Đây là một con số đáng tự hào và cũng là lộ trình để chúng ta hướng đến trong kỳ xác minh thực địa tiếp theo," bà Annie nhận định.
Hạt nhân lan tỏa cho toàn chuỗi cung ứng
Có câu châm ngôn, đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Cũng có câu nói trên đời này đường không có sẵn, người ta đi mãi thì thành đường thôi. ResponsibleSteel là một con đường không hề bằng phẳng, và nếu không có sự cam kết, ủng hộ từ người đứng đầu doanh nghiệp, rất khó để vượt qua mọi chông gai trên hành trình đó. "Đây cũng là tâm thế của chúng tôi khi quyết định chọn ResponsibleSteel làm "kim chỉ nam" cho hoạt động sản xuất bền vững của mình," ông Hải khẳng định.
"Chúng tôi mong muốn trở thành nguồn cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành thép bởi lẽ tác động sẽ rất nhỏ bé nếu chỉ mình NS BlueScope Việt Nam thực hành sản xuất thép có trách nhiệm. Chúng tôi mong muốn chứng minh cho cộng đồng doanh nghiệp thấy chúng ta có thể làm được việc sản xuất thép bền vững, dù cho việc đó vô cùng khó khăn. Nếu chúng ta đủ quyết tâm, chúng ta không chỉ làm được, mà còn làm tốt và thậm chí là làm theo đúng tiêu chuẩn cao của toàn cầu. Chúng tôi mong rằng kinh nghiệm triển khai thành công của mình sẽ là nguồn động lực để các doanh nghiệp ngành thép tiếp bước trong hành trình tiến tới phát triển bền vững," ông Hải nhấn mạnh thêm.
Chúng tôi mong rằng kinh nghiệm triển khai của mình sẽ là động lực để doanh nghiệp ngành thép tiếp bước trong hành trình tiến tới phát triển bền vững.
Đây cũng là những điều CEO Responsible Steel mong muốn NS BlueScope Việt Nam sẽ thực hiện khi nhận được chứng nhận này, để xây dựng một chuỗi cung ứng thép bền vững.