(Tổ Quốc) - Là một thiên tài toán học, Doãn Minh Thiện có thể dễ dàng tính ra các bài toán nhưng lại không thể tính được số mệnh của mình. Ông không bao giờ có thể ngờ được rằng, quãng đời sau tuổi 80 mới thực sự là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời.
Nói đến những nhân vật lão làng, huyền thoại trong giới kinh doanh ở Trung Quốc, không thể không nhắc đến Doãn Thiện Minh. Ông là Chủ tịch kiêm người sáng lập tập đoàn Lifan, chuyên sản xuất ô tô và xe máy tại đại đô thị Trùng Khánh. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông chính là: "Nếu bạn có can đảm nhưng ít kiến thức, cơ hội vẫn còn một nửa; nếu bạn có kiến thức nhưng không có can đảm, cơ hội gần bằng không."
Là người có thừa sự can đảm, nhiều kinh nghiệm cũng như khả năng xuất chúng trong kinh doanh, ông vươn lên trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc với câu chuyện khởi nghiệp “không giống ai”. Thế nhưng bây giờ ở tuổi xế chiều, trong lòng tỷ phú này cũng không thể biết được mình có phải là dũng sĩ hay không!
Bắt đầu từ bàn tay trắng
Doãn Minh Thiện sinh năm 1938 trong một gia đình địa chủ ở quận Phù Lăng, Trùng Khánh. Tuổi thơ của ông trôi qua khá êm đẹp cho đến khi biến cố ập đến năm ông 12 tuổi. Lúc đó, cha ông bất ngờ qua đời, trụ cột trong nhà mất đi khiến gia đình ông rơi vào cảnh "tán gia bại sản", phải dọn đến sống trong một ngôi nhà tranh bỏ hoang. Vì nghèo, cậu thiếu niên ngày ấy buộc phải nghỉ học và lao vào đời kiếm tiền.
Nhận thấy nhà nào cũng cần may vá nên Doãn Minh Thiện đã đi vay mượn họ hàng 5 hào rồi đến thị trấn mua sỉ kim chỉ để về làng bán. Bán lẻ chưa đủ, ông còn hợp tác kinh doanh cùng người khác và nhanh chóng kiếm được một khoản tiền không nhỏ vào thời điểm đó. Khi đã kiếm được kha khá, mẹ ông khuyên ông nên tiếp tục con đường học hành, bà nói với ông: "Con không đọc sách thì cũng vô dụng”.
Doãn Thiện Minh thời trẻ.
Thế rồi nhờ câu nói của mẹ, Doãn Minh Thiện lúc đó đã bỏ lại tất cả để lên đường đến Trùng Khánh ôn thi. Nhờ sự thông minh và chăm chỉ, Doãn Minh Thiện được nhận vào trường cấp 3 số 1 ở Trùng Khánh với kết quả xuất sắc. Ít ai biết rằng, ông từng là một thiên tài toán học, chưa hết năm 1 trung học đã học xong chương trình cử nhân.
Không chỉ giỏi học hành, Doãn Minh Thiện còn giỏi thể thao và đàn ca, ông còn là cây bút quen thuộc trên tờ báo của trường. Vào thời điểm đó, các thầy cô đều cho rằng Doãn Minh Thiện sẽ là một thiên tài toán học trong tương lai.
Thế nhưng một biến cố khác ập đến vào năm thứ ba trung học, cậu thanh niên giỏi giang chưa kịp tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học thì đã bị đuổi khỏi trường và cho đi cải tạo vì những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên tờ báo của trường. Ba năm sau đó, ông bị bắt giam vì "những tư tưởng không phù hợp" với thời cuộc lúc bấy giờ với mức án 18 năm tù.
Không để cuộc đời kết thúc tại nơi tăm tối đó, cậu thanh niên Doãn Minh Thiện đã dồn hết tâm trí vào việc học. Nhớ lời mẹ dặn "không đọc sách là vô dụng", trong tù ông vẫn chăm chỉ đọc sách, học tiếng Anh và tập thể dục mỗi ngày. Nhờ cải tạo tốt, ông đã được trả tự do trước thời hạn. Năm đó ông đã 41 tuổi, trong cuốn nhật ký của mình, ông viết: "Khương Tử Nha xuất sơn năm 80 tuổi, tôi năm nay 41, vẫn chưa muộn".
Vận đổi sao dời, từ tù nhân trở thành tỷ phú
Sau khi ra tù, Doãn Minh Thiện đến làm phiên dịch tại nhà máy hóa chất tổng hợp Trùng Khánh. Với tài năng nổi trội của mình, ông trải qua các vị trí như giảng viên tiếng Anh của Đại học Truyền hình Trùng Khánh, Học viện Thiết kế Trùng Khánh và biên tập viên tại Nhà xuất bản Trùng Khánh. Chỉ trong 2 năm cố gắng, ở tuổi 47, ông được đề bạt làm phó chủ tịch nhà xuất bản Trùng Khánh.
Dù đã gặt hái được những thành công nhất định nhưng Doãn Minh Thiện vẫn cảm thấy có gì đó ở trong ông vẫn chưa được khai phá. Thế rồi năm 1985, ông nghỉ việc ở nhà xuất bản và đến công ty tư vấn kỹ thuật quốc tế Trùng Khánh để xin làm việc và tích lũy kinh nghiệm kinh doanh. Năm 50 tuổi, Doãn Minh Thiện cảm thấy thời cơ đã chín muồi nên dứt khoát từ chức và quyết định thành lập công ty sách.
