(Tổ Quốc) - Tỷ phú Hứa Gia Ấn là một ông trùm bất động sản nổi tiếng Trung Quốc. Ông Hứa từng giữ vị trí giàu nhất châu Á năm 2017 với khối tài sản lên tới 45,3 tỷ USD.
Hứa Gia Ấn, sinh ngày 9/10/1958 tại thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam.
Ông là một tỷ phú, một doanh nhân bậc nhất của Trung Quốc - Chủ tịch của tập đoàn phát triển nhà đất Hằng Đại và cũng là chủ sở hữu của câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Quảng Châu Hằng Đại Đào Bảo.
Ngoài ra, ông cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp kiêm phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Trung Quốc, đồng thời chủ tịch phòng thương mại tỉnh Quảng Đông.
Năm 2017, Hứa Gia Ấn từng vượt mặt Mã Vân (Jack Ma) để trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Vào ngày 10 tháng 10 năm 2019, Hứa Gia Ấn đứng thứ ba trong "Hurun Rich list" với khối tài sản 32.5 tỷ USD.
Con đường kinh doanh bất động sản của Hứa Gia Ấn từ lúc bắt đầu đã không hề trải đầy hoa hồng, nếu không muốn nói là khó khăn. Ông từng nói rằng: "Kinh nghiệm cá nhân của tôi rất đơn giản, những gì tôi đã trải qua để gặt hái được kinh nghiệm mới là gian lao".
Từ chức giám đốc để trở thành nhân viên bán hàng
Hứa Gia Ấn thi đại học 2 lần, đến lần thứ 2 ông mới đỗ vào Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán chuyên ngành gang thép. Sau khi tốt nghiệp ông được bổ nhiệm vào Công ty Gang thép Vũ Dương ở tỉnh Hà Nam và làm việc ở đây trong suốt 10 năm.
Thời điểm đó, sinh viên ngành thép tương đối ít nên ông rất được mọi người coi trọng. Trong vòng một năm, ông được đề bạt lên chức Phó giám đốc phân xưởng, sau đó trở thành Giám đốc phân xưởng.
Hứa Gia Ấn cho biết lúc đó ông từng là một người nghiện công việc, trong suốt 7 năm làm giám đốc, ông chưa nghỉ một ngày nào. Thậm chí ngày 30 Tết, ông cũng có mặt tại xưởng để lo liệu công việc.
Hứa Gia Ấn từng từ chức giám đốc để làm nhân viên. Ảnh: Zhihu
Công việc đang ổn định, không ai ngờ rằng đầu năm 1992, Hứa Gia Ấn đã xin từ chức giám đốc phân xưởng để đến Thâm Quyến tìm việc làm. Thế nhưng, ông không ngờ, 23 ngày đã trôi qua mà tất cả hồ sơ xin việc của ông đều không được hồi âm.
Sau này được người khác nhắc nhở, ông mới vỡ lẽ ra hồ sơ xin việc của mình dày quá, tận 50 trang, không ai thèm đọc. Sau khi chỉnh sửa ba bốn lần thì hồ sơ chỉ còn lại 2 trang, và ông lập tức nhận được phản hồi của 5 đơn vị.
Sau khi lựa chọn kỹ càng, Hứa Gia Ấn đã chọn một công ty nhỏ mới thành lập được một năm và chỉ có vài chuỗi cửa hàng. Lý do ông chọn công ty này để làm việc rất đơn giản: Công ty này tuy nhỏ nhưng rất có triển vọng, và điều quan trọng nhất là ở đây có một ông chủ tốt.
Hứa Gia Ấn đã từng làm giám đốc xưởng với hơn 300 nhân viên, và giờ ông bắt đầu làm lại từ đầu với công việc mới là nhân viên bán hàng. Ba tháng sau, Hứa Gia Ấn có đơn hàng đầu tiên và mang về cho công ty số tiền 15.4 nghìn USD. Thành tích này khiến ông chủ có cái nhìn khác về ông và quyết định thăng chức ông thành trưởng phòng.
Năm 1993, công ty này đã đăng ký thêm một công ty thương mại khác, công ty mới này hợp tác với Công ty Gang thép Vũ Dương, và Hứa Gia Ấn nghiễm nhiên trở thành giám đốc của công ty mới. Thế nhưng các mác "giám đốc" này chỉ là bức bình phong.
