Dự án tổ hợp Vinabeef được khởi công trên tổng diện tích 75,6 ha tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, gồm 2 phân khu chính: trang trại nuôi bò thịt và nhà máy chế biến thịt bò mát.
Dự án do công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật (gọi tắt là JVL) – liên doanh giữa Vilico (Vinamilk) và tập đoàn Sojitz Nhật Bản đầu tư với quy mô hợp tác 3.000 tỷ đồng, trong đó, tổng mức đầu tư xây dựng cụm trang trại, nhà máy tại Tam Đảo là 1.670 tỷ đồng.
Bên lề sự kiện, ông Yoichi Harumoto – Tổng Giám đốc của Công ty JVL đã có những chia sẻ về dự án này.
Xin chào ông Yoichi Harumoto. Xin được hỏi, ông đánh giá như thế nào về nhu cầu thịt bò chuẩn, sạch ở thị trường Việt Nam?
Thịt bò là một thực phẩm giàu đạm và dinh dưỡng, được ưa chuộng ở Việt Nam không chỉ trong những bữa ăn gia đình hàng ngày mà còn được chế biến thành nhiều món ngon trong các quán ăn, nhà hàng…
Hiện nay, lượng cung lớn thịt bò cho nhu cầu của người tiêu dùng đến từ nhập khẩu. Mục tiêu JVL hướng đến là dần thay thế lượng thịt bò nhập khẩu này. Trong tương lai, khi đáp ứng được các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước lân cận ở Châu Á, chúng tôi sẽ lên kế hoạch xuất khẩu ra các thị trường khác.
JVL có phải là nhà sản xuất tiên phong tham gia vào thị trường thịt bò sạch tại Việt Nam không, thưa ông?
Trên thị trường hiện nay đã có một số công ty quy mô vừa và nhỏ cung cấp sản phẩm thịt bò mát. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp sản xuất thịt bò mát với công nghệ hiện đại và quy mô như dự án của JVL, nên chúng tôi tự hào là tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò công nghệ cao Việt – Nhật tiên phong tại Việt Nam.
Dự kiến khi được đưa vào hoạt động vào năm 2024-2025, với trang trại chăn nuôi có sức chứa 10.000 con bò và nhà máy chế biến thịt bò mát công suất 30.000 con/năm, JVL có thể cung cấp tới 10.000 tấn sản phẩm ra thị trường mỗi năm.
Khi chọn Vĩnh Phúc là nơi đặt trang trại và nhà máy tiên phong tại miền Bắc, JVL đã nhận thấy những lợi thế gì của vùng đất này?
Khi nghiên cứu tiền dự án, chúng tôi cũng có tìm hiểu một số địa phương tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy về ở Vĩnh Phúc mùa thu và đông có nền nhiệt thấp hơn phương Nam rất nhiều, đó là điều kiện thuận lợi để vỗ béo bò thịt.
Ngoài ra, vị trí địa lý của Vĩnh Phúc gần thị trường lớn ở khu vực Bắc Bộ, gần sân bay, cầu cảng, hệ thống đường xá, hạ tầng hoàn chỉnh…, đặc biệt có ý nghĩa với việc phân phối sản phẩm tươi sống vốn cần tối ưu thời gian vận chuyển trong điều kiện bảo quản nghiêm ngặt.
Xin hỏi ông, JVL sẽ sử dụng những công nghệ nổi bật nào?
Tại Việt Nam, chúng tôi muốn tiên phong xây dựng tiêu chuẩn chế biến thịt bò tiệm cận với các tiêu chuẩn hàng đầu của thế giới. Qua đó, cung cấp tới tay khách hàng sản phẩm thịt bò tươi sạch, vừa đảm bảo an toàn vừa trọn vẹn dinh dưỡng.
Các thiết bị, công nghệ được sử dụng tại nhà máy chế biến và trang trại đều được nhập khẩu từ Châu Âu, Nhật Bản. Con giống được tuyển chọn từ trang trại Vinamilk, được nuôi và chăm sóc kỹ lưỡng trong vòng 21 tháng theo công nghệ chăn nuôi hướng thịt đang được sử dụng phổ biến ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, chúng tôi không áp dụng rập khuôn 100% công nghệ sử dụng tại Nhật Bản mà sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam để đạt kết quả cao nhất.
Theo ông đâu sẽ là lợi thế cạnh tranh của JVL khi sản phẩm được đưa ra thị trường?
Chúng tôi tự tin sự khác biệt sẽ là thế mạnh của JVL so với các công ty khác trên thị trường. Dự án được phát triển một vòng tròn chăn nuôi – sản xuất – chế biến – phân phối khép kín, từ con giống cho đến thành phẩm cuối cùng. Trong một chu trình khép kín, tất cả các khâu đều có khả năng truy vết nên vấn đề xuất hiện ở đâu sẽ nhanh chóng được phát hiện và kiểm soát.
Đây cũng là điều chúng tôi tự hào, bởi Vinabeef được đưa ra thị trường đều là những sản phẩm thịt bò chuẩn sạch, áp dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Nhật. Lấy lợi thế trong quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đảm bảo các chỉ tiêu dinh dưỡng của thành phẩm mà theo tôi là điểm cạnh tranh nhất khi JVL đưa sản phẩm ra thị trường. Chúng tôi đặt mục tiêu tạo ra thương hiệu thịt bò Vinabeef với ba tiêu chí: sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, đạt chất lượng quốc tế và giá thành cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu.
Khi dự án đi vào hoạt động dự kiến sẽ đem lại những tác động kinh tế - xã hội nào đến địa phương nơi đặt nhà máy, thưa ông?
Về lâu dài, tham vọng mà JVL hướng tới là tạo ra một thương hiệu có giá trị cho địa phương Tam Đảo – Vĩnh Phúc.
Sau này khi nhắc đến thịt bò của Việt Nam, người ta sẽ nghĩ đến bò Vinabeef của Tam Đảo.
Nếu một vùng đất xây dựng thành công thương hiệu, bằng cách này hay cách khác, sẽ hỗ trợ sự phát triển kinh tế của địa phương và người dân sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế này. Đây cũng là mong muốn của công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật khi được thành lập, không chỉ đem đến cho người tiêu dùng Việt những sản phẩm bò thịt chất lượng, an toàn mà còn xây dựng một doanh nghiệp bền vững, góp phần phát triển ngành chăn nuôi công nghệ cao tại Việt Nam nói chung và đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, xã hội và địa phương nói riêng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.