Đâu là những điều kiện để doanh nghiệp Việt phát triển thành công với Công nghiêp 4.0 và chuyển đổi số? Nghiên cứu từ Đại học RMIT "vén màn" góc nhìn của người trong cuộc.
"Doanh nghiệp đang chuẩn bị như thế nào để chuyển đổi số với Công nghiệp 4.0? Phản ứng của người trong cuộc ra sao? Và đội ngũ lãnh đạo cần triển khai những chiến lược gì để chuyển đổi thành công?"
Để trả lời các câu hỏi trên, nhóm chuyên gia kinh doanh toàn cầu tại Đại học RMIT Việt Nam đã thực hiện dự án nghiên cứu với 112 CEO, giám đốc và quản lý các cấp khác nhau của doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ thuộc chín lĩnh vực trọng điểm.
Trưởng nhóm nghiên cứu Tiến sĩ Vũ Thị Kim Oanh cho biết: "Kết quả cho thấy doanh nghiệp đã có được điều kiện cần cho sự phát triển, đó là nhận thức rõ nét về cơ hội mà chuyển đổi số tạo ra. Tuy nhiên, việc thực thi chuyển đổi như thế nào đòi hỏi một chùm những điều kiện đủ, có thể quyết định tốc độ phát triển và thành công hay thất bại của doanh nghiệp".
Điều kiện đủ thứ nhất là sự chuẩn bị của doanh nghiệp, đòi hỏi tập hợp các nguồn lực dựa trên hiểu biết về chuyển đổi số gồm: công nghệ phù hợp, nhân lực có khả năng thực thi và năng lực "đóng gói" được các kế hoạch triển khai cốt lõi. Trong đó, 82,5% các nhà quản lý muốn dành ưu tiên cho đào tạo, tiếp theo là truyền thông, xây dựng chính sách và tuyển dụng.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ các yếu tố bên ngoài như chính sách của Chính phủ, bài học thành công từ những người đi trước, đầu ra của các ngành nghề liên quan, khoảng 86,2% các nhà quản lý cho rằng hỗ trợ nội bộ là rất quan trọng.
"Doanh nghiệp đặc biệt cần sự chủ động từ đội ngũ nhân viên, thể hiện qua tinh thần sẵn sàng học hỏi, nỗ lực đồng hành vượt qua thay đổi khi đưa công nghệ vào vận hành, và can đảm đối mặt với nguy cơ thất bại", Tiến sĩ Oanh giải thích thêm.
Theo đồng tác giả nghiên cứu Tiến sĩ Abel Duarte Alonso, điều kiện đủ thứ hai là nhận diện kịp thời phản ứng của hệ thống, cụ thể là phản ứng của đội ngũ nhân viên.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra ba nhóm phản ứng chính từ nhân viên: thích nghi tích cực (45,5%), chưa thực sự sẵn sàng (38,2%), và thích nghi tiêu cực (16,3%). Phần lớn những nhân viên tích cực thuộc Gen Z. Họ chủ động tiếp nhận công nghệ một cách nhanh nhạy và yêu thích khám phá.
"Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận không nhỏ nhân viên thể hiện sự hoài nghi hoặc thiếu tự tin trước môi trường công nghệ mới, khiến họ chần chừ và chưa tích cực phối hợp hành động cùng tổ chức. Ngoài việc thiếu kiến thức bài bản về công nghệ và sợ mắc lỗi, họ ngại đối đầu với khối lượng công việc mới phát sinh trong giai đoạn đầu chuyển đổi", Tiến sĩ Alonso cho biết.
Đưa ra các chiến lược phù hợp để quản trị quá trình chuyển đổi số là điều kiện đủ thứ ba. Đứng trước thách thức từ việc bộ máy nhân sự chưa sẵn sàng và có phản ứng tiêu cực, 66,2% người đứng đầu doanh nghiệp cho biết họ cần phải thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết vai trò lãnh đạo của mình.
"Họ cần xây dựng niềm tin trong nhân viên, đồng thời dẫn dắt, truyền cảm hứng cũng như hỗ trợ nhân viên trong toàn bộ quá trình chuyển đổi thông qua các hoạt động định hướng, truyền thông nội bộ, đào tạo, v.v.", Tiến sĩ Oanh nhận định.
Bên cạnh đó, 40% ý kiến phản ánh rằng việc lắng nghe phản hồi của nhân viên là cần thiết để doanh nghiệp đưa ra được quyết định đầu tư chất lượng cũng như chọn ra công nghệ sát với thực tế vận hành và thực sự hữu ích cho người trực tiếp sử dụng công nghệ.
Theo Statista (2022), vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam trong năm 2021 đạt giá trị cao kỷ lục (hơn 1.442 triệu đô la Mỹ), tăng mạnh so với năm trước (451 triệu đô la Mỹ). Ngoài ra, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn chiếm tỉ trọng rất cao trong GDP của Việt Nam năm nay.
Theo chủ nhiệm cấp cao ngành Kinh doanh toàn cầu Đại học RMIT Tiến sĩ Erhan Atay, điều này cho thấy sự chuyển mình ấn tượng của thị trường Việt Nam trong nền kinh tế số và môi trường toàn cầu hóa mới. Điều này cũng báo hiệu rằng doanh nghiệp trong nước đang chuẩn bị sẵn sàng để chinh phục sân chơi toàn cầu trong bối cảnh mới.
"Một thế giới năng động và kết nối số chính là thực tế mà sinh viên ngành Kinh doanh toàn cầu RMIT đang được chuẩn bị để làm chủ. Biên giới địa lý đang ngày càng trở nên mờ nhạt đối với hoạt động kinh doanh. Lãnh đạo doanh nghiệp tương lai phải hiểu được mối liên hệ của các hoạt động khác nhau giữa các tổ chức, quốc gia và ngành nghề, cũng như cách thức Công nghiệp 4.0 và số hóa đang định hình toàn bộ hệ sinh thái đó", Tiến sĩ Atay nói.