(Tổ Quốc) - Ông cụ 65 tuổi đang khiêu vũ thì bị nhồi máu cơ tim và qua đời do không được cấp cứu kịp thời. Trước đó, cơ thể ông từng phát tín hiệu cảnh báo nhưng ông chủ quan và bỏ qua.
Ông Tôn năm nay 65 tuổi, từ lúc về hưu đến nay, ông luôn duy trì thói quen khiêu vũ vào buổi sáng để cơ thể dẻo dai và khỏe mạnh hơn. Sáng sớm nọ, khi đang cùng nhóm tập bắt đầu khiêu vũ trong công viên thì ông cảm thấy tức ngực, khó chịu và thở không ra hơi.
Thấy thế, các cụ ông, cụ bà khác vội vàng chạy tới, khoác áo khoác và giúp ông ngồi xuống nghỉ ngơi. Tuy nhiên khi chưa kịp di chuyển thì ông cụ đã mất kiểm soát và ngã quỵ xuống. Một người bạn của ông nhanh chóng lấy điện thoại gọi cấp cứu. Trước khi xe cấp cứu đến, những người còn lại lo lắng không biết làm cách nào để ông cụ tỉnh lại. Người thì liên tục gọi tên, người thì luống cuống gọi điện báo cho người thân của ông cụ.
Ảnh minh họa( Nguồn:Internet)
Lúc xe cấp cứu đến, tim của ông Tôn đã ngừng đập, các bác sĩ nhanh chóng thực hiện các kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực kết hợp với thổi ngạt để hồi sức tim. Tuy nhiên ông cụ không có dấu hiệu hồi phục ý thức, tim ngừng đập, không thở, không huyết áp và được xác nhận là đã chết lâm sàng.
Theo lời kể của những người bạn trong nhóm khiêu vũ với cụ Tôn thì ông đã có biểu hiện đau ở ngực từ những buổi tập trước. Tuy nhiên, lần nào cơn đau cũng chỉ kéo dài vài phút là khỏi nên cũng không ai để ý. Thật không ngờ mọi chuyện lại xảy ra nhanh đến vậy.
Theo bác sĩ, những lần đau ở ngực trước đó của ông cụ là những cơn đau tim. Đây là cơn đau thắt ngực điển hình nếu không được thăm khám kịp thời có thể tiến triển thành nhồi máu cơ tim. Và sự việc đau lòng trên cuối cùng cũng xảy ra. Sau khi bị nhồi máu cơ tim đột ngột, ông Tôn bất tỉnh, tim ngừng đập và qua đời ngay sau đó do không được cấp cứu kịp thời.
Làm sao để tránh bị nhồi máu cơ tim ?
Hầu hết các ca nhồi máu cơ tim sẽ dấn đến tình trạng đột tử. Đột tử do tim là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất hiện nay. Trong số các trường hợp đột tử thì đột tử do bệnh tim chiếm 80%.
Đa số các cơn nhồi máu cơ tim đều có thể tránh được nếu như các dấu hiệu cảnh báo bệnh được người bệnh phát hiện kịp thời. (Ảnh:Internet)
Trên lý thuyết, đa số các cơn nhồi máu cơ tim đều có thể tránh được nếu như các dấu hiệu cảnh báo bệnh được phát hiện kịp thời. Lấy ví dụ trường hợp của ông cụ trên, do không để ý những dấu hiệu cảnh báo trước đó để rồi những cơn đau thắt ngực cuối cùng phát triển thành nhồi máu cơ tim và gây đột tử.
Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người cao tuổi hoặc người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Khi nhận thấy cơ thể có những thay đổi bất thường, thì đừng chủ quan mà cần đến gặp bác sĩ kịp thời để phát hiện nguyên nhân và có phương pháp điều trị bệnh kịp thời. Từ đó mới có thể tránh được nhồi máu cơ tim và làm giảm nguy cơ bị đột tử.
Những lưu ý khi tập thể dục vào mùa đông
Mùa đông trời trở lạnh, việc ra ngoài tập thể dục vào thời điểm này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đối với sức khỏe người cao tuổi.
Việc tập thể dục ngoài trời nên diễn ra vào lúc thời tiết ấm hơn. (Ảnh:Internet)
Trong thời tiết lạnh, các mạch máu sẽ co lại dẫn tới tăng huyết áp làm tăng cao nguy cơ bị đột quy. Đặc biệt là người cao tuổi, nhiều người trong số họ có thể có các mảng xơ vữa tiềm ẩn. Lúc này, nếu nhịp tim tăng nhanh, huyết áp tăng cao, mạch máu bị co lại sẽ làm tăng nguy cơ vỡ mảng xơ vữa rất lớn.
Vì vậy, khi thời tiết chuyển lạnh, mọi người nên có sự điều chỉnh thói quen đi bộ hay tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng sớm. Tốt nhất nên chọn cách vận động và luyện tập ngay tại nhà để bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Bên cạnh đó, hãy chọn các bài tập phù hợp với thể trạng sức khỏe của từng người. Việc tập thể dục ngoài trời nên diễn ra vào lúc thời tiết ấm hơn.
Phương pháp sơ cứu nhồi máu cơ tim ai cũng nên biết
Nhồi máu cơ tim thường xảy ra đột ngột, khó biết trước và gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, việc sơ cứu nhồi máu cơ tim là vô cùng quan trọng, ngay cả không có bác sĩ, nếu bệnh nhân được sơ cứu kịp thời cũng giúp họ vượt qua cơn nguy kịch trước mắt và tăng khả năng cứu sống lên rất nhiều.
Trường hợp người bệnh bất tỉnh, người thân nên thực hiện kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực hoặc hô hấp nhân tạo để giúp họ vượt qua cơn nguy kịch.( Ảnh:Internet)
Nếu nghi ngờ cơn nhồi máu cơ tim sắp xảy ra, người bệnh cần dừng ngay mọi công việc đang làm, ngồi nghỉ ngơi hoặc nằm theo tư thế nửa nằm nửa ngồi, nới lỏng quần áo và báo người thân gọi cấp cứu.
Trong trường hợp có sẵn thuốc mang theo bên người, người thân nên cho bệnh nhân dùng ngay viên ngậm dưới lưỡi Nitroglycerin trong khi chờ đợi xe cấp cứu. Nếu người bệnh bất tỉnh, người thân nên thực hiện kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực hoặc hô hấp nhân tạo để giúp họ vượt qua cơn nguy kịch.
(Theo Toutiao)
Ánh Lê