(Tổ Quốc) - Nhiều khách hàng lo lắng VinID có thể sẽ khai tử thẻ cứng tích điểm vốn được sử dụng lâu nay để tập trung phát triển app trên smartphone. Mặc dù chưa có phát ngôn chính thức từ Công ty Cổ phần OneID (đơn vị sở hữu VinID) nhưng có vẻ đồn đoán này không phải là không có cơ sở khi gần đây đơn vị này đang dốc toàn lực phát triển ví điện tử, cạnh tranh trực tiếp cùng Moca, Momo.
Khi ví điện tử trờ thành xu thế tương lai…
Năm 2019 tập đoàn Vingroup được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cho ví điện tử VinID Pay. Việc VinID chính thức bước vào cuộc đua khốc liệt với 26 đối thủ khác trong lĩnh vực thanh toán điện tử không quá khó hiểu khi ví điện tử đang trở thành xu thế tương lai và tiềm năng của thị trường trong nước quá hấp dẫn.
Tại Việt Nam, thanh toán trực tuyến được dẫn dắt bởi chuyển khoản qua ngân hàng và COD (thanh toán khi nhận hàng), vẫn được xem là tùy chọn thanh toán phù hợp cho thương mại điện tử.
Tuy nhiên theo dự báo của IDC trong sách trắng "Châu Á trong kỷ nguyên mới của thanh toán điện tử", đến năm 2022, phương thức COD sẽ nhường chỗ cho hình thức thanh toán mới như ví điện tử hay thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Nghiên cứu này được thực hiện trên 10 thị trường: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Theo Báo cáo của IDC 2020 và Ngân hàng thế giới, mỗi người Việt chi tiêu khoảng 176 USD/người/năm qua thẻ tín dụng, mức tiêu dùng thẻ ghi nợ bình quân ở mức 103 USD/người, tiêu dùng ví điện tử ở mức 36 USD/người. Trong thanh toán, tỷ trọng giao dịch dùng tiền mặt vẫn ở mức 80%.
Tại Việt Nam, hiện tiền mặt vẫn giữ ngôi đầu trong giao dịch thanh toán. Vị trí số 2 thuộc về chuyển khoản ngân hàng và ví điện tử chỉ đứng thứ 3.
Nhưng đến năm 2030, thanh toán qua ví điện tử sẽ giữ ngôi đầu, thẻ tín dụng sẽ đứng thứ hạng 2 và chuyển khoản qua ngân hàng đứng thứ 3. Giao dịch bằng tiền mặt không nằm trong top 3 phương thức giao dịch phổ biến trong giai đoạn này.
Tiềm năng bùng nổ ví điện tử càng rõ ràng hơn trong vài năm vừa qua các doanh nghiệp nội địa lẫn có vốn đầu tư nước ngoài đều liên tục rót tiền nhằm thu hút người dùng. Theo nghiên cứu công bố gần đây của Cimigo, tính đến cuối 2019, 90% thị phần người dùng ví điện tử thuộc về ba tay chơi gồm MoMo, Moca và ZaloPay và việc VinID "tham chiến" với nhiều lợi thế khiến thị trường càng thêm sôi động.
Thẻ cứng VinID sắp biến mất trên thị trường?
Ra đời vào năm 2016 và cho tới 5 năm sau, hiện thẻ cứng VinID vẫn chỉ như một chiếc thẻ chăm sóc khách hàng (CSKH) quen thuộc của các hệ thống siêu thị, thương mại khác với chức năng đơn thuần chỉ là tích điểm từ các giao dịch, quy đổi ra khuyến mãi cho những lần mua sắm sau.
Ứng dụng VinID ra mắt vào năm 2018 đã đánh dấu bước "tiến hoá" từ thẻ Chăm sóc khách hàng "vật lý" dạng thẻ cứng sang ID điện tử, tích hợp trong smartphone - vật bất ly thân của khách hàng mang lại sự tiện lợi và thân thiện hơn khi sử dụng, đặc biệt là vấn đề bảo mật. Thay đổi này cũng mở ra nền tảng mới để phát triển VinID không chỉ dừng ở tấm thẻ tích điểm mà trở thành "mã số cá nhân" đa tính năng với những tiện ích đa dạng, phong phú dành cho khách hàng.
Đặc biệt, sau khi tiến hành mở rộng tệp khách hàng với loạt tiện ích dịch vụ đa dạng và chính thức nhập cuộc đua thanh toán điện tử, ví điện tử này gần như dùng toàn lực phát triển app với hàng loạt chương trình "siêu khuyến mãi" tập trung cho đứa con cưng này còn thẻ cứng vật lý gần như bị bỏ rơi.
"Tôi mở thẻ cứng VinID từ 2017, nhưng hơn một năm nay đã chuyển hẳn sang dùng app trên điện thoại vì thẻ cứng bây giờ ngoài dùng để tích điểm khi đi mua hàng tại VinMart và các hệ thống của Vingroup thì không sử dụng được bất cứ tính năng nào khác, những chương trình tăng tỷ lệ tích điểm hay được tặng quà, quay số trúng thưởng…cũng thấy người dùng app hưởng lợi", chị Nguyễn Mai Chi (Nam Từ Liêm , Hà Nội) cho biết.
Ngay như mới đây, VinID công bố dành tới 23 tỷ đồng tri ân khách hàng nhân dịp sinh nhật 5 năm, nhưng đối tượng được hưởng khuyến mại này vẫn chỉ là những khách hàng dùng app.
Gần đây một số nguồn tin cho biết VinID sẽ chính thức khai tử thẻ cứng tích điểm vốn được sử dụng từ lâu để nâng lượng khách hàng vốn có cho ví điện tử. Mặc dù chưa chính thức công bố nhưng với những gì đang diễn ra thì có lẽ việc thẻ cứng của VinID biến mất trên thị trường cũng chỉ là chuyện một sớm một chiều. Đây cũng là xu hướng tất yếu tại các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Amazon.
Khách hàng của tập đoàn này thường sử dụng thẻ Visa hoặc Master Card liên kết với Amazon để tích điểm thay vì chỉ sử dụng thẻ với chức năng tích điểm. Bên cạnh đó Amazon còn khuyến khích khách hàng tích điểm qua ứng dụng nhằm đảm bảo tính bảo mật, tiện dụng cũng như được hưởng nhiều ưu đãi.
Quay lại VinID, việc hướng tới phát triển ví điện tử không chỉ có chức năng tích điểm thông thường mà còn giúp khách hàng thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet, cước thuê bao trả sau hay dịch vụ thuê giúp việc theo giờ…Đây đều là những tiện ích gắn liền với nhu cầu hàng ngày của người dùng mà công ty công nghệ này đang tập trung phát triển để cạnh tranh với hàng loạt ứng dụng khác trên thị trường.
Thời đại 4.0, công nghệ hóa tất cả các tiện ích đang trở thành xu hướng, bởi vậy việc dùng thẻ/tiền mặt cũng đang trở nên lỗi thời. Khó có thể chống lại xu hướng phát triển, do vậy các khách hàng VinID đang sở hữu chiếc thẻ cứng cũng nên có tâm lý chuẩn bị sẵn sàng.
Thảo Nguyên