(Tổ Quốc) - Khi bước qua tuổi 55, cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe vì đây là lúc bước vào “thời kỳ then chốt” để nâng cao tuổi thọ, chỉ có học cách chăm sóc cơ thể một cách khoa học thì mới có một cơ thể khỏe mạnh và sống lâu.
Tại sao nói sau 55 tuổi là “thời kỳ then chốt” để nâng cao tuổi thọ?
Càng lớn tuổi, khả năng mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, các bệnh tim mạch,... càng cao. Sau 55 tuổi, phụ nữ dễ loãng xương và thoái hóa khớp, nam giới thì cần cảnh giác bệnh tuyến tiền liệt và các bệnh đường ruột.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng độ tuổi 55-65 là thời kỳ sức đề kháng và khả năng miễn dịch của con người liên tục giảm sút, cơ thể rất dễ mắc bệnh. Bởi vậy, nếu trong giai đoạn này có thể giữ gìn sức khỏe thì khả năng sống thọ và khỏe mạnh về già sẽ cao hơn.
Bí quyết để nâng cao tuổi thọ và sự dẻo dai, khỏe khoắn thật ra rất đơn giản, chỉ cần nhớ kỹ "3 kiêng, 2 chăm, 1 bỏ"
Độ tuổi 55-65 là thời kỳ sức đề kháng và khả năng miễn dịch liên tục giảm sút (Ảnh: Internet)
3 kiêng: kiêng rượu, thuốc, tránh ngồi nhiều, tránh thức khuya
Kiêng rượu, thuốc
Đây là những chất có hại cho cơ thể, dễ dẫn đến ung thư. Người cao tuổi sử dụng rượu bia và thuốc lá trong thời gian dài sẽ dễ mắc ung thư phổi, ung thư ruột,dạ dày, gan, thực quản, và nguy cơ mắc các bệnh khác cũng tăng lên.
Tránh ngồi nhiều
Ít vận động là tình trạng phổ biến trong xã hội ngày nay. Ngồi một chỗ quá lâu sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn máu chi dưới, không tốt cho tử cung của nữ giới và tuyến tiền liệt ở nam giới.
Điều này còn có thể khiến xương và cột sống thoái hóa nhanh hơn, tăng khả năng mắc các bệnh về xương khớp. Ngồi nhiều còn làm hệ tiêu hóa yếu đi và tăng nguy cơ ung thư ruột.
Ngồi lâu nhiều dẫn đến thoái hóa cột sống, các bệnh xương khớp,... (Ảnh: Internet)
Nhiều người nghĩ rằng khi có tuổi thì nên nghỉ ngơi nhiều hơn, ít vận động để tránh chấn thương. Nhưng trên thực tế, điều này lại không có lợi cho sức khỏe.
Tránh thức khuya
Thật ra rất nhiều người cao tuổi không hề muốn thức khuya, nhưng tuổi càng cao đêm càng khó ngủ, ngủ không ngon. Vì vậy mà ban ngày họ muốn ngủ nhiều để bù giấc. Nhưng chính vì ngày ngủ quá nhiều nên đêm lại không ngủ được, dần dần thành vòng luẩn quẩn.
Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cơ thể thay đổi nội tiết tố, khiến tình trạng cao huyết áp và nhiều bệnh khác nghiêm trọng hơn, đồng thời cũng gây tổn thương cho tim và mạch máu não.
2 chăm: chăm uống nước, chăm tập thể dục
Chăm uống nước
Cơ thể rất cần lượng nước cân đối. Phổi thích môi trường ẩm ướt, thận cần nước để đào thải các chất cặn bã, dạ dày và ruột cũng cần nước để tạo dịch tiêu hóa, tạo thành phân, đẩy cặn bã ra khỏi cơ thể.
Uống đủ nước có thể giúp thúc đẩy quá trình thanh lọc các chất bẩn trong dạ dày và ruột (Ảnh: Internet)
Uống đủ nước giúp thúc đẩy quá trình thanh lọc các chất bẩn trong dạ dày và ruột. Hoạt động đơn giản này còn khiến ruột nhu động nhanh hơn, cải thiện quá trình trao đổi chất, từ đó đẩy các chất thải ra khỏi cơ thể tốt hơn. Bởi vậy mà người táo bón rất cần uống nhiều nước.
Tuy nhiên, những người mắc bệnh thận và tim cần tùy vào tình hình thực tế của cơ thể để uống lượng nước phù hợp, tránh tạo gánh nặng cho quá trình bơm tim và lọc thận.
Chăm tập thể dục
Tập thể dục hợp lý và vừa sức rất tốt cho sức khỏe và giúp gia tăng tuổi thọ. Các bài tập phù hợp cho người cao tuổi bao gồm chạy chậm, yoga, đi bộ, dưỡng sinh,... Nếu mắc các bệnh phổi, tim,... cần kiểm soát cường độ tập luyện, tránh quá sức mà gây nên tổn hại cho cơ thể.
Thêm vào đó, người cao tuổi không nên cố tham gia các hoạt động mạnh như leo núi hay các hoạt động dễ gây chấn thương.
Người cao tuổi nên chăm vận động nhưng cần tránh các hoạt động mạnh (Ảnh: Internet)
1 bỏ: bỏ các loại thuốc chăm sóc sức khỏe, thuốc đông y tự chế
Người cao tuổi cần đặc biệt lưu ý không sử dụng các loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe và các bài thuốc đông y tự chế. Dùng thuốc một cách bừa bãi sẽ càng có hại cho sức khỏe hơn.
Lạm dụng các loại thuốc tốt cho sức khỏe cũng có thể gây hại cho cơ thể (Ảnh: Internet)
Không chỉ vậy, nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe còn không tốt cho sức khỏe mà chỉ được coi là “thực phẩm hỗ trợ”. Không chỉ vậy, một số loại thuốc dù thực sự có lợi cho sức khỏe nhưng nếu lạm dụng trong thời gian dài cũng có thể có hại cho gan, thận, các cơ quan tiêu hóa.
Nguồn: Abouowang, Health
Hoàng Lan