Các doanh nghiệp gia đình cần chú trọng nâng cao năng lực, trình độ quản trị để phát triển nhanh, bền vững, vươn ra thế giới.
Doanh nghiệp gia đình, một bộ phận quan trọng
Sau 37 năm đổi mới, nước ta đã hình thành đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng hậu, với số lượng trên 900.000 doanh nghiệp, trên 20.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, Doanh nghiệp Gia đình là một bộ phận quan trọng, chiếm khoảng 70% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, chưa kể trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể coi là các doanh nghiệp gia đình siêu nhỏ.
Không chỉ chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp gia đình thể hiện vai trò tiên phong trong việc đẩy mạnh sự phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo đánh giá chung, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Và ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm quốc tế, có vị thế, có năng lực cạnh tranh quốc tế, vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu; song song với tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân trong nước khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ quản trị để phát triển nhanh, bền vững
Sự khác biệt đặc trưng giữa mô hình công ty gia đình so với các loại hình doanh nghiệp khác đó là các mối quan hệ công việc giữa các thành viên gia đình thường đòi hỏi mức độ tin cậy và cam kết rất cao. Các thành viên gia đình không chỉ làm việc cùng nhau mà còn chia sẻ lịch sử, giá trị và tầm nhìn về tương lai của doanh nghiệp. Và khi các thành viên trong gia đình không tin tưởng lẫn nhau sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn, thiếu gắn kết và có thể dẫn đến thất bại trong kinh doanh. Điều này có thể giải thích kết quả 64% số người được hỏi nói rằng xung đột gia đình trong doanh nghiệp Việt Nam thường xảy ra, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (30%) và châu Á - Thái Bình Dương (29%).
Không chỉ vậy, thực tế hiện nay, cũng giống như đa số các mô hình công ty gia đình tại Châu Á, nhiều doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam còn đang chồng chéo và đối mặt với nhiều mâu thuẫn trong quản trị doanh nghiệp. Tiêu biểu nhất là tính minh bạch trong nhìn nhận, đánh giá và quyết định các vấn đề chung và riêng, giữa quyền lợi của doanh nghiệp với lợi ích của gia đình, giữa sự tách bạch của tình thân và lý trí, giữa tài chính doanh nghiệp với tài chính gia đình. Thực tế này đòi hỏi sự cấp thiết phải nâng cao năng lực và trình độ quản trị trong các doanh nghiệp gia đình, không thể gia đình trị và tình trị mà phải kỹ trị và phải có quản lý chuyên môn chuyên nghiệp, vươn tới trình độ quản trị quốc tế để gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo đà cho sự bứt phá và phát triển trường tồn của doanh nghiệp.
Yếu tố gia đình có thể làm nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp gia đình với các loại hình doanh nghiệp khác, tạo tiền đề vững chắc trong giai đoạn đầu hình thành bởi sự gắn kết của các yếu tố tình cảm, máu mủ, huyết thống. Nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro thiếu minh bạch trong quản lý vận hành doanh nghiệp, đe doạ bùng nổ những mâu thuẫn khó kiểm soát, gây tác hại to lớn đến hiệu quả hoạt động của công ty và sự thịnh vượng của xã hội.
Để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam, chia sẻ trước Đoàn đại biểu doanh nghiệp gia đình tiêu biểu cả nước tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị trong các doanh nghiệp gia đình Việt Nam: "Doanh nghiệp gia đình nhưng năng lực, trình độ quản trị phải mang tầm quốc gia. Muốn phát triển nhanh, bền vững, ra thế giới, phải có năng lực quản trị quốc tế."