(Tổ Quốc) - “Hành trình phát triển bản thân của tôi bắt đầu từ khi viết blog, năm 2016… Và tôi nhận ra việc viết lại những bài học đó khiến tôi hiểu hơn về chính mình và hành trình của chính mình, giá trị và những bài học cuộc sống đã mang lại cho mình”, Tiến sĩ, Blogger Chi Nguyễn chia sẻ.
Nguyễn Phương Chi sinh năm 1989 ở Hà Nội, hiện lập nghiệp và định cư tại Mỹ. Cô là Tiến sĩ giáo dục, chuyên về chính sách, lãnh đạo, và giáo dục so sánh. Chi Nguyễn đã nhận bằng Thạc sĩ về giáo dục, văn hóa và xã hội tại Đại học Pennsylvania, bằng Tiến sĩ tại Penn State, từng làm chuyên gia phân tích dữ liệu tại một trường đại học công lớn. Hiện tai cô đang giảng dạy tại một trường đại học tại Mỹ.
Blogger Chi Nguyễn được coi là người truyền cảm hứng, truyền lửa cho nhiều bạn trẻ về lối sống tối giản, độc lập và phát triển bản thân không ngừng về phía trước.
- Cuộc sống ở Mỹ của chị Chi trong thời gian đại dịch COVID-19 có gì thay đổi so với trước đây?
Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, thay vì đi ra ngoài và được tiếp xúc với nhiều người, cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh gia đình với nhịp đều đều. Nhịp sống như vậy khiến cho tôi hơi trầm cảm nhẹ nhẹ.
Tuy nhiên, thời điểm làm việc ở nhà thì tôi cảm thấy mình có thể làm việc hiệu quả hơn, ít bị xao lãng, có nhiều thời gian hơn. Tôi muốn cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn.
Vì thế tôi quyết định quay lại với việc làm blog, mở ra kênh YouTube và podcast để có thể tận dụng thời gian rảnh và làm được những điều ý nghĩa hơn cho cộng đồng.
- Làm rất nhiều công việc cùng lúc, chị đã quản lý thời gian và cuộc sống của mình như thế nào?
Ở Mỹ, dịch đã gần 2 năm, qua giai đoạn khủng khiếp nhất rồi. Cuộc sống ở Mỹ đã bước sang giai đoạn bình thường mới, mọi thứ không còn quá đáng sợ như trước nữa. Mọi người dần quen với việc làm việc tại nhà, làm việc online.
Trước khi dịch bùng phát, tôi vẫn đang đi làm công việc hành chính. Thời gian đầu phải làm việc online ở nhà thì mọi thứ cũng khá đảo lộn khi con nhỏ thì không có người chăm sóc, chồng nghỉ làm để trông con.
Sau một thời gian, tôi dần thích nghi.
Khi dịch được kiểm soát, tôi quyết định không quay trở lại chỗ làm trước nữa mà tìm một công việc mới – trở thành người giảng dạy và nghiên cứu tại một trường đại học ở Mỹ.
Trong quá trình đó, tôi cũng quay trở lại với blog và thành lập kênh Youtube, Podcast của mình.
-Bí quyết để cân bằng giữa cuộc sống và công việc bận rộn của chị trong thời gian dịch COVID-19 là gì?
Thời gian đầu rất khó khăn vì trước đây tôi rất tự do khi con nhỏ đi học. Tôi có thời gian làm việc mình muốn. Sau khi bé ở nhà, giống như các phụ nữ khác, tôi cũng phải cân đối để có thể làm việc ở nhà và chăm con cùng lúc.
May mắn là thời điểm đó, tôi có sự hỗ trợ của chồng. Chồng tôi làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ nên bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID. Anh đã quyết định nghỉ ở nhà để làm ông bố toàn thời gian, chăm sóc em bé.
Nhờ có sự hỗ trợ đó của chồng nên tôi có thể bình ổn và cân bằng mọi thứ được dễ hơn.
-Với chị, người phụ nữ tự chủ gồm những yếu tố nào?
Theo tôi, có 3 yếu tố tạo nên 1 người phụ nữ độc lập, tự chủ. Tất nhiên, mỗi người có một lựa chọn riêng, mức độ độc lập sẽ khác nhau.
Đối với tôi, thứ nhất là tự chủ về tư duy. Người phụ nữ cần biết được rằng, suy nghĩ, tư duy nào là của mình, còn đâu là những thứ đến từ sự tác động của người khác đẩy vào đầu.
Ai cũng chịu ảnh hưởng của môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên, một người phụ nữ tự chủ thì trong tư duy của họ cần có sự rõ ràng.
