OPEC cân nhắc loại bỏ Nga khỏi các thoả thuận sản xuất dầu

(Tổ Quốc) - Trong vài tháng qua, Nga đã không đạt được hạn ngạch cần thiết theo cam kết trong liên minh OPEC+. Nếu việc loại bỏ Nga được thông qua, nước này sẽ tự do tăng/giảm sản lượng dầu theo nhu cầu mà không chịu ràng buộc nào từ OPEC.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã bắt đầu ảnh hưởng đến sản lượng dầu của Moscow. Một số thành viên OPEC đang lên ý tượng về việc loại bỏ Nga khỏi các thoả thuận sản xuất dầu khi các lệnh trừng phạt của phương Tây và lệnh cấm nhập khẩu một phần dầu Nga từ châu Âu đã làm giảm khả năng sản xuất dầu của Nga, các đại biểu OPEC cho biết.

Việc loại trừ Nga khỏi các thoả thuận sản xuất dầu có thể mở đường cho Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các nước khác thuộc Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bơm thêm một lượng lớn dầu thô ra thị trường – điều mà Mỹ và châu Âu buộc họ phải làm khi giá dầu vọt lên trên 100 USD/thùng sau xung đột Nga – Ukraine.

OPEC cân nhắc loại bỏ Nga khỏi các thoả thuận sản xuất dầu - Ảnh 1.

Loại Nga khỏi các thoả thuận sản xuất dầu có thể mở đường cho các nước OPEC gia tăng sản lượng.

Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới (sau Ả Rập Xê Út và Mỹ), đồng thời là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới (sau Ả Rập Xê Út). Năm ngoái, quốc gia này và 9 quốc gia khác đã đồng ý với OPEC bơm thệm dầu thô mỗi tháng. Tuy nhiên, sản lượng của nước này dự kiến giảm khoảng 8% trong năm nay.

Cho đến nay, chưa có động thái chính thức nào của OPEC cho thấy họ sẽ bơm thêm dầu để bù đắp sự thiếu hụt đến từ Nga. Tuy nhiên, một số thành viên ở khu vực Vịnh Ba Tư đã bắt đầu kế hoạch tăng sản lượng trong vài tháng tới.

13 thành viên của OPEC và 10 nhà sản xuất ngoài OPEC nhóm họp vào hôm nay (2/6), dự kiến thông qua kế hoạch tăng 432.000 thùng/ngày – một phần của kế hoạch đưa sản lượng trở lại mức trước đại dịch. Cùng với nhau, các nhà sản xuất này tự gọi mình là OPEC .

Mỹ và các nước châu Âu cho rằng thoả thuận này (tăng 432.000 thùng/ngày) không đủ để ổn định thị trường dầu mỏ nhưng OPEC đã từ chối tiếp tục tăng thêm sản lượng.

Mặc dù Nga không phải thành viên của OPEC nhưng nước này đã phối hợp sản xuất dầu với OPEC từ năm 2016 trong một liên minh kiểm soát hơn một nửa sản lượng dầu thô của thế giới. OPEC giúp Nga tạo ra sự ảnh hưởng lớn trên thị trường dầu mỏ.

Hiệp ước giữa các nước này được gọi là Tuyên bố hợp tác hoặc DoC. Tuy nhiên giờ đây các thành viên OPEC, với nòng cốt là nhóm nhà sản xuất dầu ở khu vực Vịnh Ba Tư đã bắt đầu tranh luận về việc liệu Moscow có thể phải ngừng tham gia vào kế hoạch gia tăng sản lượng của nhóm hay không.

Sản lượng của Nga đã giảm kể từ khi nước này tiến công quân sự vào Ukraine, và có khả năng sẽ giảm hơn nữa, theo dự đoán của chính Nga.

"Tất cả chúng tôi đều nhất trí rằng về mặt kỹ thuật, Nga không tham gia hiệu quả vào DoC lúc này", một đại biểu OPEC cho biết.

Thực tế, OPEC đã thảo luận về việc miễn trừ Nga khỏi các thoả thuận sản xuất dầu trước khi EU đồng ý cấm mua dầu thô của Nga. Tuy nhiên, lệnh cấm đã thúc đẩy các cuộc thảo luận mạnh mẽ hơn bởi OPEC sẽ phải ứng phó với việc sản lượng dầu từ Nga tụt lại.

Trước đây, OPEC đã có tiền lệ loại bỏ các mục tiêu sản xuất bắt buộc đối với một số thành viên, chẳng hạn như Iraq khi nước này bị trừng phạt vào những năm 1990. Libya, Venezuela và Iran hiện đều được miễn trừ mọi nghĩa vụ trong việc đáp ứng các mục tiêu của OPEC.

OPEC cân nhắc loại bỏ Nga khỏi các thoả thuận sản xuất dầu - Ảnh 2.

Rủi ro nằm ở chỗ nếu OPEC buộc phải cắt giảm sản lượng, Nga sẽ đứng ngoài các yêu cầu của nhóm này.

Nga đã không đạt được hạn ngạch sản xuất cam kết trong vài tháng qua. "Không có ý nghĩa gì khi bắt họ phải tuân theo một hạn ngạch", một đại biểu OPEC nói.

Mặc dù vậy, WSJ tin rằng OPEC vẫn sẽ giữ Nga làm đồng minh để chờ đợi ngày sản lượng của nước này khôi phục trở lại. Ngay cả khi giảm sản lượng, Nga vẫn bơm nhiều dầu hơn tất cả các nước khác, ngoại trừ Ả Rập Xê Út và Mỹ.

Tuy nhiên, một số thành viên lo ngại việc miễn trừ các mục tiêu sản xuất của Nga sẽ làm suy yếu sự gắn kết trong OPEC . Nga vẫn giữ vị trí quan trọng trong nhóm nhưng lại không cần tham gia vào việc nâng hoặc cắt giảm sản lượng.

"Không có Nga, khái niệm OPEC sẽ là gì?", một đại biểu OPEC nói.

Nếu nhóm phải quyết định cắt giảm sản lượng trong lương lai – luôn là một quyết định khó khăn vì các thành viên sẽ bị sụt giảm doanh thu – trong khi Nga có thể nói không vì đứng ngoài các thoả thuận. "Nguy cơ của việc cho phép Nga tự do hạn ngạch là khi chúng tôi bị buộc phải cắt giảm, Nga sẽ kháng cự lại", một quan chức OPEC cho biết.

Đức Nam

Tin mới