(Tổ Quốc) - Trong quý 3, hoạt động tự doanh và nghiệp vụ lưu ký chứng khoán của TPS ghi nhận sự khởi sắc với doanh thu tăng mạnh trong khi mảng môi giới và tư vấn tài chính kém hiệu quả.
CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS – mã ORS) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với doanh thu hoạt động đạt 550 tỷ đồng, tăng gần 57% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ hoạt động tự doanh và nghiệp vụ lưu ký chứng khoán.
Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) quý 3 đạt 243,6 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần quý 3/2021. Trong kỳ, doanh thu nghiệp vụ lưu ký trong đạt hơn 167 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ trong khi doanh thu tư vấn tài chính giảm 44% so với cùng kỳ xuống 78 tỷ đồng. Hoạt động môi giới chiếm tỷ trọng nhỏ, mang về 15,3 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ.
Cùng với đà tăng doanh thu, chi phí hoạt động cũng tăng mạnh 58% so với cùng kỳ, lên hơn gần 354 tỷ đồng. Trong đó, lỗ tài sản FVTPL tăng gấp 2,4 lần cùng kỳ, lên gần 232 tỷ đồng, chủ yếu là cắt lỗ trái phiếu chưa niêm yết hơn 201 tỷ đồng (gấp 4 lần cùng kỳ). Tuy nhiên, TPS không thuyết minh chi tiết về danh mục trái phiếu đầu tư.
Chi phí tài chính và chi phí quản lý công ty chứng khoán trong kỳ đều tăng khá mạnh, lần lượt 31% và 38% so với cùng kỳ. Kết quả, TPS báo lãi trước thuế 88,3 tỷ đồng trong quý 3/2022, tăng 87% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 70,6 tỷ đồng, tăng mạnh đến 138% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, TPS thu về hơn 2023 tỷ đồng tổng doanh thu hoạt động, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt giảm 7% và 10% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 206,8 tỷ đồng và 163 tỷ đồng. Sự sụt giảm này chủ yếu do khoản lỗ kỷ lục gần 129 tỷ đồng sau thuế trong quý 2 trước đó.
Năm 2022, TPS lên kế hoạch tổng doanh thu 1.981 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 500 tỷ đồng, lần lượt tăng 46% và 85% so với thực hiện năm ngoái. Với kết quả đạt được sau 9 tháng, công ty thực hiện hơn 41% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Tại ngày 30/09/2022, tổng tài sản của TPS đã tăng 37,5% so với đầu năm lên gần 6.553 tỷ đồng. Trong đó, các khoản FVTPL có giá trị hợp lý hơn 1.217 tỷ đồng, giảm 33% so với hồi đầu năm, chủ yếu do trái phiếu chưa niêm yết giảm gần 91%, từ hơn 762 tỷ đồng xuống gần 71,5 tỷ đồng và chứng chỉ tiền gửi giảm hơn 28%. Danh mục trái phiếu niêm yết của TPS cũng giảm 65,5% về còn 59,1 tỷ đồng. Dù vậy, nếu so với thời điểm cuối quý 2, giá trị danh mục FVTPL của TPS đã tăng gấp 1,6 lần.
Ngược lại, các khoản phải thu tăng vọt gấp 4,7 lần đầu năm lên gần 2.915 tỷ đồng chủ yếu đến từ khoản phải thu bán các tài sản chính FVTPL hơn 765 tỷ đồng, tăng đôi và phải thu dịch vụ CTCK cung cấp hơn 2.050 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần đầu năm. Cùng với đó, nợ phải trả dài hạn cũng tăng hơn 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, đây là khoản trái phiếu phát hành dài hạn.
Thời điểm cuối quý 3, các khoản cho vay của TPS đạt 1.564 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm (1.826 tỷ đồng). Trong đó, cho vay ký quỹ (margin) tại thời điểm 30/9 dừng ở mức 1.466 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối quý 2.
Hà Linh