Sau hơn một thập kỷ tiên phong dẫn dắt sự phát triển AI, ông Nguyễn Thế Phương cho rằng FPT đang hướng tới việc cung cấp các giải pháp AI toàn diện trên toàn cầu.
"Chúng ta mới chỉ đi được 1 – 2 bước trong cuộc cách mạng AI"
Giai đoạn 2023-2024, chứng khoán toàn cầu được dẫn dắt bởi ngành công nghệ với làn sóng bùng nổ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI). Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến C2C – Connecting to Customers với chủ đề "FPT: Dẫn đầu AI – Cú hích tăng trưởng" do Chứng khoán HSC tổ chức mới đây, bà Vũ Thị Thu Thủy - Giám đốc Thông tin và Nhận định Thị trường, Khối KHCN nhận định trí tuệ nhân tạo không phải là khái niệm mới với làn sóng đầu tiên diễn ra 2018-2023 cùng với sự ra đời của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong chuỗi giá trị trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng là lớp trên cùng, được tạo nên để phục vụ cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Lớp dưới đó là cơ sở hạ tầng dữ liệu với hàng loạt các công cụ, hệ thống nền tảng ví dụ như dịch vụ điện toán đám mây (Cloud service) cho các ứng dụng được vận hành. Nằm dưới cùng là hệ thống phần cứng, với các siêu chip có khả năng xử lý dữ liệu lớn, tốc độ nhanh như chip bán dẫn của Nvidia, AMD…
Dẫn theo McKinsey, làn sóng bùng nổ GenAI còn đang tiếp diễn 3-5 năm tới và 2024 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của tầng giữa - cơ sở hạ tầng dữ liệu, với giá trị gia tăng lớn nhất cũng như sự cạnh tranh lớn nhất nằm ở tầng ứng dụng trên cùng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Phương – Phó Tổng Giám đốc kiêm CFO FPT, Chủ tịch FPT Smart Cloud đánh giá lạc quan về sự phát triển của AI trong thời gian tới. Thị trường Generative AI toàn cầu đã đạt 196,63 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 37,3% trong giai đoạn 2023 đến 2030.
Lãnh đạo FPT cho rằng AI đem lại hai lợi ích chính cho doanh nghiệp là tăng doanh thu và hiệu quả hoạt động. Theo McKinsey, Generative AI cũng tiết kiệm 26.000 tỷ USD đến 44.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. "Với những giá trị đó, chúng tôi rất tin tưởng vào tiềm năng rộng mở của AI trong thời gian tới", ông Nguyễn Thế Phương cho biết.
Ông Lê Hồng Việt - Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud cũng cho rằng Việt Nam có dân số trẻ và là quốc gia có mong muốn tiếp nhận AI trong top đầu Đông Nam Á. Thực tế trí tuệ nhân tạo đã đi sâu vào từng ngõ ngách trong đời sống của người dân Việt Nam và tạo ra giá trị trên nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ, y tế dược phẩm.
"Tôi cho rằng đây chỉ là thời điểm ban đầu, tiềm năng AI còn lớn mạnh và có thể đem lại nhiều giá trị hơn nữa. Chúng ta mới bước được 1-2 bước trong cuộc cách mạng AI và còn một hành trình khá dài phía trước", Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud nhấn mạnh.
FPT tiên phong hệ sinh thái AI toàn diện
Thực tế, các doanh nghiệp Việt đã sớm đặt những viên gạch đầu tiên vào tất cả các tầng của chuỗi giá trị AI. Xu hướng chuyển dịch sản xuất của các công ty công nghệ sang Việt Nam đang mang lại các cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt để học hỏi, đi tắt đón đầu vươn lên trong chuỗi giá trị. Với vị thế của người tiên phong trên thị trường AI và vai trò của doanh nghiệp tham gia thiết kế chip, FPT kỳ vọng sẽ được hưởng lợi lớn từ xu hướng này.