Để có điều này không hề dễ dàng. Bạn phải qua trải nghiệm, thực tế, hiểu bản thân mình trong một quá trình mới có thể có được.
Thứ 2 là tự chủ về tài chính: Kể cả bạn làm nội trợ nhưng phải chứng minh và nói cho chồng biết những đóng góp của mình cho gia đình như thế nào.
Bạn làm nội trợ, chăm sóc gia đình. Đóng góp của bạn có thể quy đổi sang tài chính, thể hiện qua việc mà đáng lẽ phải chi tiền để gửi con cho nhà trẻ, thuê người giúp việc nấu ăn, thời gian bạn chăm sóc gia đình…
Đối với tôi, dù mình đi làm có đồng lương thấp thì mình vẫn có thể tự hào với những gì mình làm được. Đừng bao giờ tự ti và tự khiến bản thân mình lép vế.
Tự chủ về sự ngiệp: Mỗi người phụ nữ đều cần có sự nghiệp riêng, không phụ thuộc vào ai. Tôi là một người phụ nữ của công việc vì thế tôi rất mong muốn có sự nghiệp của riêng mình.
-Từ khi nào chị xác định điều đó?
Thực tế thì, tôi lớn lên trong một gia đình trí thức ở Hà Nội và tôi được mẹ dạy từ nhỏ rằng phụ nữ phải độc lập. Mẹ tôi là một nhà báo ở thời kỳ mở cửa với rất nhiều khó khăn.
Chứng kiến rất nhiều thăng trầm trong cuộc đời khiến cho mẹ trở nên độc lập hơn. Nên mẹ luôn nói rằng, là phụ nữ thì phải luôn luôn độc lập và đặc biệt là phải độc lập tài chính. Đừng bao giờ phụ thuộc vào đàn ông về tài chính.
Khi bạn tự kiếm được tiền, dù nó ít thôi thì nó là toàn quyền quyết định của mình. Đó là tư tưởng tôi biết và quen với nó, nên khi trưởng thành tôi không bao giờ nghĩ rằng đó là điều gì khác biệt.
-Chị nghĩ thế nào về quan điểm: Đối với phụ nữ tri thức là nền tảng cuộc sống?
Với tôi tri thức có nhiều ý nghĩa ngoài tầng ý nghĩa là học vấn. Tôi nghĩ phụ nữ phải có giáo dục và giáo dục giúp phụ nữ có cuộc sống tốt hơn. Nhưng ngoài ra, tri thức cũng là những gì bạn học được, những trải nghiệm bạn cóp nhặt được trong cuộc sống và rút ra bài học cho chính mình.
Tôi đã có bằng Tiến sĩ, nhiều người cho rằng đó là một học vị cao rồi. Nhưng thực tế, tôi vẫn học hàng ngày, học về những điều mình chưa biết rõ như tài chính cá nhân, quản lý nhân sự, làm podcast… Tôi luôn luôn học và thực hành để phát triển bản thân tốt hơn.
- Là Tiến sĩ giáo dục, chị đã phát triển bản thân như thế nào?
Hành trình phát triển bản thân của tôi bắt đầu từ khi viết blog, năm 2016. Khi nhận ra suy nghĩ hay ho về cuộc sống thì tôi viết blog để ghi lại cho mình và chia sẻ với mọi người.
Và tôi nhận ra việc viết lại những bài học đó khiến tôi hiểu hơn về chính mình và hành trình của chính mình, giá trị và những bài học cuộc sống đã mang lại cho mình.
Trong 2 năm dịch COVID diễn ra cũng là giai đoạn tôi trải qua một số khó khăn về tâm lý nên đã tạm ngừng viết. Gần đây, tôi cảm thấy việc viết lách và chia sẻ là một niềm đam mê và đem lại nhiều ý nghĩa tốt đẹp, giúp cuộc đời của tôi có ý nghĩa hơn.
Vì vậy tôi quyết định quay lại với blog và mở thêm kênh YouTube, podcast. Và tôi cho rằng, những nền tảng mới sẽ giúp đưa thông điệp của tôi đến với mọi người tốt hơn.
-Chị từng chia sẻ, ước mơ lớn nhất của chị là đi du học và trở thành Giáo sư đại học. Hiện giờ, khi đã đạt được ước mơ lớn nhất rồi, bước tiếp theo của chị là gì?
Khi bắt đầu công việc mới, với nhiều kỳ vọng và bận rộn hơn, việc viết blog chiếm rất nhiều thời gian và cũng nhiều áp lực thì lúc ấy tôi cũng phải ngừng lại một thời gian.
Tôi nghĩ ai cũng cần có thời gian để làm quen với môi trường mới. Các bạn đang ở trong giai đoạn đó thì lời khuyên là chúng ta nên dừng lại một chút, chúc mừng bản thân mình, hạnh phúc với điều mình đạt được.
Trước khi tìm mục tiêu mới, bạn phải biết hạnh phúc với những gì bạn có đã. Bởi nếu cứ tiếp tục tìm kiếm các mục tiêu mới thì cũng giống như bạn đang chạy marathon không hồi kết, rất mệt và sẽ rất khó để bạn có sự bình ổn. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc của bạn.
-Nếu được lựa chọn lại, chị vẫn lựa chọn con đường đang đi hay có ý định thay đổi nào không?
Không bao giờ. Con đường tôi đang đi chắc chắn là con đường mà tôi muốn đi và khiến tôi hạnh phúc nhất. Tất nhiên đó không phải con đường dễ dàng. Tôi đã đau đầu và mất ngủ trong nhiều năm liền mới có thể chứng minh được bản thân và có được vị trí công việc hiện tại.
Những khó khăn trong cuộc sống trước đây đều tạo ra được những bài học để tôi tiếp tục bước đi trên con đường này hiện tại và cả trong tương lai.
- Chị có lời khuyên gì cho những người đang mất phương hướng trong cuộc sống?
Tôi có một mô hình để tự định hướng bản thân là:
Thứ 1, hãy tìm đến những công việc cho bạn có niềm vui, vì đó cũng là cũng sẽ là công việc bạn thích và đủ giởi.
Thứ 2 là hãy làm những thứ tạo ra thu nhập, vì nó sẽ giúp bạn có thể duy trì cuộc sống và có thể làm lâu dài.
Thứ 3 là làm công việc mà xã hội cần, vì như thế bạn sẽ có động lực để cống hiến.
Những người đang băn khoăn ở giữa ngã 3 cuộc đời thì hãy thử tìm công việc đáp ứng cả 3 điều đó. Khi đó bạn sẽ xác định được hướng định phù hợp nhất với mình.
-Trên hành trình của mình, chị nhắc nhiều đến việc tự chủ tài chình. Vậy một người có gia đình nên quản lý tài chính cá nhân và quản lý tài chính của gia đình như thể nào?
Độc thân thì là quản lý cá nhân. Khi có gia đình thì là quản lý tài chính gia đình, có sự chung sức của cả vợ và chồng.
Đối với vợ chồng tôi, kiểu quản lý tài chính “Hai túi tiền thông nhau” là hợp lý nhất. Vì chúng tôi đều có kiến thức tốt về tài chính và hoàn toàn thoải mái khi minh bạch 100% thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, vì gia đình tôi sống ở Mỹ, 99% chi tiêu hàng ngày dùng thẻ tín dụng nên chỉ cần kết nối thẻ với ứng dụng điện thoại (chúng tôi sử dụng EveryDollar với cùng một tài khoản login) là mọi khoản chi đều được tự động ghi lại dễ dàng.
Nếu khoản chi nào cần dùng tiền mặt, chúng tôi cũng lưu lại nhanh trên ứng dụng để có dữ liệu đầy đủ. Nhờ vậy, cả hai đều nắm được rõ ràng các khoản thu-chi hàng ngày và cùng “hợp sức” thực hiện những kế hoạch tiết kiệm-đầu tư lớn hơn cho tương lai.
Nhưng dù bạn chọn kiểu quản lý lương nào đi chăng nữa, điều cốt yếu để tài chính gia đình (và cả hôn nhân) được bền vững là đôi bên thấu hiểu cho nhau. Sự tin tưởng lẫn nhau và không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức, quản lý cuộc sống của mình một cách hiệu năng hơn, gắn kết gia đình bền chặt hơn nữa.
-Những lúc gặp khó khăn, stress, chị cân bằng cuộc sống và lấy lại tâm trạng của mình ra sao?
Cái quan trọng nhất là trả lời câu hỏi why? Mỗi khi có một mục tiêu lớn, tôi đều dành thời gian để viết ra tất cả những lý do khiến tôi muốn đạt được mục tiêu đó.
Để mỗi khi mệt mỏi, tâm trạng mình đi xuống tôi đọc lại và tìm thấy lý do mình bắt đầu. Nếu bạn làm chỉ vì ai đó muốn bạn làm, hoặc vì lý do nào đó bên ngoài thì bạn sẽ không thể đi đâu xa hết.
Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!
Bài viết: Thu Hoài/ Thiết kế: Hoài Linh