(Tổ Quốc) - Trong cuốn sách "Quà tặng cuộc sống" (Tân Việt Books & NXB Dân trí ấn hành), nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới, đồng thời là tác giả sách bán chạy trên toàn thế giới Edith Eger sẽ cung cấp cho độc giả những hướng dẫn thực hành nhẹ nhàng khuyến khích người đọc thay đổi suy nghĩ và hành vi giúp họ có thể được chữa lành, giải thoát khỏi những tổn thương trong quá khứ.
Edith Eger là một người sống sót trong thảm họa Holocaust diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức. Ở độ tuổi thiếu niên, khi đang ngập tràn hạnh phúc trong xúc cảm trong trẻo của mối tình đầu và tương lai mở rộng phía trước, bà cùng gia đình bị quân phát xít bắt về trại tập trung cùng hàng nghìn người Do Thái khác. Cha mẹ bà thiệt mạng ngay sau khi đến trại, Edith Eger và người chị gái đầu trải qua hơn một năm bị tra tấn, cầm tù trong điều kiện đói rét, lao động khổ sai, cái chết luôn cận kề. Cuối cùng họ may mắn được quân Đồng minh cứu thoát khi đang mấp mé bên hố tử thần.
Hồi phục sức khỏe, kết hôn, gia đình Edith sau đó chấp nhận bỏ lại hầu hết mọi thứ để di cư sang Mỹ để bảo đảm sự an toàn, dù phải làm lại từ bàn tay trắng. Trải qua hơn 20 năm phấn đấu nơi đất khách quê người, dù đã thoát nghèo và đăng ký theo học đại học chuyên ngành trị liệu tâm lý ở độ tuổi 40, tác giả Edith vẫn né tránh và không bao giờ dám nhắc hay để mắt đến những gì gợi nhớ đến thời gian kinh hoàng mà gia đình bà phải trải qua trong thảm họa Holocaust.
Điều thay đổi cuối cùng cũng đến khi bà được một người bạn tặng cho cuốn sách "Đi tìm lẽ sống" của TS Victor Frankl chuyên gia tâm lý cũng là người sống sót từ thảm họa diệt chủng đó. Cuốn sách đã giúp Edith Eger có can đảm nhìn lại, phân tích, mổ xẻ nỗi đau và nhà tù bà đã tự tạo ra cho chính mình; từ đó chữa lành cho bản thân và rất nhiều bệnh nhân trải qua tổn thương, mất mát khác.
Eger giải thích rằng nhà tù tồi tệ nhất mà bà trải qua không phải là nhà tù mà Đức Quốc xã đưa bà vào mà là nhà tù trong chính tâm trí, do chính bà tạo ra. Bà mô tả những niềm tin giam cầm phổ biến nhất mà bà từng biết - bao gồm sợ hãi, đau buồn, tức giận, bí mật, căng thẳng, cảm giác tội lỗi, xấu hổ và trốn tránh – cũng như những cách thức mà bà đã khám phá để đối phó với những thách thức phổ biến này.
Cuốn sách đầu tay của Edith Eger "The Choice" - đã được xuất bản ở Việt Nam với tên gọi "Sự lựa chọn – Nơi ngục tối không thể ngăn hi vọng nở hoa" – là cuốn sách hấp dẫn, lôi cuốn, tràn đầy cảm hứng về hành trình này của bà. Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách nhanh chóng trở thành sách bán chạy của New York Times (Mỹ), và tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Được khích lệ từ cuốn sách "Sự lựa chọn", độc giả trên khắp thế giới đã viết thư bày tỏ sự cảm kích và biết ơn với Edith Eger; đồng thời mong muốn bà sẽ viết một cuốn sách khác, có những hướng dẫn chữa lành cụ thể hơn. Đây cũng chính là lý do ra đời của cuốn sách "Quà tặng cuộc sống", cung cấp cho độc giả những hướng dẫn thực hành nhẹ nhàng, thiết thực, khuyến khích người đọc thay đổi suy nghĩ và hành vi giúp họ có thể được chữa lành, giải thoát khỏi những tổn thương trong quá khứ đang giam cầm mỗi người.
"Quà tặng cuộc sống" gồm 12 chương tương đương với 12 hướng dẫn của chuyên gia tâm lý Edith giúp độc giả biết cách giải phóng tâm trí của chính mình.
Thông qua câu chuyện của bản thân cũng như nhiều bệnh nhân (đã được thay đổi danh tính để đảm bảo quyền riêng tư), Edith phân tích cũng như đưa ra những hướng dẫn chìa khóa giúp mỗi người có thể sử dụng để thoát khỏi nhà tù mà chính mình tạo ra, để đi tới tự do.
