(Tổ Quốc) - Theo Nhà giáo dục - Nghệ sĩ quốc tế Thanh Bùi cho rằng, giáo dục sáng tạo sẽ giúp trẻ nhìn nhận vấn đề như những thử thách và có thể phát triển bản thân trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
- Vừa là một người nghệ sĩ, vừa là một doanh nhân, theo anh nền kinh tế sáng tạo sẽ đòi hỏi một đứa trẻ có những tố chất gì?
Theo Thanh, nền kinh tế mới sẽ đòi hỏi một đứa trẻ cần có những tố chất quan trọng cụ thể như sau:
Adaptability (Sự thích ứng): Điều này có thể được thấy rõ qua đại dịch Covid suốt thời gian qua. Như chúng ta đã biết, thế giới đang thay đổi nhanh chóng với các vấn đề như globalisation – toàn cầu hoá, climate change – thay đổi khí hậu, technological advancement – sự phát triển của công nghệ nên các con rất cần phải có sự thích ứng. Các con cần phải theo kịp được với sự thay đổi đang diễn ra rất nhanh, cần phải theo kịp được với thị trường, nền kinh tế….
Ability to problem solve (Khả năng giải quyết vấn đề): thế giới thay đổi sẽ kèm theo nhiều vấn đề: nhỏ, vừa và lớn. Các con cần phải được chuẩn bị tâm lí, kĩ năng - skill sets, multidisciplinary - cách nhìn nhiều khía cạnh của cốt lõi vấn đề để tìm được giải pháp. Tư duy sáng tạo trở nên vô cùng quan trọng vì sẽ giúp con kết nối được tất cả những gì cần kết nối theo một cách rất khác biệt để tạo ra những giải pháp mới cho những vấn đề mà chưa ai biết sẽ xảy ra.
Khi chúng ta đặt sáng tạo là trọng tâm của nền tảng giáo dục, Thanh tin các con sẽ vượt qua được vì các con sẽ nhìn vấn đề như thử thách để phát triển bản thân để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
- Anh đã xây dựng hệ sinh thái giáo dục của mình như thế nào để giúp khơi gợi những tố chất đó trong mỗi đứa trẻ?
Embassy Education là 1 hệ sinh thái giáo dục bắt đầu từ lứa tuổi nhỏ nhất đến 18 tuổi. "Symphony of The Mind" (SOTM) – Bản hoà ca của trí tuệ là cốt lõi mà Thanh tạo ra trong hệ sinh thái này.
Khoa học đã chứng minh lứa tuổi từ 0-6 tuổi là khoảng thời gian mà 90% trí não của bé được hình thành. Thanh tập trung vào việc để các bé được kích hoạt cả 2 bán cầu não trái và phải để các con được tiếp cận với tất cả những gì có thể, từ đó dần dần có thể để hiểu được mình là ai, thế mạnh của mình là gì, mình thích và đam mê điều gì.
Việc này bắt đầu với giáo dục Mầm Non. Thanh may mắn mang được hướng tiếp cận giáo dục Reggio Emilia về Việt Nam và thành lập Trường Mầm Non Thế Giới Mặt Trời - Little Em’s. Đây là trường Việt Nam đầu tiên được công nhận là trường đi cùng với REGGIO CHILDREN.
Thanh mong muốn mang về hướng tiếp cận REGGIO EMILIIA với cốt lõi là giảng dạy con qua cách nhìn của con, qua đôi mắt con – "through the eyes of the child". Trong Reggio Emilia, nói và viết chỉ là 2 ngôn ngữ cơ bản trong hàng trăm ngôn ngữ khác như hát, vẽ, nhảy, múa, toán, khoa học… Các con sẽ được tiếp cận với tất cả các ngôn ngữ để phát triển bản thân một cách toàn vẹn nhất.
Từ giáo dục mầm non, Thanh sẽ phát triển lên các trường liên cấp để mang đến một hệ thống giáo dục toàn diện nhất. Ngoài ra, trong hệ thống sinh thái còn có âm nhạc – thông qua trường âm nhạc và nghệ thuật SOUL, thể dục – thể thao, mỹ thuật, Yoga, acting… từ đó hình thành nên hệ thống sinh thái với 17 tổ chức dưới Embassy Education để giúp phát triển được cả 2 bán cầu não của các con và đào tạo nên các đại sứ cho tương lai của Việt Nam. Điều quan trọng hơn nữa là Thanh nhìn tất cả các môn học đều giống nhau để khuyến khích các con có thêm nhiều "ngôn ngữ" khác để thể hiện được bản thân mình.
- Nên hiểu như thế nào về định nghĩa giáo dục sáng tạo thưa anh?