Sau khi công ty được đăng ký, ông chủ của công ty không đầu tư thêm tiền nữa, trong tuyệt vọng, Hứa Gia Ấn đã chạy đôn chạy đáo vay 15.4 nghìn USD, bắt đầu lần khởi nghiệp đầu tiên của mình. Thế nhưng, công ty của ông tồn tại một năm vẫn không có tiến triển gì.
Zhudao Garden: Bước nhảy vọt đầu tiên của Hứa Gia Ấn
Năm 1994, ông chủ cử Hứa Gia Ấn đến chi nhánh Trường Xuân làm việc với tư cách là giám đốc, nhưng Hứa Gia Ấn lại chọn đến Quảng Châu. Ngày Quốc khánh năm đó, Hứa Gia Ấn đưa một tài xế, một thu ngân và hai nhân viên, tổng cộng là 5 người, từ Thâm Quyến bay đến Quảng Châu và bắt đầu khởi nghiệp lần thứ hai trong đời.
Nhóm 5 người của Hứa Gia Ấn đã mua lại một công ty và nhận được một dự án bất động sản tên là Zhudao Garden. Dự án này có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển và phong cách tiếp thị của Hứa Gia Ấn và thậm chí là Evergrande sau này.
Zhudao Garden. Ảnh: Internet
Vào thời điểm đó, thị trường bất động sản Quảng Châu đang thịnh hành những ngôi nhà có diện tích lớn, thế nhưng Hứa Gia Ấn đã làm điều ngược lại. Vào giai đoạn đầu năm 1995, hàng trăm ngôi nhà mà Zhudao Garden bán ra đều có diện tích nhỏ, nhưng hiệu quả kinh doanh rất đáng ngạc nhiên. Vào giai đoạn 2 tháng 5 năm 1997, khi Zhudao Garden vừa bán được phân nửa số căn hộ, Hứa Gia Ấn đã quyết định dứt áo ra đi.
Trước khi rời đi, Hứa Gia Ấn đã nêu rõ quan điểm của mình với ông chủ: Giá trị của một người là sự phản ánh năng lực và cống hiến của người đó. Khi Hứa Gia Ấn rời khỏi công ty, những dự án mà ông đảm nhiệm đã thu về hơn 30.9 triệu USD. Thế nhưng, mức lương mà ông được trả chỉ có 464 USD mỗi tháng.
Từ lần nhảy việc đầu tiên, Hứa Gia Ấn đã thể hiện tính cách và quan niệm giá trị của mình: "Tôi là một người mạnh mẽ và tôi đang làm tốt những việc của mình. Làm không tốt là một chuyện, nhưng nếu làm tốt thì phải được đền đáp. Làm việc ở Công ty Vũ Dương 10 năm, 7 năm làm giám đốc xưởng, nhưng tôi vẫn không được đề bạt, thế nên chắc chắn tôi phải rời đi."
Nổ tiếng pháo đầu, phải nổ cho vang
Năm 1996, Hứa Gia Ấn đăng ký thành lập Công ty Bất động sản Evergrande (Hằng Đại) tại Quảng Châu và bắt đầu lần khởi nghiệp thứ ba của mình.
Hứa Gia Ấn tin rằng: "Nếu mua nhiều đất nhất có thể với số tiền ít nhất có thể, thì thời gian phát triển càng lâu dài." Vì vậy, ông đã chốt hạ dự án đầu tiên của Evergrande là lô đất của Nhà máy Thuốc trừ sâu Quảng Châu ở Đại lộ Công nghiệp Quảng Châu, thuộc quận Hải Châu.
Khu vực đại lộ công nghiệp ngày nay dân cư đông đúc, giá nhà ở trên 1,5 nghìn USD. Thế nhưng, ngày ấy lại là khu ngoại thành với nhiều nhà máy, ô nhiễm nghiêm trọng và cơ sở vật chất đô thị lạc hậu.
Hứa Gia Ấn bắt tay vào dự án xây dựng lại nhà máy, sau được đổi tên là Jinbi Garden, ông đã sao chép mô hình phát triển của Zhudao Garden lên Jinbi Garden - căn hộ nhỏ, lợi nhuận nhỏ nhưng bán ra nhanh, thu hồi vốn nhanh.
Ngày 8/8/1996, Jinbi Garden chính thức mở bán. Trong buổi sáng, toàn bộ 323 căn nhà đã được bán hết, với tổng số tiền thanh toán hơn 12.3 triệu USD. Doanh thu này đã giải quyết triệt để bài toán dòng tiền của Evergrande. Thành công của Jinbi Garden cũng là bước đệm cho sự phát triển của Evergrande.
