(Tổ Quốc) - Người xưa có câu “Đánh thì dễ nhưng phòng thủ thì khó”. Trịnh Chu Mẫn cả một đời căn cơ nhưng cuối cùng vẫn chẳng thể giữ lại gia sản khổng lồ.
Thiếu niên tay trắng làm nên sự nghiệp
Trịnh Chu Mẫn là một doanh nhân sinh năm 1936 tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Khi còn nhỏ, ông cùng gia đình di cư đến sống tại một làng chài ở Philippines. Năm 13 tuổi dưới sự sắp xếp của mẹ, ông đã đến làm việc tại một cửa hàng bán áo sơ mi ở Manila.
Trong thời gian đó, ông tự thề rằng sẽ cho cha mẹ mình một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Nhưng ông hiểu rằng để có cuộc sống như vậy khoảng cách còn rất xa và lối thoát duy nhất của mình là học hỏi kiến thức.
Ông đã sử dụng số tiền lương từ công việc của mình để trang trải việc học tại một trường học ban đêm ở địa phương. Trịnh Chu Mẫn vừa đi học, vừa đi làm nên đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều người kinh doanh khác nhau. Dần dần ông đã bộc lộ tài năng kinh doanh phi thường.
Năm 18 tuổi, trong một lần tình cờ ông có cơ hội được gặp chủ xưởng kéo sợi Lâm Quang Nghi. Lúc đó, Lâm Quang Nghi đang lo lắng không biết xử lý thế nào với số lượng lớn các suốt chỉ đang tồn đọng. Thông thường, những suốt chỉ này sẽ bị vứt đi như rác. Nhìn thấy cơ hội, Trịnh Chu Mẫn đã quyết định mua số suốt chỉ đó.
Trịnh Chu Mẫn. Ảnh: Internet
Trong vòng một tuần, ông đã tìm thấy một xưởng dệt của người Do Thái cần rất nhiều suốt chỉ. Nhờ đó mà ông kiếm được số tiền ngoài sức tưởng tượng. Có thể nói đây là lợi nhuận đầu tiên ông thu về.
Bước ngoặt trong đời
Để mở rộng sự nghiệp của mình, ông đã đi qua Nhật Bản trong hai ngày để tham gia và chụp ảnh thiết bị của một nhà máy kéo sợi do Hoa Kỳ và Nhật Bản đồng tổ chức. Lúc đó, một kế hoạch lớn với ý tưởng táo bạo đã dần dần hình thành trong đầu Trịnh Chu Mẫn.
Ông Trịnh muốn mua một khu đất hoang ở vùng ven Manila để xây dựng một nhà máy kéo sợi. Lúc đó giá đất ở Philippines rất rẻ, ông vẫn đủ khả năng chi trả. Kế hoạch của ông là thu hút các nhà máy khác đến sau khi xưởng kéo sợi được thành lập.
Khi đó, giá đất ở xung quanh sẽ nhanh tăng giá. Tận dụng cơ hội này, Trịnh Chu Mẫn tranh thủ dốc tiền mua đất ở các khu lân cận. Những bất động sản mà ông đã mua giúp ông kiếm được hàng triệu NDT.
Kể từ đó, việc kinh doanh đã phát triển mạnh mẽ: nhà máy có hơn 5.000 khung dệt, 200.000 con quay và hơn 20.000 nhân viên, trở thành một trong những công ty Trung Quốc giàu có nhất ở Philippines.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Được mệnh danh là “vua đất”
Năm 1961, ông tình cờ gặp một doanh nhân bất động sản. Hai người đã hợp tác đầu tư vào một lô đất ở Philippines và kiếm được hàng triệu NDT. Thành công này cũng khiến ông bắt đầu tập trung vào lĩnh vực bất động sản.
