Schneider Electric cùng tầm nhìn ngược dòng "bão" sa thải nhân sự

Tháng 11/2023, Giám đốc nhân sự Cáp Thị Minh Trang đã đại diện cho Schneider Electric khu vực Việt Nam & Campuchia để nhận giải thưởng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2023 do Anphabe bình chọn. Đây đã là lần thứ sáu liên tiếp Schneider Electric được xướng tên tại giải thưởng này.

 

Schneider Electric cùng tầm nhìn ngược dòng "bão" sa thải nhân sự - Ảnh 1.

Được vinh danh qua các năm không chỉ đơn thuần là việc doanh nghiệp giữ được phong độ của chính mình mà còn minh chứng cho những nỗ lực không ngừng và khả năng thích ứng với thời cuộc bởi mỗi năm, tổ chức lại phải đối mặt với những bài toán khác nhau. Còn nhớ, trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng nổ, bảo vệ sức khỏe cho nhân viên và hạn chế tác động tiêu cực đến doanh nghiệp là hai ưu tiên hàng đầu. Trong giai đoạn này, Schneider Electric được vinh danh tại Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất và Vietnam HR Awards nhờ nỗ lực bảo vệ sức khoẻ và công việc cho nhân viên. Đến năm 2023, khi cả thế giới đối mặt với những biến động địa chính trị và suy thoái kinh tế, bài toán lại là làm sao để đảm bảo tính năng suất, hiệu quả cho tổ chức.

"Chúng ta sẽ không tránh khỏi câu chuyện tinh giản những phần kém hiệu quả của tổ chức nhưng quan trọng hơn phải giữ chân được nhân tài, nhân sự cốt lõi và tạo ra môi trường an toàn trong "cơn bão" sa thải hàng loạt năm 2023", bà Minh Trang bày tỏ.

Những chính sách vượt khỏi tư duy truyền thống

Nếu nhìn vào hàng loạt chính sách vượt qua khỏi những khuôn khổ truyền thống mà Schneider Electric đang cung cấp cho nhân viên, có lẽ người ta cũng sẽ không bất ngờ khi doanh nghiệp này được xướng tên trong danh sách Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất hay thậm chí đứng Top 5 trong ngành.

Hoạt động trong lĩnh vực nơi nam giới vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo, việc thu hút, giữ chân nhân viên nữ và nhân sự trẻ dưới 35 tuổi trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của đội ngũ tuyển dụng. Ít ai biết, trong vòng tuyển chọn cuối cùng cho mỗi vị trí việc làm tại Schneider Electric đều phải cân bằng một nam - một nữ. Thậm chí ban lãnh đạo công ty phải chịu trách nhiệm, giải trình nếu tỷ lệ nhân viên nữ giảm sút. Trong khi đó, tại các nhà máy, thế hệ GenZ cũng đang chiếm 25% lực lượng lao động.

Bên cạnh tính đa dạng và hoà nhập, "Flexibility at Work" - tính linh hoạt cũng là dấu ấn đặc biệt nổi bật tại Schneider Electric, không chỉ về địa điểm làm việc mà còn về quyền lợi và khối lượng công việc. Bà Trang hào hứng chia sẻ, nếu như làm việc từ xa, linh hoạt đã trở thành hình thức khá quen thuộc thì tại Schneider Electric, nhân viên còn được linh hoạt lựa chọn giữa các phương án chi trả quyền lợi khác nhau hay chính sách "Flexibility Loads" cho phép người lao động thỏa thuận làm việc part-time, giảm khối lượng công việc. "Nếu nhân viên muốn chỉ làm việc ba ngày trong một tuần, chúng tôi có hình thức đó. Nếu nhân viên muốn nghỉ một năm để dành thời gian chăm sóc gia đình, Schneider Electric cũng giới thiệu chính sách phù hợp cho họ".

Schneider Electric cùng tầm nhìn ngược dòng "bão" sa thải nhân sự - Ảnh 2.

Tại khối nhà máy, công nhân cũng được hưởng các chính sách linh hoạt về thời gian làm việc.

Theo ông Vinod Kumar Nair - Chủ tịch nhà máy, không có quy định cứng nhắc nào về việc nhân viên chỉ được nghỉ phép 1 ngày trong tháng - điều thường thấy ở rất nhiều nhà máy khác hiện nay.