Giáo dục sáng tạo (GDST) là tạo ra 1 môi trường mở để các con có thể đặt bất kì câu hỏi nào mà không bị chê trách, không bị "phạt". GDST chưa được nhìn nhận đúng khi nói là "Một người thầy không làm gì cả, không cho trẻ câu trả lời sẵn có nào cả, mà chỉ để cho trẻ tự khám phá" – Theo Thanh đó không phải là GDST. GDST phải dựa trên nền tảng kiến thức.
Ví dụ: Muốn trở thành Beethoven thì phải biết nốt nhạc, muốn trở thành thầy Ngô Bảo Châu thì phải biết số, muốn trở thành Elon Musk thì phải hiểu về khoa học… Đó là những kiến thức bước đầu. Từ đó các con sắp xếp như thế nào, suy nghĩ, kết nối các điểm lại với nhau thì đó mới là sự sáng tạo.
GDST là dựa trên những điều mình đã học để nghĩ ra những điều chưa ai nghĩ trước đây. Các con phải được khuyến khích đặt câu hỏi để hiểu được bản chất của sự việc, được khuyến khích không sợ thất bại, nếu thất bại sẽ tiếp tục đứng dậy như cách chúng ta hay chia sẽ: Failing Forward - thất bại để tiến về phía trước.
Thanh đã may mắn từng được ngồi cùng Richard Brandson, một con người cực kì sáng tạo mà Thanh rất ngưỡng mộ. Ông đã chia sẻ rằng rất khó để mọi người có thể hiểu về GDST nên cần làm cho nó đơn giản như ABCD – Aways Be Connecting Dots – kết nối các điểm lại với nhau, rồi những điểm mà mình kết nối sẽ tạo nên những bức tranh khác, ideas khác, ý tưởng khác. Đó chính là GDST.
- Nền tảng xuất phát của bốn bạn trẻ tiêu biểu trong Hội nghị thường niên về tương lai giáo dục như Tri Giao, Hoàng Anh, Minh Quân, hay Vĩ Phan có điều gì đặc biệt không thưa anh?
4 bạn trẻ này rất đặc biệt nhưng điều đặc biệt nhất là 4 gia đình, 4 môi trường đều giống nhau. Ba mẹ, gia đình, các thầy cô đều đi cùng với nhau tạo nên môi trường rất cởi mở, và các em được khuyến khích, cổ vũ để trở thành phiên bản tốt nhất, thật nhất của mình. 4 bạn đều không sợ đặt câu hỏi, đều được khuyến khích học các môn học mình yêu thích, được khuyến khích để theo đuổi các môn âm nhạc nghệ thuật.
Thanh rất ngưỡng mộ phụ huynh của các em này, họ không coi các môn phụ này là "môn phụ", họ rất hiểu và tư duy được khi được đào tạo 1 cách hoàn thiện, các em sẽ có "Symphony of the Mind" để giỏi về cả nghệ thuật và văn hoá. Ở nước ngoài việc các bé giỏi cả văn hoá và nghệ thuật là điều rất bình thường nhưng ở Việt Nam điều này có thể chưa phổ biến.
Các em có thể chọn theo đuổi nghệ thuật nếu các em muốn nhưng các em đã không chọn. Các em sẽ không có nhiều cơ hội như bây giờ nếu không có nghệ thuật hoặc các môn học giúp khơi mở sự sáng tạo. Khi các em có được những ngôn ngữ khác để phát triển, chia sẻ, tìm hiểu bản thân thì trí tuệ, năng lực, chỉ số cảm xúc… của các em đều được phát triển.
Điều quan trọng mà Thanh muốn nhấn mạnh: nếu một đứa trẻ có khả năng nhưng không có điều kiện hoặc không được hỗ trợ từ bố mẹ, gia đình và môi trường thì đứa trẻ đó sẽ không phát triển được như 4 bạn này…
Vì vậy, điều quan trọng là cần thay đổi tư duy của xã hội. Chúng ta cần hiểu rằng sáng tạo không chỉ cần ở các môn nghệ thuật mà nằm ở tất cả các lĩnh vực trong xã hội. Những người thành công lớn trên thế giới mà chúng ta biết là những người rất sáng tạo vì họ làm được tất cả những gì chưa ai nghĩ đến trước đây như Bill Gates, Albert Einstein , Elon Musk….
- Cách thức mà 4 bạn trẻ như Tri Giao, Hoàng Anh, Minh Quân, Vĩ Phan được đào tạo khác gì với phương pháp dạy học thông thường thưa anh?
Ở Việt Nam, thông thường các con không có được cơ hội để khám phá hết bản thân mình, điều này phần lớn đến từ bố mẹ, gia đình và xã hội. Ngược lại, 4 bạn trẻ này được bố mẹ và gia đình tạo cơ hội để khám phá hết bản thân mình. Bố mẹ các bé không nhìn những môn phụ là môn phụ mà họ coi đó là cũng là những môn quan trọng giúp các con hoàn thiện bản thân.
