Ông Phan Lê Thành Long: Huỷ lô 74,8 triệu cổ phiếu "bán chui" của ông Trịnh Văn Quyết là đúng luật, "án lệ" này tác động rất tích cực tới chứng khoán Việt Nam

(Tổ Quốc) - "Quy định pháp luật đã có, và giờ "án lệ" đã có. Nếu ai đó có ý định hành động tương tự thì có thể hiểu rằng việc trục lợi từ "bán chui" sẽ không thực hiện được mà còn chịu tổn thất về tiền phạt, tài khoản bị phong toả, thậm chí cấm tham gia thị trường chứng khoán, mất uy tín, thiệt hại khi giá cổ phiếu giảm sàn liên tục,..."

Đây là chia sẻ của ông Phan Lê Thành Long, sáng lập và CEO của AFA Group, là chuyên gia tài chính có hơn 20 năm kinh nghiệm tại các quỹ đầu tư, hãng kiểm toán và tư vấn lớn trên Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam - Vietnam Wealth Advisors (VWA).

Theo đó, ông Long cho hay, những ngày vừa qua trên cộng đồng VWA và nhiều diễn đàn đầu tư chứng khoán khác, nhiều người cho rằng việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ra quyết định huỷ lệnh, hoàn tiền cho nhà đầu tư đối với 74,8 triệu cổ phiếu bị "bán chui" không công bố thông tin trước khi bán của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC theo luật định là không có căn cứ, thích quyết định thế nào thì tuỳ.

Không có chuyện xử theo "luật rừng"

Thực tế, bất kỳ quyết định nào của các cơ quan quản lý đều phải có căn cứ rõ ràng từ các văn bản pháp luật hiện hành.

Ông Long phân tích rõ, việc huỷ lệnh, hoàn tiền là quyết định của Uỷ ban Chứng khoán theo Công văn 198/UBCK-TT ngày 11/01/2022, chứ không phải của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) như một số người nói là căn cứ quy chế giao dịch của HOSE.

Vị chuyên gia khẳng định quyết định huỷ lệnh hoàn tiền của UBCK đều dựa trên các quy định của pháp luật.

Cụ thể, Nghị định 156/2020 ngày 31/12/2020 và Nghị định 128/2021 (sửa đổi Nghị định 156) của Chính phủ hướng dẫn Luật chứng khoán (mới nhất) ban hành về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

"Với kinh nghiệm tham gia xây dựng luật và nghị định của tôi thì văn bản pháp quy thường có các quy định chung và các quy định riêng.

Một số người chỉ đọc quy định riêng xử phạt vi phạm về công bố thông tin "bán chui" nên không thấy có đoạn nào quy định về huỷ lệnh, hoàn tiền", ông Long chia sẻ.

Theo đó, quy định chung về vấn đề này trong Nghị định 156 như sau:

Thứ nhất, Điều 4, Khoản 3, Mục a) quy định chung về các biện pháp khắc phục hậu quả: "Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành;…"

Ông Long lưu ý Điều 4, Khoản 3 là quy định chung về biện pháp khắc phục hậu quả đối với các vi phạm trên thị trường chứng khoán, chứ không phải là quy định riêng cho từng trường hợp như chào bán lần đầu, vi phạm công bố thông tin,…

Thứ hai, Điều 47, Khoản 2, Mục đ, quy định Chủ tịch UBCK Nhà nước có quyền: "Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Nghị định này."

Có nghĩa là trao quyền cho Chủ tịch UBCK thực hiện áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định chung về biện pháp khắc phục hậu quả được nêu tại Điều 4, khoản 3 nêu trên.

Như vậy, có thể do kết hợp Điều 4, khoản 3 và Điều 47, khoản 2, mục đ, UBCK đã ra Công văn 198/UBCK-TT ngày 11/01/2022 yêu cầu huỷ lệnh, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư đối ứng với giao dịch "bán chui" cổ phiếu.

"Án lệ" tác động tích cực tới thị trường chứng khoán

Về tác động của sự kiện này với thị trường chứng khoán, ông Long phân tích đây là điều rất tích cực cho sự phát triển của thị trường trong dài hạn.

"Luật chứng khoán và các quy định mới đã lường trước và bao hàm được các tình huống tác động tiêu cực đến thị trường, gây ra hệ luỵ mất uy tín của thị trường, mất niềm tin của nhà đầu tư, gây cản trở cho tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên hạng thị trường mới nổi. Và sự kiện này xảy ra đã truyền thông điệp rất rõ ràng cho thị trường về cam kết minh bạch và lành mạnh hoá thị trường của Việt Nam, ngăn ngừa những hành vi tương tự trong tương lai", ông Long nói.

Ông Phan Lê Thành Long: Huỷ lô 74,8 triệu cổ phiếu bán chui của ông Trịnh Văn Quyết là đúng luật, án lệ này tác động rất tích cực tới chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Phan Lê Thành Long cho rằng "án lệ" đã có nên nhà đầu tư sẽ được bảo vệ tốt hơn

Vị chuyên gia nhấn mạnh quy định pháp luật đã có, và giờ "án lệ" đã có. Nếu ai đó có ý định hành động tương tự thì có thể hiểu rằng việc trục lợi từ "bán chui" sẽ không thực hiện được mà còn chịu tổn thất về tiền phạt, tài khoản bị phong toả thậm chí cấm tham gia thị trường chứng khoán, mất uy tín, thiệt hại khi giá cổ phiếu giảm sàn liên tục, và hồ sơ vi phạm có thể bị chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự theo Điều 7, Khoản 1 của Nghị định 156.

Như thế, nhà đầu tư sẽ được bảo vệ tốt hơn, thị trường chứng khoán minh bạch hơn, cơ hội nâng hạng sáng sủa hơn để đón dòng tiền cực lớn.

"Một số ý kiến còn cho rằng thế nhỡ huỷ lệnh và hoàn tiền rồi mà giá cổ phiếu tăng thì sao? Vậy bạn nghĩ rằng cá nằm trên thớt mà cá vẫn còn đòi nâng cái thớt nặng gấp rưỡi, gấp đôi lên nữa hay sao", ông Long nói.

Bạch Huệ

Tin Cùng Chuyên Mục
Chứng khoán Kafi: Lợi nhuận 2024 năm tăng 60%, hoạt động môi giới chứng khoán bứt phá

Chứng khoán Kafi: Lợi nhuận 2024 năm tăng 60%, hoạt động môi giới chứng khoán bứt phá

Chứng khoán Kafi vừa công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024, đặc biệt ở mảng môi giới chứng khoán với tốc độ bứt phá mạnh mẽ. Thành tựu này khẳng định chiến lược phát triển vững chắc và đánh dấu bước tiến quan trọng của Kafi trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tin mới