Đặt chân vào thị trường AI từ năm 2013, FPT đã xác lập được vị thế công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam với hàng loạt sản phẩm "công nghệ Việt Nam nhưng vị thế toàn cầu". Năm 2023, FPT tập trung vào lĩnh vực AI tạo sinh (Generative AI) và Thị giác máy tính (Computer Vision). Bên cạnh đó, mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với Nila, Landing AI và mới nhất là hợp tác chiến lược với Nvidia.
Phân tích rõ hơn về vai trò của FPT trong chuỗi giá trị, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud Lê Hồng Việt cho rằng sự tiến bộ AI ngày nay gắn chặt với sự tiến bộ về công nghệ, thuật toán đám mây và với việc hợp tác chiến lược cùng Nvidia xây nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory), FPT sẽ cung cấp dịch vụ đám mây GPU giúp khách hàng doanh nghiệp trên toàn cầu tiếp cận với nguồn lực cốt lõi để nâng cao năng lực nghiên cứu, đẩy nhanh tốc độ ứng dụng AI, đặc biệt là AI tạo sinh...
Bên cạnh đó, FPT đã xây dựng rất nhiều mô hình AI ngôn ngữ, hình ảnh, lập trình, thiết kế và đưa ứng dụng vào tất cả các lĩnh vực để AI có nền tảng kiến thức đa dạng. Sau đó, FPT cung cấp nền tảng để người dùng và doanh nghiệp có thể ứng dụng một cách hiệu quả. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cung cấp những giải pháp toàn diện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Như vậy có thể thấy FPT đang tham gia và gắn kết chặt chẽ vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị về trí tuệ nhân tạo, từ nền tảng đến mô hình, sản phẩm và giải pháp.
"Vũ khí" cạnh tranh giúp FPT đi đầu trên thị trường AI
Lợi thế cạnh tranh của FPT được lãnh đạo FPT Smart Cloud nhận diện trên một số yếu tố chính.
Thứ nhất, FPT có quyết định sáng suốt khi đầu tư AI khi công nghệ mới chỉ mới manh nha. Đi trước các đối thủ trên thị trường tới 5 năm, hiện FPT đang cung cấp 20 sản phẩm, giải pháp khác nhau cho các doanh nghiệp trong nước, dựa trên lợi thế ngôn ngữ về sự am hiểu về những tài liệu đặc thù của Việt Nam.
Với chiến lược AI hoá mọi hoạt động, FPT có vô số kiến tạo và lựa chọn sản phẩm phù hợp với thị trường. Điều này giúp doanh nghiệp công nghệ này giữ thị phần lớn mạnh trong nước, minh chứng là 2/3 đơn vị trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đang sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của FPT.
Thứ hai, không chỉ giải bài toán do FPT nghĩ ra, doanh nghiệp đang phát triển mô hình AI thông qua sự hợp tác người hưởng thụ và người tạo ra công nghệ, có nghĩa trao đổi và đào tạo khách hàng về việc ứng dụng AI như thế nào để tăng trưởng kinh doanh trong các mảng cụ thể. Đây đã trở thành mô hình rất phù hợp tại thị trường Việt Nam khi AI còn rất mới và khách hành có thể chưa hiểu hết giá trị công nghệ mang lại", Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud cho biết.
Thứ ba, trải qua một thập kỷ tiên phong hệ sinh thái AI toàn diện, FPT tự hào sở hữu đội ngũ chuyên gia AI rất lớn và vẫn còn tiềm năng mở rộng hơn nữa trong tương lai khi đầu tư Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI tại Quy Nhơn. Lãnh đạo FPT tin tưởng Việt Nam có đông đảo lực lượng lao động giỏi thuật toán sẽ bổ sung nguồn lực AI mạnh mẽ trong thời gian tới và đây sẽ là điểm sáng giúp Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm AI trên toàn cầu.