Các con được khuyến khích để chia sẻ, bộc lộ suy nghĩ, ý tưởng của mình, tất nhiên sẽ có ý tưởng không phù hợp hay có thể phát triển thành hiện thực…nhưng các con được khuyến khích tiếp tục đào sâu suy nghĩ, học hỏi … để hiểu điều đó có áp dụng được vào thực tiễn chưa hay cần được bổ sung với các kiến thức nào để phát triển. Sự khác biệt ở đây chính là môi trường mà các con được đào tạo.
- Anh có thể chia sẻ quá trình chứng kiến về hành trình phát triển và đạt được thành tựu của 4 bạn trẻ (Vĩ Phan, Hoàng Anh, Minh Quân, Tri Giao) được không?
Bản thân Thanh rất may mắn khi có cơ hội được gặp các con từ tuổi nhỏ. Tri Giao là học trò đầu tiên của Thanh, Hoàng Anh là học trò đầu tiên nhận được học bổng của viện âm nhạc và nghệ thuật Soul. Minh Quân là đi chung xe bus ở Singapore khi tham dự cuộc thi Asia Arts Festival. Vĩ Phan là học trò của bên đối tác phía anh Tony Diệp và I-Vy đã phát hiện và bồi dưỡng con rất tuyệt vời
Trong hành trình phát triển các con biết mình muốn gì, khi muốn làm điều gì đó thì sẽ bỏ hết tâm huyết để làm. Để các con có thể trưởng thành như ngày hôm nay nó không nằm ở chỉ kiến thức, là lý thuyết âm nhạc mà Thanh giảng bài. Mà Thanh xem mỗi tiết học là một buổi chia sẻ, nói chuyện với các con về cuộc sống.
Thanh dùng âm nhạc nghệ thuật như một cách để thúc đẩy các con tự tin hơn, cởi mở hơn. Khi các con tự tin đứng trên sân khấu lớn với hàng trăm khán giản trình diễn một tác phẩm nghệ thuật, một sản phẩm của bản thân từ tuổi còn rất nhỏ, nó là một thành tựu của các con mà ngay cả người lớn cũng chưa chắc có thể thực hiện được.
Sự thành công không phải qua một buổi, một ngày, một tháng, một năm mà là rất nhiều năm, nó là một quá trình trải qua rất nhiều giai đoạn, sự trưởng thành từ những thành công rất nhỏ.
- Trong quá trình dạy dỗ các em, anh làm gì nếu các em có quan điểm trái chiều với mình?
Thanh quan điểm mình là một người thầy và mình cũng là một người học trò với các con. Thanh muốn đưa ra thử thách trên với các thầy cô có thể làm điều này được không. Đôi khi thầy cô dùng vị thế của mình để ép các con đi theo những suy nghĩ, quan điểm của bản thân. Nhưng với Thanh, chúng ta không phải là Thánh Nhân, nên sẽ có lúc đúng có lúc sai. Khi mình nhận một quan điểm trái chiều từ các con thì Thanh rất sẵn sàng để lắng nghe và trao đổi cùng các con "ủa, tại sao con nghĩ như vậy, thầy rất muốn biết suy nghĩ của con".
Nhiều lúc khi con nói mình chưa đủ sự thấu hiểu cho con và mình cũng cần nhìn nhận có những suy nghĩ không thể đồng điệu do sự khác biệt về thế hệ. Vì vậy Thanh luôn cởi mở để lắng nghe và chia sẻ với các con, quan trọng ở đây là mình có thể tôn trọng nhau đủ để có thể đồng ý với quan điểm của nhau. Tôn trọng sự khác biệt của mỗi người. Mình không nhìn nhận các con là trẻ nhỏ mà Thanh xem các con như người lớn, tôn trọng các con như một người trưởng thành và rồi các con cũng biết cách để cư xử đúng lại với thầy.
Trong tương lai mặc dù có nhiều thứ bất định và các kinh nghiệm của chúng ta hiện tại có thể không thể sử dụng. Mình chia sẻ với các con là một quan điểm, một kinh nghiệm và nó như một cách thức cho con có thể tham khảo để xử lý các tình huống con gặp phải. Khi các con được lắng nghe, được chia sẻ, được quan tâm và được định hướng tốt thì sẽ phát triển tốt hơn.
Mình không ở đây để bao bọc các con mà để khuyến khích các con khám phá, tìm hiểu những điều các con muốn biết và tự các con sẽ thích nghi với cuộc sống của các con, với bối cảnh cuộc sống ở thời đại của các con.