"Ở Việt Nam, công nhân làm việc trong 8 giờ, họ thường chỉ có 30 phút nghỉ giải lao và nghỉ duy nhất một lần. Còn ở Schneider Electric, chúng tôi linh hoạt hơn, cho phép công nhân nghỉ giải lao trong 40 phút và lựa chọn giữa các phương án khác nhau. Họ có thể nghỉ giải lao ngắn trong 10 phút và sau đó vào giờ ăn trưa, nghỉ ngơi trong 30 phút. Nếu họ gặp phải những vấn đề cá nhân, chúng tôi cũng linh hoạt điều chỉnh ca làm việc sáng - tối".

Nhân sự bền vững cho một công ty bền vững

Khi tin tức cắt giảm nhân sự tràn ngập khắp các kênh truyền thông, khi người lao động đối mặt với tình trạng "burn out", tính linh hoạt là chưa đủ. Nhân viên "hắt hơi" thì doanh nghiệp cũng "sổ mũi", nhân viên chới với thì tổ chức chẳng thể vững vàng. Tại Schneider Electric, những buổi trò chuyện về chăm sóc sức khỏe tinh thần được tổ chức để nhân viên cùng giãi bày tâm tư của mình. Các chuyên gia cũng được mời đến chia sẻ kỹ năng quản lý tài chính cá nhân - vấn đề được đặc biệt quan tâm trong thời kỳ khó khăn. Bên cạnh đó, một câu lạc bộ thể thao (Sport Club) được thành lập, nơi công ty hỗ trợ một nửa chi phí, khuyến khích nhân sự tham gia vào các chương trình tập luyện yoga, quần vợt, bóng đá,... hay thành lập câu lạc bộ âm nhạc, trang bị loa đài, guitar hay piano điện, đáp ứng đa dạng sở thích của nhân viên.

Schneider Electric cùng tầm nhìn ngược dòng "bão" sa thải nhân sự - Ảnh 3.

Còn tại nhà máy cũng thiết kế một khu vực riêng cho các hoạt động thư giãn, chơi bida, bóng bàn... "Chúng tôi còn tạo ra giờ "nghỉ giải lao công thái học" bởi mọi người đều biết, công nhân làm việc trong nhà máy phải đứng hoặc ngồi trong thời gian dài, điều đó không tốt cho cơ thế. Chúng tôi tạo ra một khoảng nghỉ ngắn, bật nhạc và video hướng dẫn công nhân giãn cơ", ông Vinod nói.

Hơn nữa, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mới, nâng cao trình độ được coi là một trong những chiến lược quan trọng của Schneider Electric nhằm phát triển nguồn nhân lực bền vững. Công nhân tại nhà máy cũng được thiết kế một lộ trình phát triển kỹ năng chuyên môn với 4 cấp độ khác nhau, thông qua cách tiếp cận được gọi là 3E: trải nghiệm (Experience) - giáo dục (Education) và tiếp xúc (Experience). Ông Vinod giải thích: "Chúng tôi cung cấp nền giáo dục hiện có và sau đó cung cấp kinh nghiệm về cách phát triển việc học đó thành trải nghiệm, sau đó cho họ tiếp xúc nhiều hơn để có thể trở thành bậc thầy trong kỹ năng ấy. Đồng thời, Schneider Electric cũng luôn có các chương trình công nhận và khen thưởng cho những kỹ năng chuyên môn này".

Tại Schneider Electric, cả nhân viên văn phòng và công nhân nhà máy đều được trao quyền trong các quyết định, khuyến khích sáng kiến mới và chấp nhận sai lầm. "Có nhiều công ty họ khá cổ hủ trong quy trình, và mỗi khi muốn thay đổi bất cứ thứ gì, bạn sẽ phải thông qua rất nhiều lần duyệt. Chúng tôi thì không. Đơn cử, trong việc cải thiện dây chuyền sản xuất, mỗi kỹ sư đều có khả năng làm điều đó. Họ có thể thử nghiệm nhiều thứ, phát triển công cụ cho riêng họ mà không cần phải chờ gật đầu. Với ai mà có khả năng lập trình tốt hay tương tự, họ có thể tự lập trình nên công cụ mà không cần chờ quản lý duyệt, đồng thời đề xuất với cấp trên rằng "Tôi vừa mới thử nghiệm điều này, ta có thể thử ứng dụng nó được không?". Chúng tôi luôn động viên và thưởng cho họ. Đó là cách Schneider Electric kêu gọi nhân sự của mình sáng tạo hơn mỗi ngày", Giám đốc nhà máy kể.

2024 vẫn được đánh giá là một năm nhiều thách thức với doanh nghiệp, Schneider Electric không nằm ngoài vùng ảnh hưởng đó. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm và nâng cao khả năng quản trị multi-gen sẽ là hành trang để Schneider Electric vững vàng vượt qua "cơn bão" và tiếp tục là "bến đỗ" tin cậy của người lao động.

Tin mới