(Tổ Quốc) - Sản lượng than của Trung Quốc đột ngột tăng mạnh trong tuần qua đưa tốc độ sản xuất than của nước này lên mức cao chưa từng có trong lịch sử.
Nếu tốc độ sản xuất than của Trung Quốc tiếp tục duy trì như hiện nay sẽ giúp tăng đáng kể năng lực sản xuất điện ở quốc gia mà hầu hết điện được sản xuất từ than đá này, và góp phần giảm bớt lo ngại đang bao trùm thế giới về nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại do khủng hoảng năng lượng.
Sản lượng than của Trung Quốc tăng vọt chỉ vài ngày trước khi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau tại Glasgow để cùng tham gia Hội nghị thượng đỉnh COP26 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu – nhằm ngăn chặn tình trạng khí hậu biến đổi nhanh do lượng khí thải lớn gây ra bởi hoạt động đốt than và các nhiên liệu bẩn khác.
Cơ quan hoạch định chính sách của Bắc Kinh, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cho biết sản lượng than đã tăng lên 11,6 triệu tấn mỗi ngày tính đến ngày 18 tháng 10,tăng 8,6% so với cuối tháng 9, sau khi một loạt các biện pháp được triển khai để khắc phục tình trạng thiếu than.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã buộc Trung Quốc phải phân bổ mức sử dụng năng lượng cho từng ngành/khu vực, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
NDRC cho biết họ đang hướng đến mục tiêu sản xuất 12 triệu tấn than/ngày để hạ nhiệt lạm phát.
Sản lượng tháng 10 của Trung Quốc đang trên đà tăng cao kỷ lục.
Cho đến nay, vẫn chưa có thông báo về việc liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có tham dự Hội nghị COP26 hay không, điều này làm mờ đi triển vọng về các cam kết của Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ cuộc khủng hoảng điện chưa thể sớm kết thúc, cho rằng ngành sản xuất điện ở Trung Quốc chỉ có thể được "cứu trợ" trong một thời gian ngắn vì Trung Quốc sắp bước vào mùa đông với khí hậu lạnh giá hơn mức trung bình, nhu cầu sưởi ấm sẽ tăng vọt, khiến cán cân cung – cầu điện bị thắt chặt.
Tương quan lượng than sử dụng của Trung Quốc và khí thải dioxide carbon.
Tuy nhiên, ngay cả khi sản lượng không vượt qua mức hiện tại là 11,6 triệu tấn, tốc độ sản xuất than trung bình hàng ngày trong tháng 10 của Trung Quốc sẽ vẫn đánh dấu kỷ lục hàng tháng mới là 359,6 triệu tấn. Nếu được duy trì trong toàn bộ quý cuối cùng, con số đó sẽ lên tới 1,067 tỷ tấn. Điều đó sẽ nâng tổng sản lượng năm 2021 lên 3,997 tỷ tấn, cao hơn khoảng 4,0% so với tổng sản lượng của năm 2020 và 0,6% so với kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2013.
Các hành động khẩn cấp
Trung Quốc là nước khai thác và tiêu thụ than đá hàng đầu thế giới, trong khi việc sử dụng than đá thải ra khí CO2. Nước này đã cam kết cắt giảm mạnh lượng carbon, hoặc lượng khí thải carbon dioxide trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội, vào năm 2030, sẽ trở thành nước trung hòa carbon vào năm 2060 và ngừng xây dựng các nhà máy điện than ở nước ngoài.
Tuy nhiên, không có mục tiêu về carbon nào của Trung Quốc loại trừ khả năng tiêu thụ than và năng lượng sẽ tăng trong thời gian tới.
