(Tổ Quốc) - Về vị trí sân bay thứ 2 của Hà Nội, theo ban soạn thảo sẽ nghiên cứu sau năm 2040, do có nhiều yếu tố ảnh hưởng vị trí sân bay trong tầm nhìn 30 năm.
Mới đây, thông tin từ đại diện Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này đã hoàn tất dự thảo và đưa ra lấy ý kiến quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay quốc tế trên cả nước.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bổ sung vào quy hoạch sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội, với quy mô hai đường băng, công suất đạt 50 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, sân bay này chưa được xây dựng trong giai đoạn 2020-2030 mà thực hiện sau năm 2040.
Về vị trí sân bay thứ 2 của Hà Nội, theo ban soạn thảo sẽ nghiên cứu sau năm 2040, do có nhiều yếu tố ảnh hưởng vị trí sân bay trong tầm nhìn 30 năm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây 2 tháng, khi Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội mới chỉ có kiến nghị thành phố xem xét giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) xây dựng dự thảo phương án bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội và cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội thì nhiều nhiều môi giới BĐS lập tức lợi dụng thông tin đẩy giá đất tại Ứng Hòa tăng cao.
“So với nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, thị trường BĐS Ứng Hòa vốn trầm lắng trong thời gian dài. Thế nhưng, chỉ với thông tin rất mông lung về sân bay đã thay đổi cục diện, nhiều nhà đầu tư quan tâm", anh Toàn một môi giới nhà đất lâu năm tại đây cho biết.
Cũng theo anh Toàn, trước kia có thông tin sân bay dự kiến đề xuất tại 3 xã của huyện Ứng Hòa là Trầm Lộng, Đại Hùng và Đại Cường với diện tích 136 ha. Vì vậy, đã xuất hiện một số nhà đầu tư nhỏ lẻ từ Hà Nội đã về đây nhờ các văn phòng môi giới săn lùng đất ruộng xung quanh khu vực 3 xã này. Giá đất ruộng khoảng 20 - 30 triệu đồng/sào, đất thổ cư 2 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, sau khi được môi giới đánh lên tạo sự quan tâm ảo thì đất Ứng Hòa hiện nay khá im ắng. Xung quanh khu trung tâm UBND huyện, rất nhiều các hàng quán, biển quảng cáo, dịch vụ ăn uống, buôn bán, shop quần áo, điện tử… nhưng rất khó để tìm được một văn phòng giao dịch bất động sản. Thực tế này khác hẳn so với những khu vực “nóng”về bất động sản như Láng Hòa Lạc, Lương Sơn, Ba Vì, Đông Anh…với các văn phòng giao dịch nhà đất nhan nhản khắp nơi.
Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE cho rằng, thực tế vị trí đề xuất đều nằm ở các khu vực chưa có sự hình thành thị trường bất động sản một cách rõ rệt. Với các dự án sân bay ở các nước trên thế giới thì thành phố lớn nào cũng có 2 sân bay, khoảng cách 2 tiếng lái xe.
Không những vậy, quy hoạch sân bay thường kéo dài vài chục năm, trong quá trình đó, thị trường sẽ phát triển dần dần. Một dự án sân bay mới không thể phát triển trong nay mai, thị trường bất động sản cũng cần có một thời gian để phát triển hạ tầng, các dự án có quy mô lớn được triển khai...
Còn theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh miền Bắc, ông cho biết, thực ra việc gom đất Ứng Hòa sau là không đủ độ tin cậy, bởi Ứng Hòa là khu vực xa và trái tuyến giao thông so với Hà Nội, bên cạnh đó cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa có các trung tâm thương mại, dịch vụ lớn. Do đó, ở khu vực này chưa hình thành thị trường địa ốc, có chăng chỉ các giao dịch nhỏ lẻ, mua đi bán lại của người dân với nhau.
Cũng theo ông Quyết, nếu Ứng Hòa được quy hoạch làm sân bay thì đất khu vực này cũng khó "tạo sóng", phần vì nơi đây chưa đáp ứng đủ các điều kiện để thị trường địa ốc phát triển, đồng thời các nhà đầu tư, người dân quá quen với các "làn sóng" đầu tư "ăn theo" quy hoạch và đã gặp nhiều bài học đắt giá như ở các đặc khu kinh tế, Mê Linh, Đông Anh… nên sẽ dè chừng.
Trong góc nhìn của ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc Hà Nội đề xuất làm sân bay ở Ứng Hòa cũng giống như cách đây một số năm, TP.HCM đề xuất sân bay Long Thành và cũng có hiện tượng giá đất lên xuống, nhiều lần, thậm chí lừa đảo xảy ra trong giao dịch đất ở khu vực Long Thành.
Lan Nhi