Với nhà tù nạn nhân nơi mỗi người trải qua biến cố đều không thể thoát khỏi sự sợ hãi, đau khổ, tức giận… vì luôn coi mình là nạn nhân, Edith giúp mỗi người nhận ra tất cả những gì họ trải nghiệm đã ở trong quá khứ; và mỗi người cần phải coi mình là người sống sót, có quyền lực cá nhân và chủ động với cuộc sống của chính mình.
Với nhà tù của sự trốn tránh nơi mỗi nạn nhân luôn cố gắng phớt lờ cảm xúc cá nhân, để nó nung nấu và hủy hoại âm thầm mỗi người từ bên trong, Edith khuyến khích mỗi người kiểm tra cảm xúc hàng ngày, gọi tên nó, và tìm kiếm một người thân tình để bộc lộ, chia sẻ; bởi bộc lộ là cách hiệu quả nhất giúp mỗi người tránh được căn bệnh nguy hiểm là trầm cảm.
Với nhà tù của sự bỏ bê bản thân, tác giả chỉ ra sự nguy hiểm khi một cá nhân đặt cả cuộc đời vào tay người khác, và làm mọi cách để thu hút được sự chú ý, yêu mến và ủng hộ của những người đó. Vấn đề là mọi mối quan hệ đều sẽ kết thúc theo cách này hay cách khác, và Edith cho rằng cách tránh đau khổ, tổn thương là cần bắt đầu chăm sóc yêu thương bản thân và cân bằng giữa công việc, tình yêu và giải trí.
Với nhà tù của những bí mật, Edith chỉ ra nếu một người sống một cuộc sống hai mặt với nhiều bí mật phải che giấu, họ sẽ không thể tìm được sự bình yên, tự do và hạnh phúc. Chìa khóa ở đây là cần phải có sự thành thật, thẳng thắn với chính bản thân và những người mình muốn xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp, chân tình. Ví như một người phụ nữ thất vọng trong hôn nhân, bắt đầu tìm kiếm sự xoa dịu và niềm vui trong một quan hệ ngoài luồng. Tuy nhiên khi buộc phải đưa ra lựa chọn giữa người chồng hay người tình, cô không thể đưa ra quyết định vì lăn tăn không biết chọn hạnh phúc của các con hay hạnh phúc của chính mình. Với trường hợp này, tác giả Edith chỉ ra bản chất sự lựa chọn của người phụ nữ không phải là bên người đàn ông nào, mà là việc thể hiện mong muốn, hy vọng và nỗi sợ hãi của mình trong bất cứ mối quan hệ nào. Bởi những điều cô ấy đang làm với chồng (không thân mật, che giấu suy nghĩ, sự thật) sẽ được cô tiếp tục làm với người khác trong một mối quan hệ khác, cho đến khi cô quyết định thay đổi cách hành động của mình.
Trong các chương sách tiếp theo, Edith lần lượt chỉ ra biểu hiện cũng như cách thức để vượt qua ngục tù của sự tội lỗi và hổ thẹn, những nỗi đau không thể nguôi ngoai, sự cứng nhắc, sự phẫn uất, sự sợ hãi dẫn đến tê liệt, sự phán xét, sự tuyệt vọng và không tha thứ.
Edith nhắn nhủ với mỗi độc giả rằng: Cuộc sống là một món quà, ngay cả khi không thể tránh khỏi những tổn thương, khốn khổ, đau đớn, nỗi buồn và cái chết... Việc có thể tìm ra món quà trong mọi biến cố, sẽ giúp mỗi người khám phá được những tiềm năng chưa được khai thác của bản thân, để bộc lộ, khẳng định lại con người thật của chính mình.
Bà viết: "Những trải nghiệm tồi tệ nhất của chúng ta có thể trở thành người thầy tốt nhất, thúc đẩy những khám phá không biết trước và mở ra cho chúng ta những khả năng cũng như tầm nhìn mới. Chữa lành, hài lòng và tự do đến từ khả năng lựa chọn phản ứng của chúng ta trước bất cứ điều gì cuộc sống mang lại… Tự do cần được rèn luyện suốt đời, đó là một lựa chọn mà chúng ta phải đưa ra mỗi ngày. Và quan trọng nhất tự do phải đi kèm với hy vọng. Hy vọng cho phép chúng ta sống trong hiện tại thay vì quá khứ, và phá bỏ nhà tù tinh thần đang giam giữ chúng ta."
Nhận xét về cuốn sách "Quà tặng cuộc sống", tác giả Jeanette Walls viết: "Tiến sĩ Edith Eger là người hùng của tôi. Bà đã sống sót sau những nỗi đau khổ kinh hoàng và tàn bạo không thể kể xiết; nhưng thay vì để quá khứ đau khổ quật ngã mình, bà đã chọn biến nó thành món quà của sự mạnh mẽ - một món quà mà bà trao đi để giúp nhiều người khác được chữa lành."
Hà My