Trịnh Chu Mẫn đã nhìn thấy một cơ hội kinh doanh mới. Vào thời điểm đó trong khi không mấy ai quan tâm đến các khu đất lớn ở Đài Loan (Trung Quốc). Ông đã chọn mua đất với nhiều vị trí đắc địa và xây dựng các tòa nhà cao tầng. Sau đó, khách sạn và trung tâm thương mại lớn nhất Châu Á tại đây đã được xây dựng.
Những khoản đầu tư này mang tính hướng tới tương lai một cách đáng ngạc nhiên: giá nhà đất của địa phương kể từ đó đã tăng nhanh chóng mặt. Vào thời điểm đó, Trịnh Chu Mẫn đã sở hữu hàng chục tổ chức đa quốc gia và được mệnh danh là người giàu thứ hai ở Đông Nam Á.
Tập đoàn Thế giới Châu Á do ông sáng lập đã mở rộng ra khắp Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines, Canada... và nhiều khu vực khác.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Khi đó, tài sản của ông đã vượt quá 100 tỷ NDT. Số tiền lớn như vậy có thể nói là giàu hàng đầu trong những năm 1990. Bởi vì sự nghiệp của Trịnh Chu Mẫn phần lớn thành công dựa vào đầu tư đất đai, vì vậy nhiều người đã gọi ông với danh xưng là “vua đất”.
Công sức nhiều năm đổ sông đổ bể
Năm 2002, người giàu nhất hơn 20 năm đã qua đời ở Mỹ vì bị bệnh suy tim. Sau khi qua đời ông đã để lại toàn bộ tài sản cho con gái duy nhất là Trịnh Miên Miên.
Từ khi Trịnh Miên Miên được 16 tuổi, ông đã để cô ấy bên cạnh học hỏi một số công việc của tập đoàn. Nhưng vì sự phát triển tốt hơn của con gái, ông đã quyết định cho cô đi du học. Trịnh Miên Miên cũng không làm thất vọng đối với kỳ vọng của cha mình.
Nhờ tài kinh doanh, cô được giới truyền thông phương Tây ca ngợi là một trong những "phụ nữ có tiềm năng thương mại nhất thế giới”. Trịnh Chu Mẫn thấy con gái mình có tài kinh doanh rất cao, sau khi Trịnh Miên Miên trở về Trung Quốc bắt đầu chuyển giao dần công việc của tập đoàn cho cô.
Nhưng khi tiếp quản công việc và đối mặt với một tập đoàn lớn như vậy, Trịnh Miên Miên lại không có kinh nghiệm quản lý. Cái chết đột ngột của cha cô khiến cô rơi vào thế bị động.
Lúc còn sống ông đã giúp cô năm được tình hình chung và phương hướng phát triển tiếp theo của tập đoàn. Nhưng sự ra đi của cha khiến cô mất đi người trụ cột. Cô không biết công ty sẽ đi về đâu.
Con gái của Trịnh Chu Mẫn. Ảnh: Internet
Có thể nói nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự sụp đổ của đế chế này nằm ở sự sụt giảm về nhu cầu bất động sản ở Đài Loan. Trong những năm 1990, thu nhập của người dân Đài Loan tăng lên, nhưng giá nhà ở vẫn trì trệ. Cùng với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.
Trong khoảng thời gian này, Trịnh Miên Miên do còn thiếu kinh nghiệm nên đã đưa ra nhiều quyết định sai lầm, cộng với ảnh hưởng từ sự trỗi dậy của các tập đoàn bất động sản mới nổi. Tập đoàn Trịnh Thị dần dần rơi vào tình trạng bất lực và lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Cuối cùng chỉ mất 5 năm, vương quốc kinh doanh khổng lồ này đã sụp đổ trong chốc lát, tài sản hàng trăm tỷ NDT của cha cô đã mất hết, thậm chí còn mang thêm một số nợ khổng lồ. Trịnh Miên Miên tuy có khả năng kinh doanh nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực tế. Nếu không có sự giúp đỡ của cha, cô không thể một mình nuôi sống đế chế kinh doanh khổng lồ này.
Theo Sohu
Thu Hà