- Sáng tạo trong nghệ thuật và sáng tạo trong khoa học cái nào tốt hơn? Một đứa trẻ có khả năng có cả hai loại sáng tạo hay không?
Sáng tạo trong khoa học và sáng tạo trong nghệ thuật, Thanh không xem đây là điều khác biệt để nói cái nào tốt hơn mà hai điểm này là như nhau. Sự sáng tạo là một tư duy nó không phải là một phương pháp, nó nằm trong tất cả các lĩnh vực.
Khi chúng ta được khuyến khích sáng tạo thì nó được hiểu là cách chúng ta kết nối những điểm mà chưa ai kết nối, nghĩ đến những điều chưa ai nghĩ tới nhưng tất cả đều dựa trên một nền kiến thức nhất định để cho nó thực tế. Khi con học nghệ thuật giỏi và học các môn tự nhiên giỏi thì đó là điều bình thường trên thế giới vì nó hỗ trợ qua lại cho đứa trẻ. Quan trọng là chúng ta tạo điều kiện và khuyến khích cho các con sáng tạo trọng tất cả các bộ môn.
- Sáng tạo là "không biên giới", vậy làm sao để có thể đánh giá một cách chính xác về sự thay đổi hoặc ngưỡng phát triển của trẻ trong quá trình giáo dục?
Đánh giá trong giáo dục là một điều rất quan trọng nhưng cách thức để đánh giá đúng nó càng quan trọng hơn. Đánh giá sự sáng tạo thông qua một con số nó sẽ không chính xác và chưa phù hợp mà phải thông qua những dự án các con tham gia, những tác phẩm các con làm được. Thông qua những sản phẩm này chúng ta sẽ thấy được sự sáng tạo và phát triển của các con như thế nào. Thanh xin chia sẻ một ví dụ như sau:
Hệ thống Embassy Education liên cấp sẽ dạy cho con toán, tiếng anh, design thinking… sẽ thông qua "Project-Based Learning".
Chẳng hạn như đề tài "Nhựa là một vấn đề rất lớn ở Việt Nam và các con phải làm gì để giảm việc sử dụng nhựa ở Việt nam". Đây là một chủ đề rất là rộng và để tìm ra các giải pháp thì các con phải tìm hiểu nhiều khía cạnh.
Đầu tiên các con phải hiểu nhựa là gì? Chất nó là gì? (đây là về môn hóa học); Nhựa được sử dụng sản xuất các vật phẩm gì? trong những ngành công nghiệp gì (sản phẩm bao, túi, vỏ hộp nhựa trong ngành thực phẩm, bao bì, đóng gói nguyên liệu ...). Vì sao người ta sử dụng nhựa? (Vì chi phí nó thấp, nó dễ dàng sử dụng trong nhiều lĩnh vực, tâm lý con người khi sử dụng nó). Để làm 1 dự án này không chỉ áp dụng một môn mà rất nhiều môn.
Sự sáng tạo của con sẽ là không biên giới, và để có thể đánh giá đúng nhất thì không thể dựa vào điểm số mà chỉ có thể dựa trên "Portfolio" tổng hợp toàn bộ dự án mà con đã từng tham gia thực hiện, nó mới thể hiện được hết năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm mà con học được qua quá trình học tập, làm việc với thầy cô và bạn bè. Chúng ta có thể thấy được việc ứng dụng kiến thức của các con qua tình huống hàng ngày và xử lý những vấn đề các con gặp phải trong cuộc sống sau này.
- Một trường học một tổ chức giáo dục hay nhỏ hơn là một gia đình nếu muốn tiếp cận phương thức giáo dục sáng tạo thì cần thay đổi những gì thưa anh?
Sự sáng tạo bắt đầu từ tư duy của người lớn. Mình có đủ cởi mở trong phương pháp giảng dạy, mình có đang cho con kết nối đa chiều, tiếp cận nhiều cách thức để nhìn nhận vấn đề, nhiều khía cạnh của môn học hay không?
Giống như cách Thanh chia sẻ ở ví dụ trên thì giải pháp cho việc sử dụng nhựa ở Việt Nam; Nó liên quan đến rất nhiều ngành là tài chính, là kinh tế, là mô hình sản xuất …
Khi các con còn nhỏ đã được tiếp cận với cách nhìn tổng quan thì khi lớn lên các con có thể nhìn nhận mọi thứ đa chiều, một hướng nhìn 360 độ khi gặp hay xử lý một vấn đề trong cuộc sống.
Như vậy, muốn tiếp cận phương thức giáo dục sáng tạo thì cần tạo một môi trường cho các con sáng tạo và bản thân người lớn cần thay đổi mình trước. Thanh nghĩ đây là điều đơn giản nhất.
Xin cảm ơn chia sẻ của anh!
Hoàng Lan