Nhiều năm sau, Hứa Gia Ấn nói rằng việc triển khai Jinbi Garden năm đó đã khiến ông hiểu ra rằng: Ở bất kỳ thời điểm nào, vấn đề quan trọng nhất đối với hoạt động kinh doanh chính là dòng tiền, đặc biệt là trong giai đoạn ban đầu. Có lẽ quan niệm này là nền tảng giúp Hứa Gia Ấn đưa Evergrande thoát khỏi những cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.
Ông đã từng vượt mặt Mã Vân để trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: Internet
Sự thay đổi ý thức: Thị trường luôn đúng!
Đến năm 1999, Evergrande đã đứng ở vị trí thứ 7 trong top 30 công ty bất động sản hàng đầu của Trung Quốc. Trong liên tiếp 3 năm 2004 - 2006, Evergrande luôn nằm trong top 10 trong số 100 công ty bất động sản hàng đầu của Trung Quốc.
Năm 2004 chính là bước ngoặt đối với Evergrande: Trước đó, Evergrande luôn dựa vào quy mô để thắng thế, nhưng sau khi vượt qua giai đoạn tích lũy vốn ban đầu, Evergrande bắt đầu phát triển theo hướng "quy mô thương hiệu".
Bước đi đầu tiên của Hứa Gia Ấn để đánh bóng thương hiệu chính là phát triển nhà trưng bày. Tiêu chuẩn trang trí tại Jinbi Garden đã được nâng từ 61.8 USD mỗi mét vuông lên 309.4 USD và 464 USD như ngày nay.
Hứa Gia Ấn gọi đó là "sự thay đổi ý thức". Bất luận là sản phẩm trung cấp hay cao cấp, miễn là chất lượng căn hộ tốt thì tỷ lệ đầu vào - đầu ra sẽ cao. Thế nên, ngày nay giới truyền thông đã quen với nhiều chiến lược khác nhau của Evergrande.
Tất nhiên, Evergrande không thể tránh khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Thời điểm đó, Evergrande có 32 bất động sản thuộc sở hữu nhà nước với 9,06 triệu m2 đang được xây dựng, cộng với việc thu hồi đất quy mô lớn, khoảng cách hơn 1.5 tỷ USD đã tác động rất lớn đến tập đoàn.
Vòng xoay bất động sản kịch tính thế đấy. Có người nói chỉ cần qua cơn sóng dữ, mọi chuyện sẽ lại bình yên; cũng có người nói rằng đó chính là sự khởi đầu của thời kỳ khó khăn. Nhưng Hứa Gia Ấn lại nói: "Triết lý của tôi là nhân viên phải làm việc chăm chỉ để kiếm ăn. Và tất nhiên, tôi không hề làm khó nhân viên của mình. Tôi không quan trọng sĩ diện, người ta nói tôi tốt hay xấu cũng được. Người khác nói Evergrande không có tòa nhà riêng của mình, tôi cũng không quan tâm."
Theo đuổi sự thực dụng là cách sống sót của Hứa Gia Ấn.
Trong giai đoạn khó khăn nhất năm 2007 và 2008, một mặt, Hứa Gia Ấn lấy lại vốn dựa vào việc bán hàng chục bất động sản trên khắp Trung Quốc với giá khuyến mãi, ông đã nhanh chóng thu về số tiền khổng lồ. Mặt khác, ông bí mật ký những thỏa thuận tài trợ với các ngân hàng đầu tư quốc tế và các nhà tài phiệt Hong Kong. Bất chấp điều kiện khó nuốt và thậm chí có phần mạo hiểm, Evergrande đã sống sót qua mùa khủng hoảng khắc nghiệt nhất.
"Thị trường luôn đúng. Những lúc ế ẩm, ta muốn bán giá cao thì không ai mua, đến khi ta hết cách, chỉ còn cách bán ra với giá rẻ. Những bất động sản chúng tôi bán năm ngoái với giá rẻ, đến bây giờ tôi vẫn thấy xót. Nhưng không có cách nào khác, điều kiện thị trường vào thời điểm đó buộc tôi phải làm thế."
Hiện tại, Evergrande đã đạt được mục tiêu phát triển thứ 4 và vươn ra trường quốc tế. Bắt đầu từ năm 2006 tại Quảng Châu, Evergrande đã mở rộng thị trường tới 23 tỉnh thành chỉ trong vòng một năm rưỡi.
Nguồn: Zhihu
Lưu Ly