(Tổ Quốc) - Sau thời gian dài du lịch bị "đóng băng" vì dịch bệnh, thời gian gần đây, ngành này đang cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực. Theo đó, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có nhiều triển vọng mới.
Theo số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, trong Quý 1/2022, khách quốc tế đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 82,3 nghìn lượt người, chiếm gần 90,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 165,2%. Du lịch nội địa cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với lượng khách ước đạt 26,1 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch 3 tháng đầu năm ước đạt 111,2 nghìn tỷ đồng). Nhiều chuyên gia cho rằng, tín hiệu tốt từ du lịch sẽ mở cửa cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển.
Bất động sản nghỉ dưỡng là một kênh đầu tư có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển bền vững. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại ngành du lịch đang từng bước chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ. Cùng với đó, mặt bằng giá bán bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia, Phillippin, Indonesia,… và trên thế giới. Dự thảo cấp sổ đối với loại hình condotel, officetel có khả năng được áp dụng trong thời gian sắp tới (dự kiến bổ sung điều 32a vào nghị định 43/2014/NĐ-CP).
Cùng với đó, tầm nhìn định hướng phát triển cụ thể, rõ ràng của Chính phủ để phát triển ngành du lịch trong trung và dài hạn (Nghị quyết 08-NQ/TW; Quyết định 147-QĐ/TTg trong đó nêu rõ tầm nhìn đến năm 2025 ngành du lịch phấn đấu đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và đạt ít nhất 50 triệu lượt vào năm 2030. Năm 2022 mục tiêu đón trên 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch 400.000 tỷ đồng).
Trong quý I/2022, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đã có những điểm sáng đáng ghi nhận, nổi bật là phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng với nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng mạnh, lần lượt gấp 12,4 lần và 14,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại đến từ những yếu tố khách quan và chủ quan như: bất ổn chính trị trên thế giới; chính sách Zero-Covid của một số quốc gia đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch đến Việt Nam; những khó khăn, bất cập trong công tác triển khai cấp sổ cho condotel và officetel;… gây nguy cơ làm ảnh hưởng đến ngành du lịch cũng như thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tầm nhìn từ trung và dài hạn vẫn có thể lạc quan về sự tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam nói chung cũng như thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng trong thời gian sắp tới. Trong tương lai, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là một trong những phân khúc chủ đạo dẫn dắt thị trường bất động sản bởi 4 động lực chính tác động đến sự hồi phục của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Thứ nhất, du lịch được khởi động và ghi nhận những bước tăng trưởng. Từ cuối năm 2021 đến nay, sự tự do di chuyển trong bối cảnh bình thường mới đã giúp thị trường du lịch nội địa nóng trở lại. Đồng thời, việc mở cửa lại đường bay quốc tế từ ngày 15/3 kết hợp với chương trình hộ chiếu vắc xin tiếp tục mang đến cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam phục hồi. "Du lịch phát triển sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trở lại đường đua và điểm rơi có thể bắt đầu từ quý II năm nay", ông Thắng nhận định.
Thứ hai, bất động sản nghỉ dưỡng chứng kiến những diễn biến sôi động ở một số phân khúc như biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng trong quý đầu năm với nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia dự báo trong năm 2022, các thị trường truyền thống có thương hiệu du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,… sẽ phục hồi và có những bước trỗi dậy mạnh mẽ.
Thứ ba, việc hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư 2020 và Luật Đất đai 2013 liên quan đến pháp lý của bất động sản du lịch sẽ tạo ra tiền đề tích cực cho bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc. Dự kiến trong năm nay, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình condotel, officetel và shophouse để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Đây là một trong những nền tảng vững chắc thúc đẩy tốc độ phát triển và củng cố niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư vào các phân khúc này.
Thứ tư, thị trường bất động sản, du lịch Việt Nam trong hai năm (2020 - 2021) vừa qua chứng kiến sự gia nhập của nhiều chủ đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính với những dự án quy mô lớn từ vài trăm đến hàng nghìn ha.
Bên cạnh đó, bất chấp những ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều thương hiệu quản lý - vận hành quốc tế 4 - 6 sao có mặt tại các tâm điểm du lịch góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, hướng đến thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Song song với những tín hiệu lạc quan về du lịch, tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý liên tiếp trong những tháng đầu năm 2022, các yếu tố về chính sách và kinh tế vĩ mô của Nhà nước như gói hỗ trợ 350.000 tỷ của Chính phủ để kích cầu và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau dịch, phân bổ ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông,… đang mở ra nhiều cơ hội mới để các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung phát triển sôi động trở lại.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhiều địa phương sau thời gian ngưng trệ hoạt động vì đại dịch rất khao khát mở cửa, phục vụ du khách. Với lực đẩy từ gói hỗ trợ kích thích kinh tế, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ như chiếc lò xo bị nén, bật mạnh sau nhiều năm “ngủ đông”. Đặc biệt, nếu so về giá thì bất động sản nghỉ dưỡng tại các dự án chưa tăng quá nhiều so với chung cư, đất vùng ven trong 2 năm qua. Đó là lý do để phân khúc này thu hút nhà đầu tư trở lại.
Minh Tâm