Các sản phẩm AI của FPT đều mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp, đơn cử như sản phẩm chuyển đổi trung tâm chăm sóc khách hàng của Home Credit, trợ lý ảo thông minh VCB digibot (Vietcombank) hay nâng cao chất lượng nhân sự với FPT AI Mentor (Long Châu),...
AI sẽ là cú hích tăng trưởng cho FPT giai đoạn tới
Sau hơn một thập kỷ tiên phong dẫn dắt sự phát triển AI, ông Nguyễn Thế Phương cho rằng FPT hướng tới việc cung cấp các giải pháp AI toàn diện trên toàn cầu. AI sẽ là cú hích tăng trưởng cho doanh nghiệp dựa trên ba mục tiêu chính.
Thứ nhất, phục vụ nhu cầu phát triển nội bộ: tăng doanh thu, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả hoạt động. Trong khi lợi nhuận tăng trưởng bền vững 20% mỗi năm, đội ngũ nhân sự công nghệ tăng không đáng kể cho thấy hiệu quả hoạt động của FPT.
Thứ hai, cơ hội kinh doanh chiến lược trực tiếp từ sản phẩm/dịch vụ AI và cơ hội gián tiếp từ làn sóng AI ở bốn mảng chính là sản xuất, công nghệ oto, tài chính ngân hàng, y tế.
Thứ ba, hiện thực hoá mục tiêu ghi danh Việt Nam trên bản đồ trí tuệ nhân tạo thế giới, đưa Việt Nam trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của khu vực, từ hạ tầng, ứng dụng, dịch vụ.
Theo kế hoạch kinh doanh 2024, FPT đặt kế hoạch tăng trưởng cao cho mảng Công nghệ với 21% doanh thu và 25% lợi nhuận trước thuế, lần lượt đóng góp 61% và 47,8% cho FPT. Để mảng xuất khẩu phần mềm chạm mốc doanh thu 5 tỷ USD vào 2030, trong 3 năm tới FPT chủ trương tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh chuyển đổi xanh và bắt đầu chuyển đổi thông minh, tham gia sâu vào lĩnh vực Automotive, chip bán dẫn,…
FPT cũng có kế hoạch đầu tư riêng 300 tỷ đồng vào lĩnh vực R&D cho AI (2021-2025), đáng chú ý nhất là việc hợp tác chiến lược toàn diện với Nvidia, đầu tư 200 triệu USD cho hạ tầng AI Factory. "Chúng tôi tự tin nắm bắt cơ hội khi thị trường AI bùng nổ thời gian tới", ông Nguyễn Thế Phương cho biết.
Với thương vụ hợp tác với Nvidia xây dựng Nhà máy AI, lãnh đạo FPT cho rằng điều mà Nvidia nhìn thấy tại FPT là tiềm năng từ thị trường Nhật bản - chiếm 50% doanh thu toàn cầu của doanh nghiệp. Hiện Nhật Bản đang khá chậm chân trên đường đua AI và có tiềm năng đầu tư mạnh mẽ hơn nữa và đây cũng là thị trường mà FPT sẽ tập trung phát triển trong giai đoạn tới.
Trả lời câu hỏi nhà đầu tư việc hợp tác Nvidia bao giờ đem lại doanh thu, lợi nhuận, lãnh đạo FPT cho rằng tuỳ tiến độ tiến độ đầu tư và giao hàng, nhưng khoản đầu tư 200 triệu USD kỳ vọng sẽ hoàn vốn khá nhanh trong thời gian 3-5 năm. Doanh thu đến từ hai phần chính là đầu tư cho hạ tầng AI Factory và Global Systems Integrator, trong đó phần về AI Factory sẽ có doanh thu trong năm nay và hạch toán tại FPT Smart Cloud, phần còn lại sẽ hạch toán vào FPT Software. Theo đó, FPT đặt tiêu năm nay sẽ có doanh thu từ Nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory).