Rơi thang máy ở chung cư B10A Nam Trung Yên khiến hàng chục người bị thương, lời cảnh tỉnh cho cư dân chung cư

(Tổ Quốc) - Sau những vụ tai nạn thang máy thương tâm xảy ra, một lần nữa dư luận lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về chất lượng thang máy hiện đang sử dụng tại các thành phố lớn.

Rơi thang máy chung cư liên tiếp xảy ra

Chiều 29-11, có gần 10 người đang sử dụng thang máy tại tại tòa chung cư B10A Nam Trung Yên, bất ngờ, thang máy lâm vào cảnh rơi tự do. Có nhiều bị thương, gồm cả người già và trẻ em, lập tức được đưa vào bệnh viện kiểm tra, cấp cứu. Sự cố gây hoảng loạn với không chỉ các nạn nhân, mà toàn bộ cư dân tòa nhà.

Rơi thang máy ở chung cư B10A Nam Trung Yên khiến hàng chục người bị thương, lời cảnh tỉnh cho cư dân chung cư - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng quận Cầu Giấy đang phối hợp cùng đơn vị quản lý tòa chung cư B10A Nam Trung Yên, điều tra, xác minh vụ thang máy…rơi tự do.

Được biết, tòa nhà B10A được đưa vào bàn giao từ tháng 5-2012, do Handico làm chủ đầu tư. Tòa chung cư này nằm trên đường Nguyễn Chánh, cách BigC Thăng Long 300m, ở vị trí trung tâm của khu đô thị Nam Trung Yên, đối diện Hồ điều hòa Nam Trung Yên.

Trước đó, hồi tháng 7 thang máy chung cư Athena Complex Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng liên tục rơi tự do khiến cư dân dân sinh sống tại chung cư thêm một phen hú vía vì trước đó, ngày 30/6, tại chung cư Athena Complex Xuân Phương, thang máy B2 cũng bị rơi tự do từ tầng 4 xuống tầng 1.

Năm 2017, tòa nhà chung cư Hei Tower, đường Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cũng bị rơi thang máy khiến chị Vũ Quỳnh Tr. (27 tuổi, quê huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) bị gãy xương đùi.

Nghiêm trọng hơn, năm 2014 tại nhà N5A khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) đã xảy ra một tai nạn chết người khi thang máy rơi tự do. Nạn nhân là ông Trần Anh Tuấn (SN 1964, quê Phú Thọ), nhân viên bảo vệ tòa nhà trên.

Một vụ việc tương tự cũng từng xảy ra tại tòa nhà CT3 Yên Hòa, Cầu Giấy. Vụ tai nạn thang máy khiến ông Nguyễn Văn Hòa, ở quận Tây Hồ chết tại chỗ.

Tháng 10/2010, tại một công trường xây dựng ở quận Đống Đa - Hà Nội đã xảy ra vụ việc thang máy chở công nhân bất ngờ đứt cáp khi lên đến tầng 6. Hậu quả, 2 công nhân bị thương nặng, 1 người bị chết.

Sau những vụ tai nạn thang máy thương tâm xảy ra, một lần nữa dư luận lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về chất lượng thang máy hiện đang sử dụng tại các thành phố lớn.

Nỗi lo thang máy chung cư kém chất lượng

Yêu cầu về quản lý và sử dụng thang máy đã được quy định tại Phụ lục A, TCVN 6395:1998 và Điều 3, TCVN 5744:1993. Theo đó, thời hạn bảo trì định kỳ thang máy là không quá 2 tháng/lần. Công việc bảo trì phải do một đơn vị có chuyên môn thực hiện, có giấy phép Nhà nước và được nhà sản xuất ủy quyền.

Được biết, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thang máy. Có những loại giá bán rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm nhập chính hãng từ các nước khác từ vài trăm đến cả tỷ đồng. Do đó, để tiết kiệm kinh phí, nhiều đơn vị thường lắp đặt thang kém chất lượng, chế độ bảo trì không đúng quy định.

Nhiều loại thang máy kém chất lượng được tự thiết kế và sản xuất không theo một tiêu chuẩn nào, tính năng an toàn, các thông số đo độ rung lắc, khả năng tải của thang máy đều bị "biến tấu" đi và sai lệch. Hệ quả là sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, các sự cố đáng tiếc đã xảy ra.

Theo các chuyên gia cơ điện, vấn đề tai nạn thang máy trong thời gian gần đây xuất phát chủ yếu là do hệ thống an toàn của thang máy có vấn đề, nếu được lắp đặt, bảo trì đầy đủ, thì sẽ không bao giờ xảy ra vấn đề này. Nguyên nhân phần lớn là do ý thức của chủ đầu tư, cũng như vấn đề bảo dưỡng sản phẩm sau khi lắp đặt. Theo tiêu chuẩn, khoảng cách giữa 2 lần bảo dưỡng thang máy không được quá 60 ngày, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chủ quan, không thực hiện đúng.

Làm gì khi thang máy bất ngờ rơi?

Bình tĩnh khi gặp sự cố: Theo các chuyên gia, thang máy có hệ thống phanh khẩn cấp, nếu cabin rơi xuống với tốc độ cao thì sẽ bị phanh lại. Mỗi chiếc dây cáp đủ khỏe để có thể giữ được cabin, do đó, việc đứt một dây cáp hay việc thang máy rơi tự do do đứt dây cáp là khó có thể xảy ra. Khi thang máy rơi bạn nên bình tĩnh để xử lý tình huống.

Trong trường hợp thang chạy vượt tốc, bạn cần ấn tất cả các tầng để giúp thang máy không bị rơi thêm. Việc làm này nhằm kích hoạt bộ cung cấp điện khẩn cấp của thang máy. Nếu thang máy dừng đột ngột, bạn nên ấn nút mở thang. Nếu không được, hãy ấn nút báo động để nhận sự cứu hộ từ bên ngoài hoặc gọi điện thoại.

Không tự ý cạy cửa thang: Bạn không nên tìm cách phá thang máy để thoát thân. Việc cậy mạnh hoặc đạp vào thành hoặc cửa thang có thể làm thang bị trượt, đứt cáp tời dẫn đến thang rơi tự do. Bạn cũng không nên leo ra khỏi thang bằng cửa thoát hiểm trên nóc cabin (trên nóc cabin có nhiều thiết bị điện và bạn có thể bị điện giật). Kinh nghiệm cho thấy, trong trường hợp kẹt thang máy, ở trong cabin là an toàn nhất.

Đảm bảo lượng ôxi cần thiết: Trong trường hợp thiếu ôxi vì quá đông người, bạn có thể sử dụng chìa khóa hay vật cứng tạo giữ một khoảng nhất định ở cửa thang máy để cung cấp đủ oxi cho những người trong thang. Khi khe thang được hé mở, không khí sạch sẽ tràn vào trong thang giúp mọi người dễ thở hơn, khi đó nguy cơ ngất xỉu hoặc đột quỵ do thiếu không khí sẽ giảm xuống.

Lựa chọn tư thế phù hợp: Cách tốt nhất để sống sót khi thang máy rơi tự do là bạn hãy nhanh chóng nằm ra giữa sàn để phân tán lực tác động lên toàn bộ cơ thể, tay có thể dùng để gối đầu và che mặt để tránh hạn chế các mảnh vụn và hạn chế va đập với thang máy. Bạn nên nằm thay vì đứng bởi đứng thẳng có thể sẽ gây thương tích nghiêm trọng cho chân và cột sống, lượng trọng lực đè xuống cơ thể sẽ gấp khoảng 10 lần.

Để có thể ấn được bảng điều khiển, việc đầu tiên là bạn nên nắm chặt tay vịn trong thang, tránh trường hợp bị ngã khi thang rung lắc.


Lan Nhi

Tin mới