(Tổ Quốc) - Hai nghiên cứu mới đây đã đưa ra những con số bất ngờ về dinh dưỡng và sức khỏe, nhắc nhở mọi người bổ sung thêm loại vitamin quan trọng này trong bữa ăn hàng ngày.
Hai nghiên cứu mới cho thấy một số người không bổ sung đủ lượng vitamin A từ beta carotene trong chế độ ăn của họ. Để bù đắp, họ cần ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin A để duy trì sức khỏe tim mạch tốt.
Beta carotene là một sắc tố màu đỏ cam được tìm thấy trong thực vật và trái cây, đặc biệt là cà rốt và khoai lang.
Cơ thể con người chuyển đổi beta carotene thành vitamin A (retinol) - beta carotene là tiền chất của vitamin A. Chúng ta cần vitamin A để có làn da khỏe mạnh, bảo vệ hệ thống miễn dịch, cũng như sức khỏe của mắt.
Nhiều phát hiện khác nhau chỉ ra rằng những người có nồng độ beta carotene trong máu cao có xu hướng có nồng độ cholesterol "xấu" trong huyết thanh thấp hơn, đây là một trong những nguyên nhân gây ra chứng xơ vữa động mạch - thu hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim.
Do đó, họ có ít nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim, thủ phạm gây tử vong phổ biến nhất trên toàn thế giới.
Hiện nay, hai nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng cơ thể cần một phiên bản hoạt động của một loại enzym nhất định để có thể phát huy hết chức năng của beta carotene đối với sức khỏe tim mạch.
Enzyme được đề cập chuyển đổi beta carotene thành vitamin A, làm giảm lượng cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) được sản xuất trong gan.
Tuy nhiên, theo Jaume Amengual, phó giáo sư về dinh dưỡng cá nhân tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign, người đã tham gia vào cả hai nghiên cứu, có tới 50% số người tạo ra một dạng enzyme ít hoạt động hơn.
Có một dạng ít hoạt động của enzym này làm cho cơ thể sản xuất vitamin A từ beta carotene trong trái cây và rau quả kém hiệu quả hơn.
Amengual cho biết, để đạt được những lợi ích đối với sức khỏe tim mạch, một người có thể cần bổ sung nhiều vitamin A trực tiếp từ các nguồn động vật, chẳng hạn như bơ sữa, sữa, cá có dầu hoặc pho mát.
Cholesterol ở chuột và người
Trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà khoa học bắt đầu bằng cách đo tác động của enzym, được gọi là beta carotene oxygenase 1 (BCO1), đối với mức cholesterol ở chuột. Phát hiện của họ đã được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng.
Nhóm nghiên cứu đã so sánh tác động của chế độ ăn giàu beta carotene ở một nhóm chuột thường và một nhóm chuột khác không có gen tạo BCO1.
Sau 10 ngày ăn kiêng, những con chuột không có enzym có nhiều beta carotene trong máu và mức cholesterol cao hơn những con chuột bình thường.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu phân tích DNA và mẫu máu của 475 thanh niên khỏe mạnh từ 18–25 tuổi. Những người tham gia cũng điền vào bảng câu hỏi về chế độ ăn của họ.
Sau khi tính toán lượng beta carotene và vitamin A trong chế độ ăn của những người tham gia, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có một biến thể cụ thể của gen BCO1 có mức cholesterol thấp hơn đáng kể.
Biến thể di truyền này tạo ra một dạng enzim hoạt động mạnh hơn giúp chuyển hóa nhiều beta carotene thành vitamin A.
Các tác giả ước tính rằng những người có một hoặc nhiều bản sao của biến thể gen BCO1 này có thể giảm 9% cholesterol LDL, so với những người không có. Họ cho biết: "Mặc dù mang tính suy đoán, sự sụt giảm này có thể có ý nghĩa về mặt lâm sàng nếu được duy trì cho đến khi trưởng thành".
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng một hạn chế của nghiên cứu của họ là nó dựa vào độ chính xác của câu trả lời của những người tham gia đối với bảng câu hỏi về chế độ ăn uống.
Cũng cần lưu ý rằng nghiên cứu này không nhằm mục đích kiểm tra hiệu quả của bất kỳ can thiệp chế độ ăn uống cụ thể nào.
Nguy cơ xơ vữa động mạch
Để tìm hiểu xem liệu enzym BCO1 có thể có ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ xơ vữa động mạch hay không, nhóm đã thực hiện một nghiên cứu khác.
"Trong nghiên cứu trên người, chúng tôi thấy rằng cholesterol cao hơn ở những người không sản xuất nhiều vitamin A," Amengual giải thích, và nói thêm, "Để biết liệu quan sát đó có ảnh hưởng về lâu dài hay không, chúng tôi sẽ phải đợi 70 năm để xem chúng có phát triển [bệnh tim mạch] hay không. "
Thay vào đó, các nhà khoa học đã cho hai loại chuột ăn beta carotene do di truyền dễ bị xơ vữa động mạch. Loại đầu tiên có một phiên bản hoạt động của gen tạo ra enzym BCO1, còn loại còn lại thì không.
Nhìn chung, những con chuột có enzym chuyển beta carotene thành vitamin A đã giảm mức cholesterol trong huyết tương và ít phát triển chứng xơ vữa động mạch hơn những con chuột không có enzym.
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra hiệu ứng này trên gan của động vật. Amengual cho biết: "Chúng tôi quan sát thấy rằng ở những con chuột có hàm lượng vitamin A cao, quá trình bài tiết lipid [cholesterol] vào máu bị chậm lại.
Nguồn: Medical News Today
Thùy Anh