(Tổ Quốc) - Sau khi bước vào giai đoạn trung niên, ngày càng lớn tuổi, mọi người thường có 3 nỗi khổ âm thầm, ai cũng rất ngại nói ra. Nếu có thể thấu hiểu từ sớm để chuẩn bị tinh thần và thể chất thì cuộc sống “tuổi xế chiều” mới nhẹ lòng hơn.
3 nỗi khổ âm thầm của người trung niên
1. Khổ vì cô đơn
Khi còn tuổi trẻ, chúng ta có thể để mặc bản thân bị cuốn vào nhịp sống hối hả, bộn bề để quên đi sự cô đơn. Nhưng khi đến tuổi trung niên, với những người đã về hưu, không còn có quá nhiều áp lực và trách nhiệm trên vai, họ lại thường xuyên khổ vì sự cô đơn.
Ở một số quốc gia, người già cô đơn quá thậm chí còn cố tình phạm tội để “được” bắt vào tù. Họ làm vậy để trốn cảnh một mình đối mặt với bốn bức tường trống vắng, không người thăm hỏi, không người chăm sóc.
Trong cuộc sống hiện nay, ngày càng ít gia đình chung sống từ 2, 3 thế hệ trở lên. Người trẻ khi lập gia đình thường thích chuyển ra ngoài sống tự lập, không sống chung với bố mẹ. Điều này khiến cho thời gian con cháu được ở bên ông bà, bố mẹ càng ít hơn.
Nhiều khi, chúng ta bận việc đi làm cả ngày, hoặc vô tâm không để ý tới cũng có thể là nguyên nhân khiến các cụ chỉ luôn lủi thủi một mình. Cuộc sống chỉ quanh quẩn cũng khiến họ buồn lòng và cô đơn hơn.
Người già thường bị ám ảnh bởi nỗi cô đơn nhưng không phải ai cũng mạnh dạn nói ra. Do đó, việc con cái thường xuyên hỏi thăm, chủ động quan tâm, dành thời gian ở bên bố mẹ, ông bà chính là “liều thuốc” cần thiết, giúp họ thêm động lực sống vui khỏe mỗi ngày.
2. Khổ vì xương khớp
Sau tuổi trung niên, cơ thể bắt đầu gia tăng tốc độ lão hóa, các hoạt động sống chậm lại và yếu đi. Lúc này, lượng canxi trong xương thường ở mức thấp, xương giòn và rất dễ bị tổn thương. Các khớp cũng trở nên khô khốc, khiến việc đi lại và hoạt động của người cao tuổi bị ảnh hưởng nặng nề.
Mỗi khi hoạt động lâu và kéo dài, họ đều có nguy cơ bị chấn thương. Vào ngày trái gió trở trời, xương khớp lại đau ê ẩm kéo dài. Đây là một trong nỗi khổ âm thầm mà nói thì ngại, giữ lại đau vì ông bà, bố mẹ cũng không muốn làm phiền con cháu quá nhiều.
Trong trường hợp bị chấn động mạnh, người lớn tuổi cũng dễ bị gãy xương hơn. Từ cuộc sống an nhàn hạnh phúc, họ chuyển sang giai đoạn phải lệ thuộc, thuốc thang liên miên, đặc biệt khó khăn khi phải tập vật lý trị liệu để điều trị phục hồi sau chấn thương.
Đây là giai đoạn đặc biệt gian nan, thường khiến người cao tuổi phải chịu đựng cả nỗi đau về thể xác và tinh thần. Họ không chỉ cần sự chăm sóc của con cháu như giúp đỡ sinh hoạt hàng ngày, mà còn cần thêm sự động viên, quan tâm và đồng hành ở phương diện tinh thần.
Có như vậy, không chỉ người lớn tuổi có thể phục hồi nhanh chóng từ bệnh tật mà gia đình cũng hòa thuận, êm ấm và nhiều tiếng cười hơn.
Sự lão hóa về thể chất, trí tuệ khiến nhiều người lớn tuổi lúc nào cũng cảm thấy bất lực và căng thẳng, có thể trở thành nguyên nhân gây trầm cảm tuổi già. Ảnh: Time Magazine
3. Khổ vì mất tự chủ bàng quang
Người già thường rất lúng túng, áp lực khi mắc chứng tiểu không kiểm soát - mất tự chủ bàng quang. Vấn đề này thường có nhiều mức độ từ nhẹ tới nặng như là bị rò rỉ nước tiểu khi ho hoặc hắt hơi, hoặc có sự thôi thúc đi tiểu mà xảy ra rất nhanh, khiến bản thân người đó không kịp phản ứng.
Nỗi khổ này thường khiến người lớn tuổi trở nên tự ti, hay bối rối, lo lắng, không muốn ra ngoài. Bên cạnh đó, về mặt thể chất, chúng cũng làm gia tăng nguy cơ bị viêm nhiễm đường tiết niệu…
Tục ngữ đã có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Do đó, con cháu trong nhà cần phải thể hiện tấm lòng hiếu thảo và trách nhiệm của mình. Hãy trở thành người đồng hành cùng ông bà, cha mẹ của mình khi họ lớn tuổi và gặp phải những nỗi khổ âm thầm mà nói thì ngại, giữ lại đau như trên.
Chăm sóc cho người cao tuổi cần biết:
Một là: Thường xuyên tạo điều kiện để ông bà, bố mẹ trong nhà được có điều kiện chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất. Hãy khuyến khích họ tham gia các tổ, nhóm, CLB, các tổ chức đoàn thể ở địa phương, đi lễ, đi hội, thể dục, thể thao… để có cơ hội hoạt động và giao lưu, duy trì sự minh mẫn, giảm bớt cô đơn.
Hai là: Nếu có cơ hội, nên tạo cơ hội cho cha mẹ tham gia lao động vừa sức để vừa có thu nhập, vừa không cảm thấy mình là người thừa, người vô dụng.
Ba là: Luôn dành thời gian cho cha mẹ, dù chỉ là gọi điện thăm hỏi, chia sẻ các câu chuyện đời sống thường ngày để họ luôn được cập nhật về tình hình của con cháu. Người lớn tuổi sẽ không cảm thấy bị bỏ rơi một mình.
Dù chỉ một cuộc điện thoại thăm hỏi ngắn ngủi cũng khiến người thân cảm nhận được sự quan tâm và chăm sóc, là sức mạnh để họ vượt qua nỗi cô đơn. Ảnh: AAFP
Bốn là: Hạn chế tối đa những cuộc tranh cãi căng thẳng và đừng tỏ thái độ khi người lớn tuổi cho ý kiến mang tính khuyên nhủ. Khi dành thời gian suy ngẫm, sẽ có rất nhiều kinh nghiệm để học hỏi, áp dụng cho bản thân…
Năm là: Hướng dẫn người lớn tuổi sử dụng các thiết bị điện tử thông minh để ít nhất có thể đọc báo, cập nhật tin tức đời sống hàng ngày khi cần thiết.
Phương Thuý