Phục hồi ngành công nghiệp không khói hậu Covid-19: Tiềm năng lớn từ 14 triệu người Việt đi du lịch nước ngoài mỗi năm

(Tổ Quốc) - Đẩy mạnh du lịch nội địa trong thời điểm hiện nay là vô cùng quan trọng. Đây cũng là lựa chọn của nhiều quốc gia có thế mạnh về du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế bị "đóng băng".

Chiều 3/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo một số bộ ngành, hiệp hội, các DN du lịch trong bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch COVID-19.

Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết do tác động của dịch COVID-19, trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách nội địa đạt 16 triệu lượt, giảm 58,5%. Tổng thu du lịch đạt 150.300 tỷ đồng, giảm 47,4%.

Trong quý I và II có khoảng 95% các DN kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động. 137 DN lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Số DN xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều DN chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% so với tỷ lệ 52% của năm trước.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dự báo với tình hình hiện nay lượng khách du lịch nội địa năm 2020 sẽ đạt khoảng 60-65 triệu lượt. Còn đối với khách quốc tế, trường hợp có thể đón khách vào đầu quý III/2020 thì sẽ đạt khoảng 6-8 triệu lượt; nếu đón khách vào đầu quý IV/2020 có thể đạt khoảng 4,5-5 triệu lượt.

Du lịch nội địa là cứu cánh

Thực tế, hoạt động du lịch nội địa đã dần được phục hồi sau khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng từ cuối tháng 4/2020.

Sau khi Chương trình "Người Việt Nam du lịch Việt Nam" được phát động, đã có 15 địa phương ở các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch đồng loạt hưởng ứng kế hoạch kích cầu, tổ chức kết nối DN, hợp tác giữa du lịch, hàng không và các điểm tham quan, vui chơi giải trí để xây dựng các sản phẩm kích cầu với nhiều ưu đãi, giá hợp lý.

Việc mở lại các đường bay, tần suất bay và công suất chuyên chở đã tăng trở lại, gần bằng mức trước dịch COVID-19, mở ra nhiều thuận lợi nhằm kích cầu du lịch nội địa.

Đại diện tập đoàn Sun Group cho biết DN này xác định du lịch nội địa là cứu cánh chính. Sun Group đã phối hợp với các DN lựa chọn những điểm đến, địa phương hoặc chuỗi điểm đến trọng điểm, có tính lan toả và phù hợp với nhu cầu của du khách trong vùng, ví dụ như ở phía bắc có Sapa-Lào Cai; Ninh Bình-Hạ Long-Hà Nội; miền trung có Đà Nẵng-Huế-Hội An… để đưa ra chương trình kích cầu tổng thể.

Các chương trình kích cầu không đơn thuần là giảm giá mà DN phải cam kết tăng chất lượng dịch vụ, làm mới chính những sản phẩm đang có; đầu tư sản phẩm mới và đón đầu xu thế du lịch an toàn-sức khoẻ, không bỏ qua bất kỳ đối tượng du khách nào.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel đề nghị phải có những động thái mạnh mẽ từ cả DN và nhà nước, tạo động lực từ vùng du lịch trọng điểm, xây dựng sản phẩm du lịch theo chuỗi có sự kết nối cao giữa lữ hành-hàng không-dịch vụ.

Đại diện một số DN du lịch lớn kiến nghị cần có chính sách đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân đi du lịch như kéo dài một số kỳ nghỉ lễ; miễn, giảm các khoản thu, phí tham quan; tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch…

Bản thân các DN du lịch cần có cơ chế hợp tác, thống nhất mức giảm giá, thời gian giảm giá chung, công khai, minh bạch, không gây nhiễu loạn thị trường, đảm bảo chất lượng và ổn định tài chính của mỗi DN...

Đáng chú ý, với khoảng 14 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài mỗi năm, các DN đều cho rằng đây là nhóm đối tượng rất tiềm năng, đang tìm kiếm những sản phẩm du lịch có chất lượng và hấp dẫn ở trong nước.

PV

Tin mới