Nữ tướng Mekong Capital và người nhà vượt qua 17 ngày tự chiến đấu với Covid-19: "Nhất định không được chủ quan và nếu có cơ hội được tiêm vaccine, hãy đi ngay"

(Tổ Quốc) - Khi phải trải qua những ngày là F0, chị Giang mới thấm thía sự "kinh khủng" của loại virus này. Người chồng mà chị ví khoẻ như "Ironman" sụt tới 7kg, chị cũng "bay 5 kí lô". May mắn là cả gia đình hiện đã âm tính và nhận được rất nhiều sự giúp đỡ trong quá trình chiến đấu với "COVID-19".

Cả 5 người trong gia đình trở thành F0 không rõ nguồn lây

Nữ tướng của Mekong Capital - Nguyễn Minh Giang - hiện sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Chị lúc nào cũng tự tin vào sức khỏe của mình. Gia đình chị có chồng thì Ironman, vợ thì leo núi, trekking, tuần tập gym 3 buổi, không có bệnh nền. Thậm chí, các đồng nghiệp còn hay trêu chị: "Minh Giang là người đàn ông "cộng thêm" của các chị em trong công ty"...

Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, chị Giang đã làm việc tại nhà trong hơn 2 tháng. Chị chỉ đi ra ngoài 1 lần duy nhất để gặp 4 người trong vòng 45 phút.

Phòng ngừa và tự tin vậy nên chị luôn có suy nghĩ: "Không sao đâu, không cần thiết phải chích ngừa sớm, mình có sức khỏe nữa, xui lắm thì y như bị cúm thôi mà". Vậy là cả gia đình chị chưa ai tiêm mũi vaccine nào, nhưng luôn có đồ xét nghiệm trong nhà, đề phòng có vấn đề gì thì có thể xét nghiệm nhanh.

Nhưng mọi chuyện lại không như "kịch bản" chị suy tính. Đêm 21/7, chị bỗng bị sốt, cổ họng hơi đau. Nghĩ rằng chỉ là cảm cúm thông thường, chị thức dậy súc miệng nước muối và cố gắng ngủ, nhưng vẫn thấy hơi mệt và bắt đầu lả người đi.

Hôm sau, 2 vợ chồng chị đi xét nghiệm và xây xẩm mặt mày khi nhận kết quả: 2 vợ chồng đều dương tính. Kết quả xét nghiệm PCR sau 1 ngày cũng khẳng định dương tính.

Nhận được thông tin, việc đầu tiên là chị cho 2 con nhỏ (10 tuổi và 12 tuổi) vào phòng riêng. Sau đó, chị thông báo cho chung cư, quản lý phường và chuẩn bị đồ đạc sẵn sàng để đi cách ly. Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân lớn nên vợ chồng chị được khuyên nên điều trị tại nhà, khi có vấn đề khẩn cấp thì liên lạc với nhân viên y tế. Phải mất vài tiếng, 2 vợ chồng mới ổn định được tinh thần, chuẩn bị khóa chặt cửa, thiết lập vùng cách ly riêng.

Rất may, 4 người tiếp xúc với chị trước đó đều âm tính. Sau khi nhận được thông báo, một số người thân của gia đình đã bắt đầu tiếp tế: Lá xông, chanh đào, mật ong, các loại thuộc như hạ sốt, vitamin C, 2 thùng nước có bào tử lợi khuẩn để xịt mũi, nước muối, nước súc miệng, cháo gói, sữa... Chỉ trong vòng 3 tiếng, ngôi nhà của chị Giang biến thành tiệm tạp hóa đúng nghĩa, cuộc chiến với COVID-19 bắt đầu!

Khi thông báo vào group của chung cư, chị Giang không ngờ lại được mọi người thương yêu, chung tay giúp đỡ,nhiều người xung phong nấu cơm, cháo đưa lên cho cả nhà. Chị cảm thấy thật may mắn khi được chung sống trong một cộng đồng đoàn kết và "siêu dễ thương".

Nữ tướng Mekong Capital và người nhà vượt qua 17 ngày tự chiến đấu với Covid-19: Nhất định không được chủ quan và nếu có cơ hội được tiêm vaccine, hãy đi ngay - Ảnh 1.
Nữ tướng Mekong Capital và người nhà vượt qua 17 ngày tự chiến đấu với Covid-19: Nhất định không được chủ quan và nếu có cơ hội được tiêm vaccine, hãy đi ngay - Ảnh 2.

Cộng đồng dân cư ở trong chung cư chị Giang sống tích cực hỗ trợ gia đình trong thời gian mắc bệnh. Ảnh: FBNV

Chị Giang cũng đăng ký dịch vụ bác sĩ khám bệnh từ xa để được trợ giúp thông tin sức khỏe hàng ngày. Chị quyết định giấu hết 2 bên nội, ngoại vì sợ các cụ ở quê mà nghe tin, không giúp được gì mà chắc vô cùng lo lắng.

Tuyệt đối đừng chủ quan trong trận chiến với COVID-19

Nhớ lại quá trình chiến đấu với bệnh dịch, chị Giang không khỏi rùng mình. Đêm đầu tiên, chị vừa sốt vừa đau họng, nuốt nước lọc mà y như có ai cầm cái dao lam ở cổ. Nhưng chị vẫn cố gắng lết uống hết hộp sữa và cứ 30 phút là xịt mũi bàng nước chứa lợi khuẩn, cho chảy xuống cổ và để thở được. Bị sốt cao, nên có lúc đầu óc bắt đầu bị lơ mơ, mê man. Đêm đó, chị còn sốt vài cơn nữa cùng với ho kéo dài.

Ngày thứ 2, chị bị mất vị giác, thính giác và xuất hiện đều đặn các triệu chứng như: Ho, sốt, tức ngực... Cứ 30 phút chị lại đo nồng độ Oxy 1 lần, có những lúc thấy nó rớt xuống 75-80% khiến chị hoảng loạn, mất bình tĩnh. Mỗi lần như thế, chị và chồng lại cùng nhau trấn an, cố gắng nghĩ tích cực: Rồi sẽ vượt qua thôi.

Mấy ngày liên tiếp, gia đình chị cứ duy trì: Đau mấy vẫn phải ăn cháo và uống thêm sữa để không mất sức. Có ngày ngán cháo quá thì lấy cơm trộn nước canh và húp, nhất định không bỏ bữa.

Khi sốt thì gia đình chị nằm nghỉ nhưng khỏe là đi lại, vận động nhẹ. Chị mở cửa phòng để đón gió cho nhà thông thoáng, sáng sáng phơi nắng. Gia đình chị xông hơi bằng lá thuốc, viên tràm, xít rửa mũi liên tục...

May mắn, 2 con nhỏ của chị Giang chỉ có triệu chứng nhẹ, còn 3 người lớn - gồm vợ chồng chị và người em gái - thì nặng hơn rất nhiều. Đến ngày thứ 7, 8, 9, bệnh lên đến đỉnh: Bớt sốt nhưng những cơn ho liên tục khiến chị tức ngực, hụt hơi, khó thở... Tuy vậy, chị vẫn cố gắng duy trì: Ăn, vận động nhẹ và thở.

Chị kể, giai đoạn ngày thứ 7, 8, 9 là "kinh khủng nhất và rất hên xui" vì "con virus này không thể đùa được". Nhiều người trẻ, thanh niên trai tráng chị quen có thể trở bệnh nặng hơn, triệu chứng diễn biến nhanh đến không ngờ đến. Còn chị và gia đình may mắn vì đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm này.

Đến ngày 10,11,12 duy trì đều đặn những việc ở trên, ăn 3-4 bữa, trái cây, nước cam uống liên tục.. . Đến ngày 12 thì chị bắt đầu ngửi thấy mùi, có vị lại từ từ...

Ngày 6/8, cả 5 người trong gia đình chị có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với COVID-19, dù vậy vẫn còn một số triệu chứng như ho, cơ thể mệt mỏi.

Vừa thoát khỏi cửa tử, chị Giang khuyên mọi người tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh.

Nếu có cơ hội, hãy tiêm vaccine ngay, chú ý luôn thực hiện nguyên tắc 5k, bảo vệ bản thân bằng cách xịt mũi, súc miệng, xông hơi, ăn ngủ nghỉ điều độ và tăng cường sức đề kháng dù bạn có khỏe mạnh đến mấy vì "COVID-19 không phải cơn cảm cúm thông thường".

"Phải trải qua mới thấm thía được sự kinh khủng của loại virus này. Lạc quan thì tốt, bi quan cũng không sao nhưng nhất định không được chủ quan và tự tin thái quá. Và nếu có cơ hội hãy tiêm vaccine COVID-19 nhanh nhất thay vì chần chừ", chị Giang nhấn mạnh.

Thiên An

Tin Cùng Chuyên Mục
Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

(Tổ Quốc) - Trong hai ngày 23-24.11, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia giáo dục uy tín trong nước và quốc tế. Trong chuỗi hoạt động gồm 4 phiên, các chuyên gia đã cùng thảo luận, chia sẻ các kỹ năng, phương pháp và các cấu trúc, mô hình để có môi trường học tập hạnh phúc.
Tin mới