(Tổ Quốc) - Sự thật cuộc sống luôn tàn nhẫn, chỉ khi đã qua trải nghiệm, con người ta mới có thể trưởng thành...
Khi tiếp xúc với bất cứ ai, chúng ta luôn mong muốn thể hiện sự chân thành, và nhận lại sự trân trọng. Nhưng thực tế sự thật đôi khi hơi phũ phàng. Không phải sự chân thành nào cũng có thể đánh đổi lấy tình cảm.
Trên đường đời, chúng ta sẽ gặp đủ mọi hạng người, và không phải ai trong số họ cũng xứng đáng với tình cảm sâu đậm mà chúng ta trao đi.
1. Không phải sự chân thành nào cũng có thể đổi lấy tình cảm
Nhạc Vân Bằng đã từng kể một câu chuyện về chính mình thế này: Khi còn đi học, anh ấy có một người bạn rất thân. Cho dù đã tốt nghiệp nhiều năm, anh vẫn luôn đối tốt với người bạn ấy. Mỗi khi bạn gặp chuyện gì, anh đều ra sức giúp đỡ, kể cả việc mượn tiền, anh cũng không ngần ngại.
Sau một thời gian dài, Nhạc Vân Bằng đột nhiên phát hiện ra vấn đề: Người bạn này luôn trả anh một khoản tiền nhỏ rồi lại vay thêm một khoản tiền lớn hơn, lần nào cũng vậy. Ví dụ, anh ta vay 30.000 NDT thì sẽ trả lại 8.000 NDT, rồi tiếp tục vay 50.000 NDT.
Nhiều người bạn khác cũng nói rằng người bạn này thường vay nhiều tiền nhưng mãi không trả đủ. Sau đó, tất cả mọi người phát hiện ra anh ta suốt ngày chẳng chịu làm ăn, thường xuyên vay tiền đi đánh bạc. Vào lúc đó, Nhạc Vân Bằng nhận ra người bạn kia chỉ muốn lợi dụng anh.
Hình minh họa (Ảnh: Everypixel)
Sau khi phát hiện ra điều này, chàng diễn viên đã trực tiếp đưa thêm cho người bạn 10.000 NDT, nói rằng đó là chi phí để mua lại sự chân thành của anh và cắt đứt hoàn toàn quan hệ.
Không phải lúc nào trao đi sự thật tâm cũng có thể đổi lấy chân thành. Thực tế là khi bạn cho đi điều gì hông nhất thiết bạn sẽ nhận lại được điều đó. Đối với một số người, dù bạn có tốt đến đâu, họ cũng chưa chắc đã trân trọng bạn.
Một bài viết nói về việc hết lòng trong quan hệ có đoạn như sau: "Nếu bạn thật lòng, người khác chưa chắc đã cảm nhận được; nếu bạn hết lòng, người khác cũng không nhất thiết phải hết lòng với bạn. Lòng chân thành không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt".
Đến một độ tuổi nhất định, chúng ta sẽ nhận ra những mối quan hệ không xứng đáng không cần duy trì một cách miễn cưỡng.
2. Hầu hết các tương tác xã hội đều chỉ là xã giao
Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng càng nhiều bạn bè thì càng tốt. Tuy nhiên bạn bè để lợi dụng thì cũng chỉ giống như những món đồ thừa. Họ có tồn tại, nhưng không có ích. Những mối quan hệ như vậy sẽ chỉ chiếm thời gian, không gian của bạn một cách vô ích.
Một cư dân mạng trên Weibo chia sẻ về trải nghiệm của mình. Anh ấy cho rằng khi không đi làm thì sẽ tìm bạn đi chơi. Theo thời gian, anh ngày càng quen biết nhiều người, mỗi khi muốn ra ngoài chơi, anh đều có người để đi cùng. Lúc đó, anh tự hào vì có nhiều bạn bè bạn bè và mọi người đều là những người anh em tốt.
Cho đến một lần, khi gia đình anh gặp chuyện và anh cần giúp đỡ, những người hay đi chơi với anh bỗng trốn biệt tăm. Sau đó anh mới nhận ra rằng những lần cạn ly trước đây chỉ là mối quan hệ xã giao, chỉ tốn thời gian và công sức.
Những người tầm thường lấp đầy sự trống trải bằng những mối quan hệ tầm thường xung quanh, những người xuất sắc lại âm thầm xây dựng những mối quan hệ chất lượng. Thực tế là người có trình độ yếu kém thì lại càng dễ sa vào những mối quan hệ vô bổ.
Còn những người thực sự thông minh và trưởng thành biết cách sử dụng thời gian quý giá họ để làm những việc thực sự hữu ích. Bởi vì họ hiểu rằng những quan hệ vô bổ sẽ chỉ làm lãng phí thời gian và tiêu hao năng lượng của chính bản thân mình.
Hình minh họa (Ảnh: Freepik)
3. Khi bạn có ích, những mối quan hệ sẽ tự tìm đến
Bản chất của quan hệ xã hội là “có đi có lại”, khi bạn chưa đủ giỏi thì quen người giỏi giang cũng vô ích. Trong chương trình "Listen to Sisters", nữ diễn viên Giả Tịnh Văn đã nói về trải nghiệm đáng xấu hổ của mình.
Có lần, cô quyết tâm làm quen với một số tên tuổi lớn trong ngành. Trong một lần, cô được mời ăn tối với một đạo diễn nổi tiếng do bạn cô giới thiệu. Trong bữa ăn, cô đã chủ độ làm quen và đưa ông danh thiếp của mình. Mặc dù đạo diễn không biết cô ấy, nhưng may mắn, cô đã kết bạn được với tài khoản WeChat của vị đạo diễn này.
Lúc đó, dù vui mừng nhưng cô cho rằng việc thêm WeChat chỉ là bước đầu tiên của mối quan hệ. Sau đó, để tiến xa hơn, mỗi khi đến Tết Nguyên đán, cô lại gửi lời chúc mừng năm mới đến đạo diễn. Đến năm thứ ba, cô phát hiện mình đã bị chặn tin nhắn.
“Chúng tôi luôn nghĩ rằng chỉ cần quen biết với tên tuổi lớn trong ngành, con đường sự nghiệp sẽ rộng mở hơn. Nhưng giờ tôi mới nhận ra rằng khi sức mình có hạn và tầm ảnh hưởng của bản thân chưa đủ lớn thì việc kết thân với những người giỏi thực sự chẳng có ý nghĩa gì”.
Khi sức mạnh và giá trị của bạn đủ lớn, bạn sẽ tự nhiên thu hút được nhiều người giỏi hơn. Một mối quan hệ cần dựa trên giá trị cân bằng thì mới có thể phụ thuộc lẫn nhau mà duy trì lâu bền được.
Trước khi bạn đủ giỏi, đủ tài năng, đừng dành quá nhiều thời gian quý báu của mình chỉ để giao lưu và tụ tập. Hãy dành thời gian đó để cải thiện chính mình và nâng cao giá trị bạn thân. Khi bạn giỏi, bạn không phải chạy theo và lấy lòng người khác, những người cùng chí hướng sẽ tự tìm đến bạn.
Trước hết hãy làm cho mình đủ tốt, thế giới của bạn sẽ tự nhiên trở nên rộng mở hơn.
Nguồn: Abolouwang
Thuỳ Anh