Nguồn cung than thắt chặt và giá tăng kỷ lục là những nguyên nhân chính đằng sau cuộc khủng hoảng điện đã khiến hoạt động kinh doanh trên cả nước giảm tốc vào những tuần gần đây. Đáp lại, Bắc Kinh đã thực hiện một số bước khẩn cấp để tăng nguồn cung cấp than và điện, bao gồm việc phê duyệt các mỏ than mới và cho phép các công ty điện lực cơ hội hiếm có là tăng giá bán điện cho khách hàng (Full Story) (Full Story)
Nhiệt điện (điện sản xuất từ than) chiếm khoảng 60% tổng sản lượng điện của Trung Quốc. Trong ba quý đầu năm 2021, sản lượng điện của Trung Quốc tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức tiêu thụ điện tăng 13% do ngành công nghiệp nặng và các nhà sản xuất tăng sản lượng sau khi các biện pháp chống Covid-19 được nới lỏng.
Tổn tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đã tăng gần 14% trong 9 tháng đầu năm 2021.
Alex Whitworth, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Năng lượng và Năng lượng tái tạo Châu Á Thái Bình Dương của Wood Mackenzie cho biết: "Mức tăng nhu cầu điện ở Trung Quốc năm nay đã tăng gấp đôi tổng tiêu thụ điện của Vương quốc Anh – mức tăng nhiều nhất so với bất cứ quốc gia nào trên thế giới".
Do áp lực buộc các nhà máy phát điện phải nâng cao sản lượng, lượng than được khai thác bổ sung sẽ chuyển thành nhiều năng lượng hơn.
Nếu tất cả lượng than khai thác bổ sung hàng ngày trong tháng 10 - khoảng 460.000 tấn - được dùng sản xuất điện, điều đó có thể nâng sản lượng điện hàng ngày của Trung Quốc tăng 6,7%, lên 1,52 tỷ kWh, theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc gia (NEA).
Lượng than mà Trung Quốc tăng cường nhập khẩu trong tháng 9 dự kiến sẽ đến tay các nhà sản xuất điện trong những tuần tới. Điều đó sẽ thúc đẩy sản lượng nhiệt điện ở nước này tăng thêm nữa.
Khủng hoảng năng lượng có sớm hạ nhiệt?
Các nhà phân tích cho biết rất khó xác định chính xác việc khả năng tăng phát điện của Trung Quốc sẽ giúp giảm bớt khủng hoảng năng lượng đến mức nào.
Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch cho biết: "Tôi nghĩ rằng tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng sẽ được giải quyết trong những tuần tới, đặc biệt là khi nhu cầu cũng đang giảm dần. Tuy nhiên, chừng nào giá vẫn ở mức hiện tại, thì việc sản xuất sẽ không có lợi nhuận, kể cả khi sự linh hoạt trong thuế quan được tận dụng. Vì vậy, các nhà máy sẽ vẫn hoạt động ít nhất có thể."
Giá than nhiệt tại Trung Quốc đã tăng gần gấp 3 lần từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 10, đạt mức cao kỷ lục lịch sử. Mặc dù giá than đã lao dốc trong những ngày gần đây, sau khi Bắc Kinh thực hiện các biện pháp can thiệp mạnh mẽ, nhưng giá hiện vẫn cao hơn 200% so với cùng kỳ năm trước.
Giá than nhiệt tại Trung Quốc tăng 200% trong một năm qua.
Một yếu tố phức tạp khác tác động đến cuộc khủng hoảng năng lượng là nhu cầu sưởi ấm dự kiến sẽ tăng sau khi dự báo nhiệt độ ở miền bắc Trung Quốc giảm xuống dưới mức bình thường trong suốt phần còn lại của tháng 10 - làm dấy lên lo ngại về ‘bóng ma’ của một đợt lạnh kéo dài trong cả mùa đông.
Nhiệt độ trên toàn Trung Quốc giảm xuống dưới mức trung bình.
"Nhu cầu điện trong thời gian còn lại của năm là một thông số quan trọng để xác định giá điện cao sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu điện như thế nào. Chính phủ (Trung Quốc) đang nỗ lực mạnh mẽ để tăng nguồn cung than nhưng cho đến nay vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu", Wood Mackenzie's Whitworth cho biết.
Tham khảo: Refinitiv
Vũ Ngọc Diệp