(Tổ Quốc) - Sinh sau đẻ muộn vào năm 2019 - trong bối cảnh thị trường đang chứng khiến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Grab, Gojek, Now (giờ là Shopee Food) nhưng chính cách làm marketing khác biệt là một trong những "vũ khí" giúp Baemin không phải chịu cảnh "trâu chậm uống nước đục".
Tháng 6/2022, ứng dụng giao đồ ăn online Baemin Việt Nam sẽ đón sinh nhật tuổi thứ 3. Để kỷ niệm cột mốc này, Baemin đã đặt mới một loạt biển quảng cáo ngoài trời. Điều này cũng không có gì mới mẻ nếu như không nhìn vào nội dung và cách thức thể hiện của các biển quảng cáo.
Thay vì những mẫu câu chúc mừng sinh nhật như thường thấy, Baemin lại đặt những lời cảm ơn đến khách hàng của mình.
"Cảm ơn bạn 3 năm qua đã dành vài giây xem quảng cáo Baemin mỗi lần dừng đèn đỏ - team marketing Baemin", biển quảng cáo ghi.
(Ảnh: Hội những người thích quảng cáo)
Thiết kế chỉ gồm 3 dòng chữ được viết trên phông nền trắng đơn thuần. Câu từ đơn giản, không cần vần điệu nhưng dễ đọc, dễ hiểu và dễ đi vào lòng người nên dù nằm lọt thỏm giữa những biển quảng cáo đầy màu sắc rực rỡ, thậm chí đặt sát cạnh đối thủ, biển quảng cáo của Baemin vẫn thu hút được sự chú ý của mọi người.
Hay ngay trong thang máy các toà nhà, Baemin cũng đặt biển quảng cáo với nội dung: "Cảm ơn bạn 3 năm qua vì những lúc đang dở việc vẫn chạy xuống nhận món từ tài xế Baemin – Team Rider Baemin".
Những tấm biển quảng cáo cảm ơn người dùng nhân dịp sinh nhật Baemin đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của cư dân mạng, đặc biệt là giới làm marketing, quảng cáo. Đa số dành lời khen cho sự sáng tạo của đội ngũ marketing Baemin, dễ thương, đơn giản mà hiệu quả.
Và tất nhiên, ngay cả tin nhắn gửi từ ứng dụng, team marketing của Baemin cũng khéo léo lồng thông điệp rất đồng bộ: "Cảm ơn bạn 3 năm qua vì đã bấm vào thông báo và mở app Baemin đặt món để mình đạt chỉ tiêu tháng này".
Đây không phải lần đầu tiên Baemin khiến nhiều người trầm trồ vì cách làm quảng cáo của mình. Hồi giữa năm 2021, ứng dụng gọi đồ ăn online này đã đồng loạt treo biển quảng cáo kích thước lớn tại các quận ở Tp.HCM và Hà Nội. Những chiếc biển này được thiết kế khá đơn giản, đồng bộ về màu sắc của thương hiệu, hình ảnh anh shipper trong bộ đồng phục BAEMIN nhưng nội dung khác nhau, gắn với tên riêng của từng khu vực.
Ví dụ, biển quảng cáo tại Gò Vấp có ghi: "Gò Vấp, Anh thuộc lòng, Em bằng lòng, Anh giao"
Hay như tại Hoàn Kiếm (Hà Nội): "Hoàn Kiếm, Anh biết rõ, Nhà trong ngõ, Vẫn giao"
Thời điểm ấy, những "câu thơ" ngắn gọn nhưng mang thông điệp rõ ràng, lại có chút vần điệu trên biển quảng cáo của BAEMIN cũng đã được cộng đồng mạng lan truyền mạnh mẽ, đồng thời nhận được sự khen ngợi từ giới làm "content".
Sinh sau đẻ muộn vào năm 2019 - trong bối cảnh thị trường đang chứng khiến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Grab, Gojek, Now (giờ là Shopee Food) nhưng chính cách làm marketing khác biệt là một trong những "vũ khí" giúp Baemin không phải chịu cảnh "trâu chậm uống nước đục".
Những chiến dịch marketing sáng tạo và trẻ trung, thậm chí vượt trội hơn cả Grab, Gojek,.. đã giúp Baemin nhanh chóng được nhiều người biết đến - đặc biệt là giới trẻ, chỉ sau chưa đầy 1 năm. Đồng thời, những "bài" quảng cáo này cũng gắn chặt với chiến lược chiếm lĩnh thị trường theo từng khu vực, từng quận của thương hiệu này.
Sau 1 năm bước vào thị trường, dù vẫn đứng sau Grab và Shopee Food nhưng Baemin đã bắt kịp Gojek về tỷ lệ người sử dụng (46%), thậm chí lấn át hơn khi có 16% người dùng app này nhiều nhất - so với 11% của Gojek (theo khảo sát của Q&m năm 2020). Tháng 05/2020, Baemin thậm chí đạt lượng thảo luận tương đương GrabFood ở cùng thời điểm.
Hoàng Thuỳ