Theo số liệu từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, ở dịp nghỉ lễ vừa qua, Quảng Bình đón 160.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế tăng mạnh 87,5%, mang về nguồn thu du lịch đạt 176 tỷ đồng. Điều này cho thấy Quảng Bình đang ngày càng thể hiện được sức hút của mình với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vĩ.
Vùng đất kỳ quan vươn mình từ khói lửa
Trong lịch sử hình thành và phát triển, Quảng Bình là phần đất thiêng liêng nối liền một dải non sông Việt Nam, là chiến địa khốc liệt trong các cuộc chiến tranh tương tàn. Quảng Bình chịu nhiều nỗi đau chia cắt, binh đao lửa đạn, vùng đất này cũng vì thế mà hoang sơ, những cảnh quan thiên nhiên chưa được khai phá và ít người biết đến.
Vào khoảng trước năm 2000, hoạt động du lịch ở Quảng Bình mới chỉ dừng lại ở các cơ sở dịch vụ đơn giản như nhà khách, khách sạn, nhà nghỉ,... với lượng du khách vẫn còn hạn chế. Sau năm 2000 là giai đoạn mang tính bước ngoặt đối với quá trình phát triển du lịch tỉnh với nhiều điểm nhấn quan trọng: Năm 2003, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đặt nền móng đưa Quảng Bình trở thành điểm đến quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam với sản phẩm du lịch hang động. Nhờ đó năm 2012, lần đầu tiên tỉnh đón trên 1 triệu lượt khách du lịch.
Từ năm 2013 đến nay, du lịch Quảng Bình phát triển "nhảy vọt". Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, việc đưa vào khai thác nhiều tuyến điểm du lịch quan trọng đã khẳng định được vị thế của Quảng Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ tại Vũng Chùa, khách du lịch đến Quảng Bình càng tăng nhanh.
Theo dòng thời gian, du lịch Quảng Bình được báo chí trong nước và quốc tế đánh giá cao, đặc biệt tờ The New York Times (Mỹ) bình chọn là điểm đến hấp dẫn xếp ở vị trí thứ 8/52 của thế giới và đứng thứ 1/12 điểm đến trong khu vực châu Á. Hang Sơn Đoòng được Tạp chí News của Úc xếp vào điểm đến "đẹp không thể tin nổi" trên trái đất; Tạp chí du lịch Business Insider của Mỹ cũng bình chọn hang Sơn Đoòng là một trong Top 12 hang động kỳ vĩ nhất trên thế giới…
Hành trình đưa văn hóa và ẩm thực trở thành "đại sứ" quảng bá du lịch
Xưa nay Quảng Bình đã nổi tiếng với những món ăn dân dã đặc sắc như: khoai deo, bánh lọc, bánh canh Ba Đồn, cơm bồi Minh Hóa, canh nấm tràm,... Đặc biệt, biển Quảng Bình có dòng hải lưu nóng chạy qua nên hải sản ở đây có vị ngọt, thơm rất riêng. Tuy nhiên, trước đây, hầu hết các món ăn được chế biến theo quy mô nhỏ, chủ yếu cho nhu cầu người bản địa.
Từ khi du lịch tỉnh nhà có những cột mốc vượt bậc, các chính sách phát triển văn hóa ẩm thực được đẩy mạnh, mở rộng chuyển hướng dần sang khai thác phục vụ du lịch. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch đã tiến hành công nhận, cấp biển hiệu cho các nhà hàng đạt chuẩn phục vụ du khách. Đặc biệt, các hội thi ẩm thực mang đậm nét văn hóa được tổ chức, thu hút nhiều du khách quốc tế.
Không chỉ dừng lại ở ẩm thực đặc sắc, nét văn hóa Quảng Bình còn được thể hiện qua các lễ hội gắn liền với những giá trị lịch sử như lễ hội Rằm tháng 3 Minh Hóa, hội đua thuyền Lệ Thủy, lễ hội thờ mẫu Quảng Đông,... Qua các lễ hội, thế hệ cha ông Quảng Bình đã để lại cho con cháu những giá trị quý báu về tinh thần dân tộc, về lòng yêu nước, yêu cây đa, bến nước, sân đình,... Giá trị đó góp phần làm nên sức mạnh của các thế hệ người dân Quảng Bình vượt qua muôn vàn khó khăn chống lại thiên tai, địch họa, xây dựng cuộc sống trên mảnh đất khắc nghiệt này.
Trên đà phát triển du lịch, Quảng Bình đã đề ra những chính sách "trải thảm đỏ" thu hút đầu tư. Hàng loạt khách sạn 5 sao và các khu phức hợp mới xuất hiện đã tạo ra một tổ hợp nghỉ dưỡng, giải trí nghìn tỷ sôi động, đưa du lịch Quảng Bình lên một tầm cao mới.
Cùng với văn hóa, ẩm thực, sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng đã giúp Quảng Bình khoác lên một diện mạo hoàn toàn khác, náo nhiệt, sầm uất, đón hàng triệu lượt khách toàn cầu du lịch hàng năm.