Doãn Minh Thiện khởi nghiệp khi tuổi đã 54.
Nhờ khả năng kinh doanh nhạy bén, ông nhanh chóng kiếm được "hũ vàng" đầu tiên trong đời khi cuốn sách do ông chủ biên đã bán được 30 triệu bản. Đến năm 1992, nhận thấy ngành công nghiệp xe máy vô cùng tiềm năng, ông quyết định chuyển hướng sang một lĩnh vực mới bất chấp sự phản đối của gia đình, lúc này ông đã 53 tuổi.
Lúc bấy giờ, công ty tại Trung Quốc không được phép độc quyền nên Doãn Minh Thiện buộc phải chuyển hướng vừa làm, vừa đổi mới doanh nghiệp. Năm 1988, công ty Lifan ra đời tập trung nghiên cứu để phát triển một động cơ siêu nhỏ hoàn toàn mới trong thị trường Trung Quốc, thu về những thành tích đáng nể. Trên đà thắng lợi, Lifan sáng chế ra một loại động cơ mới và tạo nên cơn sốt trên thị trường.
Năm 2001, công ty của ông đã sản xuất và bán 1,84 triệu động cơ và đạt doanh thu 3,85 tỷ NDT, trở thành công ty dẫn đầu trong ngành công nghiệp xe máy của Trung Quốc vào thời điểm đó. Năm Doãn Minh Thiện 63 tuổi, ông lọt vào danh sách 50 người giàu nhất Trung Quốc do Forbes bình chọn.
Hãng xe Lifan của Doãn Thiện Minh nổi tiếng khắpTrung Quốc, đặc biệt là ở Trùng Khánh.
Năm 2003, nhận thấy thị trường ô tô phát triển mạnh, ông tuyên bố gia nhập vào thị trường này. Sau những khó khăn và thách thức từ bước chuyển mình, Doãn Minh Thiện bắt đầu gặt hái những quả ngọt khi năm 2009, Lifan tung ra thị trường mẫu xe Lifan 320 với doanh số bán hàng vượt quá 7.000 chiếc trong chưa đầy một tháng.
Kể từ khi bước chân vào lĩnh vực xe máy năm 1992 đến khi nổi lên trên thị trường ô tô vào năm 2010, Doãn Minh Thiện đã sở hữu 18 nhà máy trong 18 năm.
Vào ngày 25/11/2010, cổ phiếu của Lifan được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải với giá trị thị trường lên tới hơn 30 tỷ NDT. Đồng thời, Doãn Minh Thiện cũng trở thành người giàu nhất Trùng Khánh với khối tài sản ròng trị giá hơn 11 tỷ NDT, năm đó, ông 72 tuổi.
Bắt đầu từ con số 0, cuối cùng lại trở về con số 0
Với những kế hoạch và dự định đang ấp ủ cho tương lai, Lifan được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Tuy nhiên, Doãn Minh Thiện lại không thể lường trước được rằng năm 2016, Lifan bị dính vào "tham nhũng" 114 triệu NDT quỹ trợ cấp của chính phủ trung ương và bị phạt hơn 100 triệu NDT.
Ngày 28 tháng 2 năm 2017, trong buổi ra mắt mẫu xe mới của Lifan, vị chủ tịch lúc này đã 79 tuổi đứng trước hàng nghìn người tuyên bố "giải nghệ" và để lại đế chế cho thế hệ tài năng phía sau tiếp nối.
Sau sự ra đi của "cha đẻ", Lifan bắt đầu xuống dốc không phanh, doanh số bán hàng bắt đầu giảm mạnh và thua lỗ hết lần này đến lần khác. Cuối năm 2018, Lifan bị phanh phui việc đứt dây chuyền vốn và nợ các đại lý.
Doãn Minh Thiện ở tuổi xế chiều.
Đến năm 2019, ở tuổi 81, Doãn Minh Thiện tái xuất nhưng tổng số nợ phải trả của Lifan Holdings, công ty chủ quản của Lifan đã lên tới 31,2 tỷ NDT, trong đó nợ ngắn hạn là 29,478 tỷ NDT.
Cuối cùng, vào ngày 6 tháng 8 năm 2020, Tập đoàn Lifan thông báo: "Cổ đông chi phối Lifan Holdings đã nộp đơn xin tái tổ chức phá sản vì tài sản không đủ trả các khoản nợ đến hạn". Sau đó, tập đoàn được mua lại và thay đổi quyền sở hữu.
Vậy là sao bao nhiêu năm xây dựng, gồng gánh, chèo lái đưa Lifan phát triển rực rỡ thì đến năm 82 tuổi, Doãn Minh Thiện - Chủ tịch kiêm người sáng lập tập đoàn này đã phải nuốt nước mắt vào trong, cay đắng nhìn "đứa con" của mình phá sản và thuộc về tay kẻ khác. Quả đúng là tài giỏi đến đâu cũng không thể tính trước được vận mệnh của mình.
(Theo finance.sina.com.cn)
Ánh Lê